Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 30 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: Chủ động ngăn chặn tội phạm và gian lận thương mại

Cập nhật: 17:33 ngày 26/07/2018
(BGĐT) - Ngày 26-7, tại TP Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của Chính phủ (BCĐ 138), Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. 
{keywords}

Quang cảnh tại điểm cầu Bắc Giang.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng BCĐ 138 của Chính phủ và BCĐ 389 Quốc gia chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu Bắc Giang có đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 138 tỉnh cùng các thành viên BCĐ 138, BCĐ 389 tỉnh.

6 tháng đầu năm, những vấn đề phức tạp về tội phạm và trật tự xã hội được phát hiện, xử lý kịp thời, góp phần giảm 0,17% số vụ phạm pháp hình sự; hầu hết các vụ án đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ. Lực lượng chức năng phát hiện 109 vụ, 126 đối tượng phạm tội mua bán người với 236 nạn nhân… Cùng thời gian, các đơn vị chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý hơn 88 nghìn vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (giảm gần 2% so với cùng kỳ năm 2017), thu nộp ngân sách hơn 7,4 nghìn tỷ đồng. 

Tại tỉnh Bắc Giang, lực lượng chức năng điều tra, khám phá 275 vụ với 248 đối tượng phạm tội về trật tự xã hội, đạt 81%, trong đó trọng án đạt 100%. Phát hiện, xử phạt hành chính 131 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 37 vụ về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cùng hơn 1 nghìn vụ gian lận thương mại, an toàn thực phẩm…

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, tình hình tội phạm tuy giảm song tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng; hoạt động của các ổ nhóm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để gây án có chiều hướng gia tăng; tội phạm ngày càng trẻ hóa, đa số phạm tội lần đầu; khó kiểm soát tội phạm mua bán người, nhất là đưa người xuất cảnh trái phép, môi giới lấy chồng nước ngoài; kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa tương xứng với tình hình thực tế… 

Một số ý kiến đề nghị, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự để các ngành, địa phương có căn cứ triển khai thực hiện; chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng dư luận về những vấn đề nhạy cảm; ban hành quy định về kinh doanh tài chính nhằm hạn chế các tổ chức, cá nhân lợi dụng để phạm tội, nhất là tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Có ý kiến cho rằng, các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu ngay từ cửa khẩu, sân bay; có hình thức xử phạt bổ sung (đình chỉ hoạt động) đối với hành vi kinh doanh xăng dầu không có giấy chứng nhận đủ điều kiện…

Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình tội phạm; buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, do đó cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào công tác này. Đồng chí đề nghị, khi xảy ra phức tạp về tình hình an ninh trật tự, gian lận thương mại ở địa phương, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, nếu để tội phạm, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm. 

Quá trình thực hiện nhiệm vụ cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ngay tại cơ quan thực thi pháp luật, kiên quyết loại bỏ cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, có biểu hiện bao che tội phạm, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ đức, đủ tài. Chủ động nắm tình hình, không để bất ngờ trước mọi tình huống. 

Bộ Công an chủ động phối hợp với các lực lượng khác triển khai đồng bộ các biện pháp, chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh, ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng tội phạm hoạt động phức tạp; triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện lớn của đất nước… 

Các bộ, ngành, địa phương rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, nhất là các quy định còn sơ hở thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành; xây dựng kế hoạch với giải pháp khả thi nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý tội phạm, gian lận thương mại; quán triệt nghiêm quan điểm không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, gian lận thương mại...

Sỹ Quyết


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...