Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cần tạo sự đồng thuận trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Cập nhật: 14:56 ngày 05/11/2017
(BGĐT) - Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, thảo luận ở hội trường về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11 - 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại biểu Lê Thị Thu Hồng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đã đề nghị làm rõ một số nội dung xung quanh lộ trình thực hiện. 

{keywords}
Đại biểu Lê Thị Thu Hồng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang thảo luận tại hội trường.

Theo đại biểu Lê Thị Thu Hồng, sau khi nghiên cứu báo cáo và tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, thông qua tiếp xúc cử tri chuyên đề về giáo dục tại tỉnh Bắc Giang nhận thấy, trong dự thảo Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 2, Nghị quyết 88, Quốc hội khóa XIII về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông có một số nội dung cần làm rõ và bổ sung thêm.

Thứ nhất, cần làm rõ lộ trình thực hiện. Nghị quyết 88 đã thực hiện đến tháng 11-2017 là ba năm, các nội dung như biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới, chuẩn bị giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu chương trình sách giáo khoa mới; chuẩn bị cơ sở vật chất để thực hiện trong báo cáo đã có nhưng còn chung chung. Những nội dung công việc nào chưa thực hiện được, nguyên nhân do đâu, lộ trình sắp tới, đặc biệt năm 2018, năm dự kiến triển khai áp dụng phải làm những gì, lộ trình cụ thể ra sao và giải pháp như thế nào?. 

Thứ hai, trong Nghị quyết 88 của Quốc hội khóa XIII nêu rất rõ, đó là có việc lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân và việc lấy ý kiến về nội dung này đã được thực hiện hai lần. Tuy nhiên trên thực tế đã nảy sinh những quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều. Theo đại biểu Lê Thị Thu Hồng, nội dung này phải báo cáo thêm, mục đích là để cho ĐBQH nắm rõ, đồng thời Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có định hướng rõ ràng để các địa phương sẵn sàng, để các ĐBQH tuyên truyền, giải thích, tạo sự đồng thuận của xã hội trong việc thực hiện Nghị quyết.

Thứ ba, theo tờ trình của Chính phủ thì ngoài việc thực hiện chương trình đổi mới trong năm 2018, Chính phủ cần có thời gian để triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 về tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục. “Vậy việc xin lùi thời gian một năm liệu đã khả thi chưa?, theo tôi nên cân nhắc, vì thực tế vừa qua cơ bản các nội dung của Nghị quyết theo lộ trình đều chậm, chưa đảm bảo đúng tiến độ. Ví dụ, chương trình tổng thể theo Quyết định 404 thì đến tháng 6-2016 phải ban hành nhưng đến tháng 7-2017 mới được Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua”, đại biểu Hồng nói. 

Mặt khác, nếu là phương án 1 như thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, còn có ý kiến không nên kéo dài sự chuẩn bị hơn nữa vì sẽ làm giảm động lực và tác động đến tâm thế đổi mới trong ngành giáo dục và xã hội. Ở đây, giảm động lực là những động lực gì, tác động tâm thế là như thế nào cần báo cáo rõ hơn để các ĐBQH tự tin và có đủ cơ sở khi bấm nút biểu quyết thông qua.

Về dự thảo nghị quyết,  đại biểu Lê Thị Thu Hồng đề nghị nên bổ sung những tồn tại hạn chế và nguyên nhân vào dự thảo cho logic với phần nội dung phải sửa đổi bổ sung. Đề nghị báo cáo việc thực hiện Nghị quyết vào các cuộc họp cuối năm để Quốc hội biết và giám sát. 

 TS

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...