Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Đưa ra khỏi ngành những giáo viên không đáp ứng yêu cầu"

Cập nhật: 15:56 ngày 09/06/2017
Trong phiên thảo luận Quốc hội diễn ra sáng 9-6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho rằng, chế độ công chức, viên chức (CC,VC) giáo viên hiện bộc lộ nhiều bất cập, có tâm lý giáo viên vào biên chế ổn định nên dẫn đến chất lượng giáo dục không cao.
{keywords}

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội trường.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, muốn nâng cao chất lượng giáo dục phải có nguồn lực và động lực. Trong đó, động lực đối với giáo viên và quản lý các nhà giáo hết sức quan trọng. Thực tế, chế độ công chức, viên chức (CCVC) hiện nay bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong vấn đề tuyển dụng. Ông Nhạ lấy ví dụ việc tuyển dụng CCVC trong các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt ở bậc phổ thông, chưa phù hợp nhu cầu về môn học, dẫn đến hiện tượng nơi thừa nơi thiếu.

Cùng đó, nhiều giáo viên có tâm lý vào biên chế để ổn định nên không trau dồi, nâng cao kiến thức, năng lực nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới dạy theo chương trình mới, dẫn đến tình trạng chất lượng giáo dục không cao. “Cho nên chúng tôi nghiên cứu, đề xuất thí điểm chuyển dần từ CCVC  biên chế sang hợp đồng lao động, trước hết, thí điểm ở trường đại học và một số trường THPT có điều kiện, sau đó từng bước rút kinh nghiệm, nhân rộng”, ông Nhạ cho hay.

Ông Nhạ khẳng định cần đặc biệt đổi mới để nâng cao chất lượng nhà giáo, qua đó đổi mới ngành giáo dục. Đây là yếu tố được cho là quyết định nâng cao chất lượng giáo dục và phải có lộ trình thực hiện. Bộ trưởng nhấn mạnh, Nghị quyết 29 nêu rất rõ năng lực đội ngũ phải căn cứ đóng góp về kết quả và năng lực, phẩm chất dạy theo phương pháp mới và kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên không đạt yêu cầu mới.

"Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng không thể không làm. Trước hết, thí điểm ở khu vực đại học vì đây là khu vực có thuận lợi trong việc thực hiện đơn vị sự nghiệp chuyển sang mô hình tự chủ tốt hơn và nhiều nơi đã nhất trí", Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh. Ông Nhạ thông tin thêm đây là chủ trương đúng, điều quan trọng là phải nghiên cứu có lộ trình phù hợp với điều kiện cơ sở và tâm lý giáo viên.

Trước đó, tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho rằng thực tế hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục khó khăn về cơ sở vật chất, tài chính phụ thuộc không thể tự chủ. Việc tăng cường cơ sở vật chất, nhận hỗ trợ của doanh nghiệp (DN) địa phương cho hoạt động giáo dục thông qua hoạt động xã hội hóa giáo dục không phải cơ sở nào cũng thực hiện được.

“Để kêu gọi sự ủng hộ của các DN, nhà hảo tâm phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ của người đứng đầu cơ sở giáo dục cũng như điều kiện KT-XH địa phương, nếu kêu gọi sự hỗ trợ của phụ huynh thì bị xã hội lên án là lạm thu”, bà Phúc cho hay. Theo bà Phúc, để tăng cường cơ sở vật chất, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, việc xã hội hóa là cần thiết, tuy nhiên để đạt hiệu quả thì cơ sở giáo dục nên được tự chủ về tài chính, con người dưới sự giám sát cơ quan quản lý nhà nước.

“Tuy nhiên, đến nay Bộ GD&ĐT chưa ban hành Nghị định về quy chế tự chủ đối với cơ sở giáo dục công lập vì vậy cơ sở giáo dục chưa có cơ sở pháp lý triển khai Nghị định 16/2015/NĐ-CP cơ chế tự chủ của đơn vị nghiệp công lập. Tôi kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT sớm ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập trong giáo dục đào tạo để các cơ sở có cơ sở pháp lý triển khai”, bà Phúc đề xuất.

Theo Trang Thu/Tin tức


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...