Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giảm bớt việc tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành công trình

Cập nhật: 16:52 ngày 12/04/2018
Cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia... là một trong những mục tiêu đặt ra cho công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018.
{keywords}

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải.

Thông tin này được đưa ra trong báo cáo về kết quả việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2017 của Chính phủ tại phiên họp thứ 23 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 12-4.

Năm 2018, Chính phủ sẽ phấn đấu tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước (NSNN) 12% đối với các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách, khánh tiết tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào, so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không bố trí đoàn ra trong chi thường xuyên các Chương trình mục tiêu quốc gia. Cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội của địa phương.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu, trong năm 2018, thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, đối tượng hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định; hạn chế mua sắm xe ô tô (trừ xe ô tô chuyên dùng) và trang thiết bị đắt tiền. Không sử dụng vốn vay nước ngoài trong khuôn khổ các chương trình dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vay thương mại để mua xe ô tô công. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế khoán xe công, phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng 30% - 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các bộ, ngành, địa phương.

Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Đất đai, quy hoạch sử dụng đất. Thực hiện nghiêm các chủ trương, định hướng trong điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản theo Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Không cấp phép mới thăm dò, khai thác vàng sa khoáng; hạn chế và đi đến chấm dứt cấp phép khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ. Không xuất khẩu khoáng sản thô.

Bên cạnh đó, đặt mục tiêu tăng cường bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng tự nhiên và các quy định về bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học để đạt tỷ lệ che phủ rừng 41,6%. Không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác trên phạm vi cả nước, trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH cần thiết do Thủ tướng Chính phủ quyết định. 

Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra về báo cáo thẩm tra về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư còn chậm. Đến ngày 31-1-2018 chỉ có 6 cơ quan Trung ương và 7/63 địa phương giải ngân hết kế hoạch. Tổng thể giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn NSNN chỉ đạt khoảng 86,3% dự toán. Tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ rất thấp, chỉ khoảng 41,2% dự toán. “Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn hẹp, khả năng huy động vốn khó khăn, nhiều công trình, dự án thiếu vốn song nhiều dự án không giải ngân hết vốn được giao là biểu hiện của việc chưa chấp hành nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật về NSNN”, ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh. 

Cũng theo ông Hải, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại một số cơ quan, đơn vị chưa phù hợp. Việc triển khai thực hiện chủ trương khoán xe công còn chậm; còn tình trạng một số địa phương mua sắm, trang bị tài sản chưa đúng đối tượng, vượt định mức. Tình trạng khai thác khoáng sản, cát, đá, sỏi trái phép còn xảy ra ở nhiều nơi; công tác quản lý giá tính thuế, sản lượng khai thác đối với khoáng sản tại một số địa phương còn bất cập; việc quản lý tài nguyên nước còn hạn chế từ công tác quy hoạch, khai thác, sử dụng, đến kiểm soát chất lượng nước. Diện tích rừng bị thiệt hại, số vụ vi phạm tuy có giảm nhưng tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng vẫn diễn biến phức tạp, không chỉ gây thất thoát tài nguyên mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, biến đổi khí hậu tiêu tốn nguồn lực để khắc phục trong hiện tại và tương lai.

Theo Xuân Phong/Tin tức

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...