Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 luật

Cập nhật: 14:15 ngày 14/12/2017
Ngày 14-12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo, công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 luật, gồm: Luật Quy hoạch, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Quản lý nợ công, Luật Lâm nghiệp, Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài (sửa đổi), Luật Thủy sản.
{keywords}

Quang cảnh buổi họp báo.

Có hiệu lực thi hành từ 1-1-2019, Luật Quy hoạch là khung pháp lý nhằm thiết lập cơ chế cung cấp thông tin quy hoạch bảo đảm công khai, minh bạch, khắc phục được tình trạng “xin-cho” các dự án trong quy hoạch thông qua việc điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện làm lãng phí nguồn lực quốc gia. Luật quy định các nguyên tắc chủ yếu trong hoạt động quy hoạch, về quy trình, thẩm quyền lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch…

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến các biện pháp xử lý đối với những dự án “treo” khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, đại diện Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)  cho rằng, Luật Quy hoạch quy định rõ việc chuyển tiếp các quy hoạch đã được phê duyệt và đang thực hiện. Đối với các dự án “treo” đã quá lâu sẽ được xem xét, nếu quy hoạch cũ không còn phù hợp thì phải điều chỉnh lại nhằm bảo đảm tính khả thi.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), người phải chịu trách nhiệm theo kết luận thanh tra dẫn đến việc tổ chức tín dụng (TCTD) bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng ở khung phạt tiền cao nhất sẽ không được đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành tại TCTD. Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung quy định không cùng đảm nhiệm chức vụ đối với chức danh Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc của TCTD nhằm hạn chế việc lạm dụng quyền đồng thời là người quản trị, điều hành tại TCTD và doanh nghiệp để thực hiện hoạt động đầu tư, cấp tín dụng không trên cơ sở thị trường, tạo ra rủi ro lớn cho hoạt động của TCTD. Luật có hiệu lực thi hành từ 15-1-2018.

Liên quan đến Luật này, trước câu hỏi của phóng viên về các biện pháp xử lý các TCTD yếu kém, trong đó có phá sản, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh cho rằng, phá sản TCTD không phải là vấn đề mới, nó đã được đề cập trong Luật các TCTD 1997. Luật lần này tiếp tục được bổ sung, hoàn chỉnh hơn về các biện pháp phá sản TCTD. Phá sản được coi là biện pháp cuối cùng được xem xét khi không thể thực hiện các biện pháp khác. Do phá sản TCTD có ảnh hưởng lớn đối với xã hội nên việc xem xét, quyết định lựa chọn biện pháp này phải rất cẩn trọng nhằm bảo đảm tính ổn định, an toàn của các TCTD và quyền lợi của người gửi tiền.

Có hiệu lực thi hành từ 1-7-2018, Luật Quản lý nợ công đã xác định rõ trách nhiệm, điều kiện vay và trả nợ của chính quyền địa phương, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ với các luật có liên quan. Nhằm bảo đảm an toàn, bền vững nợ công, việc huy động vốn vay phải bảo đảm các chỉ tiêu an toàn nợ công và bố trí nguồn lực trả nợ đầy đủ, đúng hạn, các khoản vay mới chỉ được thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động đến quy mô nợ công, trong giới hạn các chỉ tiêu an toàn nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn.

Bên cạnh các quy định về quản lý rủi ro cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ, Luật còn quy định cụ thể về quản lý và xử lý rủi ro với nợ công, từ việc nhận diện rủi ro, phân loại rủi ro, các biện pháp phòng ngừa, xử lý khi xảy ra sự kiện ảnh hưởng đến nợ công.

Theo Huệ Linh/ANTĐ


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...