Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Dấu ấn Chính phủ kiến tạo

Cập nhật: 10:05 ngày 18/02/2018
Trong bài phát biểu nhậm chức nhiệm kỳ 2016-2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã xác định rõ mục tiêu xây dựng "Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân".
{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ trong mô hình kiến tạo phải chủ động hơn trong thiết kế chính sách pháp luật, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cải thiện môi trường kinh doanh

Trong năm 2017, lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả 13/13 chỉ tiêu KT-XH do Quốc hội đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế đều đạt yêu cầu đề ra. 

GDP tăng trưởng khoảng 6,81% (vượt mục tiêu 6,7% đề ra trước đó), xuất khẩu hơn 200 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn 33 tỷ USD, dự trữ ngoại hối cũng đạt kỷ lục mới, đón khoảng 13 triệu lượt du khách quốc tế, hơn 120.000 doanh nghiệp (DN) mới được thành lập, hơn 25.000 DN hoạt động trở lại, chỉ số thuận lợi kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu... Những kết quả này tạo đà thuận lợi đưa đất nước tiếp tục phát triển.

Để đạt được những thành quả trên, Chính phủ đã có những bước đi quyết liệt theo định hướng Chính phủ kiến tạo. Dưới chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương bãi bỏ gần 700 điều kiện kinh doanh (ĐKKD), chiếm đến hơn một nửa số điều kiện mà bộ này quản lý. Tiếp đó, đầu tháng 12-2017, Bộ Xây dựng đề xuất bãi bỏ 41,3% tổng số ĐKKD, đơn giản hóa 43,7% ĐKKD thuộc trách nhiệm của bộ. Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất bỏ  34,2% ĐKKD và cắt giảm 56,5% thủ tục hành chính do mình quản lý.

Về dài hạn, những ĐKKD được bãi bỏ chắc chắn là một bước đi tích cực vì đã giúp xoá bỏ rào cản gia nhập thị trường cho hàng loạt ngành nghề, tạo điều kiện cho người dân tham gia hoạt động kinh doanh - sản xuất có lợi nhuận. Việc tích cực xoá bỏ hơn 3.400 ĐKKD cũng sẽ khiến môi trường kinh doanh ở Việt Nam minh bạch hơn, tránh tình trạng một số cán bộ lợi dụng ĐKKD để làm khó DN hoặc trục lợi. Ngoài ra, việc dỡ bỏ các ĐKKD không cần thiết chứng tỏ tư duy quản trị Nhà nước mới theo hướng “kiến tạo”: Nhấn mạnh vào các cơ chế “hậu kiểm”, vận dụng tích cực vai trò của người dân và thị trường trong công tác giám sát, thay vì quản lý “đầu vào” theo cách vẫn được thực hiện từ xưa đến nay. 

Chính phủ nhiệm kỳ mới đã quyết liệt trong việc thực hiện cam kết Nhà nước không kinh doanh những gì tư nhân có thể thực hiện, không “bán bia, bán sữa”. Trong những ngày cuối cùng của năm 2017, Nhà nước đã hoàn thành việc thoái gần 60% vốn tại hãng bia lớn nhất Việt Nam là Sabeco, với giá trị lên đến 4,8 tỷ đô la. Ngoài ra, đang đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH) các “đại gia” nhà nước khác… CPH diễn ra hiệu quả sẽ tạo thêm nguồn vốn đầu tư phát triển cần thiết trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp và quan trọng hơn là tách bạch giữa quản lý Nhà nước, DN Nhà nước với quản lý sản xuất kinh doanh. Nhà nước sẽ bớt chịu các rủi ro kinh doanh, bớt các chi phí quản lý, trong khi môi trường kinh doanh sẽ năng động, hiệu quả và minh bạch hơn. 

Đương nhiên, CPH là một quá trình phức tạp, với những lùm xùm quanh các câu chuyện lợi dụng CPH để trục lợi như ở Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS). Chính vì thế, việc hoàn thiện các quy định liên quan đến CPH sẽ là một nhiệm vụ cần thực hiện sớm trong năm 2018

Chính phủ hành động

Trong phiên trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội ngày 18-11-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên giải thích cặn kẽ về định nghĩa Chính phủ kiến tạo. Thủ tướng cho biết, về nội hàm của Chính phủ kiến tạo có 4 nội dung chính: Thứ nhất, đó phải là một Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế.

Thứ hai, là Nhà nước không làm thay thị trường, những khu vực nào thị trường có thể làm được, DN tư nhân có thể làm được thì Nhà nước không can thiệp, mà thay vào đó là tạo điều kiện cho các DN làm. Nhà nước sẽ chỉ đầu tư vào những khu vực các DN tư nhân không thể đầu tư.

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra tại Hà Nội vào ngày 17-5-2017.

Thứ ba, theo Thủ tướng, Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, mà còn phấn đấu vươn lên tiêu chí của các nước nhóm phát triển. Thứ tư, là Chính phủ phải nói đi đôi với làm, siết chặt kỷ cương, đặc  biệt phải thay ngay cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc. Cần xây dựng chính quyền điện tử, thương mại điện tử đến tòa án điện tử… Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ kiến tạo là Chính phủ chủ động hơn trong xây dựng thể chế, pháp luật chứ không chỉ điều hành trên những gì pháp luật có sẵn. "Bộ máy Chính phủ phải năng động hơn, có sáng kiến nhiều hơn, nghiên cứu thế giới xung quanh nhiều hơn để áp dụng cùng với đường lối, chính sách của Đảng để chủ động tốt hơn, chứ không phải rơi vào thế bị động", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Tiếp tục xây dựng một Chính phủ liêm chính và kiến tạo

Chuẩn bị bước vào năm 2018, Chính phủ đã có những định hướng mới cho sự phát triển của đất nước. Ngày 3-10-2017, Chính phủ ra Nghị quyết 98/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo đó, Nhà nước sẽ xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả và bền vững. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN. Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP sẽ tăng tương ứng khoảng 50%, 55% và 60 - 65%...

Chính phủ tiếp tục khuyến khích phát triển các tập đoàn tư nhân lớn ở Việt Nam, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn ở thị trường Việt Nam, đặc biệt khuyến khích tinh thần cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các loại hình DN và các thành phần kinh tế, mong muốn họ hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hóa. Sẽ số hóa công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công để giảm bớt tệ quan liêu, phiền hà của một bộ phận công chức phục vụ. Tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng như bến cảng, đường giao thông, sân bay, bảo đảm năng lượng cho sản xuất và kinh doanh...

Chính phủ đồng tình với quan điểm cái gì tư nhân làm được thì để tư nhân làm. Chính phủ chỉ kiến tạo môi trường đầu tư tốt cho sự phát triển của mọi thành phần kinh tế. Tiếp tục cải cách và đổi mới, không để thụt lùi chính sách trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng,… Đồng thời, cơ quan hành chính cao nhất cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với những hành động làm ăn không chân chính, các DN gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đối với truyền thống văn hóa xã hội, sử dụng bất hợp pháp lao động vị thành niên, có những phân biệt đối xử và ít quan tâm đến người lao động trực tiếp; đặc biệt xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, chuyển giá, làm ăn phi pháp thu lợi bất chính.

Người dân kỳ vọng Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả những thiết kế chính sách hướng về DN trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Cần phải "nói đi đôi với làm" trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đối với các bộ, ngành trong việc tiếp tục xây dựng một Chính phủ liêm chính và kiến tạo.

Theo Tam Long/CAND


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...