Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 28 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nguy cơ dư thừa tới 4 triệu nam giới

Cập nhật: 16:13 ngày 09/11/2017
Sáng 9-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
{keywords}

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình những vấn đề đại biểu quốc hội quan tâm.

Nguy cơ dư thừa nam giới do bất bình đẳng giới

Theo đại biểu (ĐB) Lê Thị Yến (Phú Thọ), Việt Nam đang có sự mất cân bằng giới tính (CBGT) khi sinh, tình trạng này đang gia tăng và không đồng đều giữa các vùng miền. Năm 2006 tỷ lệ này là 106 nam/100 nữ, tới năm 2013, tỷ lệ là 113,8 nam/100 nữ và ước thực hiện năm 2017 là 113 nam/100 nữ. Số tỉnh có tình trạng mất CBGT khi sinh cũng tăng nhanh, năm 2009 là 45/63 tỉnh, thành; tới năm 2015 là  55/63 tỉnh, thành. Nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng của tâm lý xã hội về việc muốn có con trai để nối dõi tông đường, trọng nam hơn nữ. 

Cùng quan điểm này, ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cho biết, tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn thể hiện ở quyền tài sản thừa kế, tỷ lệ trúng cử của phụ nữ chưa tương xứng, đặc biệt đối vùng sâu, vùng xa. Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số không biết chữ, tỷ lệ phụ nữ vùng cao tử vong khi sinh cao gấp đôi các khu vực khác... Do vậy, ĐB Lê Thị Yến kiến nghị, cần tăng cường truyền thông về bình đẳng giới, nâng cao nhận thức và vai trò của nam giới. Xử lý nghiêm các trường hợp lựa chọn giới tính thai nhi, đưa nội dung bình đẳng giới vào hương ước, quy ước của cộng đồng, các dòng họ, bảo đảm sự bình đẳng của con gái với con trai trong việc thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường, sự công bằng về vai trò của nam và nữ trong hoạt động xã hội, kinh tế và chính trị...

Về vấn đề lương hưu và nghỉ hưu của lao động (LĐ) nữ có sự khác biệt với nam giới, gây thiệt thòi cho LĐ nữ, lương hưu của LĐ nữ chỉ bằng 87% so với nam giới, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, nên có quy định cho LĐ nữ lựa chọn thời điểm nghỉ hưu từ 55-60 tuổi, để bảo đảm công bằng và bình đẳng giới. Về giải pháp cụ thể, ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cho rằng, hàng năm QH cần thảo luận, giải trình để đưa ra các giải pháp cụ thể, làm rõ việc tỉ lệ ĐB nữ không đạt yêu cầu. Đẩy mạnh giám sát về bình đẳng giới, tuyên truyền ngăn chặn phân biệt đối xử, ngược đãi, buôn bán phụ nữ… 

Xử lý doanh nghiệp sa thải lao động nữ trên 35 tuổi

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải trình những vấn đề ĐBQH quan tâm. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, phụ nữ Việt Nam đã có mặt ở tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, làm tốt vai trò người mẹ, người vợ. Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo ngày càng tăng. Công tác bình đẳng giới của Việt Nam đã có những bước tiến bộ, là một điểm sáng về bình đẳng giới. Tuy nhiên, định kiến về giới còn dai dẳng do ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo, phong kiến. 

Về giải pháp bảo đảm quyền lợi cho LĐ nữ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ quan tâm tới vấn đề tạo công ăn việc làm cho phụ nữ. Ở nông thôn, phụ nữ sẽ cùng tham gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, có các chương trình về nói không với bạo lực, xâm hại và không để phụ nữ "lùi" lại phía sau. Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ nhóm phụ nữ yếu thế, phụ nữ đơn thân, có chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình, buôn bán, xâm hại phụ nữ… hôn nhân yếu tố nước ngoài. 

Về vấn đề sa thải phụ nữ sau 35 tuổi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm: Chính phủ đã lập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát, trực tiếp kiểm tra, đánh giá thực trạng. Vừa qua, nhiều doanh nghiệp (DN), tập đoàn đã gặp gỡ Chính phủ và có nhiều đổi mới trong việc chăm lo cho người LĐ. Tuy nhiên, thực tế thực thi chính sách với LĐ nữ có nơi vẫn chưa đạt yêu cầu. Ví dụ có DN phát thẻ đi vệ sinh cho công nhân, 100 người chỉ có 3 thẻ. Do vậy, trong thời gian tới DN nào sai phạm sẽ bị xử phạt. 

ĐB Tống Thanh Bình (Lai Châu) cho biết, bạo lực gia đình vẫn là vấn đề cần được quan tâm, theo thống kê năm 2010,  cứ 3 phụ nữ được hỏi thì có 1 người bị bạo lực thể xác, tình dục hoặc tinh thần. 58% phụ nữ đã kết hôn bị bạo lực tình dục, thể xác hoặc tinh thần; 27% cho rằng từng bị cả 3 loại bạo lực trên. Đây chỉ là con số thống kê, thực tế số liệu này có thể lớn hơn nhiều. Do vậy, ĐB Tống Thanh Bình kiến nghị, cần tăng cường trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp với vấn đề bình đẳng giới. Đặc biệt là thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Phân công trách nhiệm cụ thể, phân bổ nguồn lực bổ sung về bình đẳng giới. 

Theo Tin tức


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...