Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đừng ngộ nhận về quyền con người mà quên đi nghĩa vụ công dân

Cập nhật: 14:45 ngày 30/07/2018
Thời gian gần đây, nhất là từ một số vụ biểu tình gây rối xảy ra ở một số nơi với cớ phản đối dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu) và Luật An ninh mạng, trước đó là một số vụ án xét xử một số người lợi dụng tự do ngôn luận báo chí, Internet… các thế lực thù địch ráo riết tuyên truyền rằng Việt Nam vi phạm dân chủ nhân quyền.
{keywords}

TAND TP Phan Thiết xét xử các bị cáo liên quan đến vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra vào đêm 11-6-2018 tại khu vực cổng UBND tỉnh Bình Thuận.

Những chứng cứ mà người ta đưa ra là những đối tượng bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ, xét xử trong một số vụ án như: Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phú (Hà Nội, tháng 1-2018); Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Đà Nẵng, ngày 30-11-2017); gần đây là đối tượng Will Nguyễn (công dân Mỹ gốc Việt) bị bắt trong vụ gây rối ở TP Hồ Chí Minh, ngày 10-6-2018. Lập luận của họ cho rằng: Việc làm của những đối tượng trên là hành động “ôn hòa”, “bất bạo động”. Những người nêu trên chỉ thực hiện các “quyền con người vốn có của họ”, hơn nữa, những quyền này nằm trong Hiến pháp 2013 và trong các công ước về quyền con người (QCN) mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập…

Vậy QCN là gì? Hiến pháp 2013 quy định về QCN như thế nào? Vì sao các thế lực thù địch lại thường viện dẫn QCN khi nói đến những vụ việc chính trị, xã hội ở Việt Nam gần đây?

Trước hết, QCN là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, là tài sản chung của các dân tộc. Ngày nay, QCN được xem như là một thước đo của sự tiến bộ và trình độ văn minh của các xã hội, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển và bản sắc văn hóa. Ở Việt Nam, QCN, quyền công dân là thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và khi ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013 đều có các quy định về quyền công dân, trong đó có không ít quy định mang nội dung QCN. Hiến pháp 2013 lần đầu tiên dành cả một chương-chương Hai, quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”. Các QCN, quyền và nghĩa vụ công dân được quy định một cách đầy đủ và tương thích với các công ước quốc tế cơ bản về QCN.

Khi QCN trở thành một thủ đoạn chính trị mà các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá chế độ xã hội thì việc các cơ quan chức năng sử dụng các biện pháp chuyên chính để can thiệp, bảo vệ an ninh quốc gia, lập lại trật tự công cộng là điều tất nhiên. Trong thời đại Internet, kỹ thuật số, đã xuất hiện “thực tế ảo”, “thế giới ảo”. Trong "thế giới ảo" cũng đã có những tội phạm thực. Đó là những kẻ sử dụng Internet, mạng xã hội đưa tin thất thiệt, từ xúc phạm nhân phẩm cá nhân, lừa đảo, cờ bạc… đến xúi giục người dân xuống đường biểu tình chống chế độ xã hội, nhà nước. Điều 8, Luật An ninh mạng quy định về những hành vi nghiêm cấm sau: (a) Hành vi quy định tại Khoản 1, Điều 18 (2) của luật này; (b) Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo… người chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; (c) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc,…; (d) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân,…; (đ) “… đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong mỹ tục…; (e) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội”... Những ai, những tài khoản nào đăng tải một trong những thông tin trên là “tội phạm mạng”.

Nhằm ngăn chặn sự lợi dụng tính phổ quát của QCN can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, Hội nghị Nhân quyền thế giới năm 1993 ở Viên (Áo) đã thống nhất quan điểm QCN như sau: QCN vừa có tính phổ biến (phổ quát) hoặc còn gọi là tính toàn cầu, đồng thời, QCN vừa có tính đặc thù, tức là những đặc trưng do truyền thống lịch sử, phong tục tập quán và văn hóa ở các khu vực hoặc ở mỗi quốc gia quy định.

Ngày nay, các thế lực thù địch và tay sai đang tích cực thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" nhằm chuyển hóa xã hội hiện hữu sang con đường tư bản chủ nghĩa. Họ tuyên truyền rằng QCN là quyền không có bất cứ hạn chế nào; mọi hành vi chống chế độ một cách “ôn hòa”, “bất bạo động” là hợp pháp; cơ quan chức năng trấn áp tội phạm là “vi phạm QCN”…

Như thông tin đại chúng đã đưa, các cơ quan chức năng ở các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh… đã truy tố, xét xử một số người tham gia biểu tình gây rối trật tự công cộng ngày 10-6-2018. Khi đối diện với pháp luật và các cơ quan chức năng… họ đều khai chỉ làm theo, nghe theo lời kêu gọi biểu tình phản đối dự án Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng… của một số kẻ khác mà quên rằng: Tất cả các quyền đều đi kèm với nghĩa vụ, trước hết là nghĩa vụ tôn trọng pháp luật.

Việc TAND TP Hồ Chí Minh vừa đưa ra xét xử Will Nguyễn (20-7-2018) là một bằng chứng thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam về QCN. Còn nhớ trước phiên tòa, trên Internet, mạng xã hội đã có nhiều thông tin dự báo về mức án dành cho Will Nguyễn, có kẻ nói: “Hà Nội phải trả tự do không có điều kiện cho Will Nguyễn (vì Hoa Kỳ đang gây sức ép)”; có người cho rằng mức án tối thiểu của Will Nguyễn nằm trong khung hình phạt từ 2- 7 năm tù… Nhưng rút cuộc, tòa đã tuyên phạt Will Nguyễn trục xuất (có hiệu lực ngay khi tòa tuyên án).

Như vậy là tất cả những dự đoán đều sai, Will Nguyễn không được “trả tự do vô điều kiện”, hoặc bị tù “từ 2 đến 7 năm” mà đã nhận được một bản án thấp nhất trong khung hình phạt về hành vi gây rối trật tự công cộng. Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ ngày nay đã có những thay đổi lớn. Hai nhà nước đã trở thành đối tác toàn diện trên cơ sở nguyên tắc hai bên tôn trọng thể chế, pháp luật của nhau. Bởi vậy có thể nói, bản án dành cho Will Nguyễn không chịu bất cứ một sức ép nào. Đồng thời bản án đã thể hiện rõ quan điểm QCN và tinh thần nhân đạo, khoan dung của Nhà nước Việt Nam. Cũng phải nói thêm, Will Nguyễn được nhận bản án đó còn vì trước tòa, Will Nguyễn đã thừa nhận tội lỗi của mình và còn bày tỏ vẫn muốn được trở về Việt Nam, đóng góp sức lực cho việc xây dựng đất nước.

TS. Cao Đức Thái (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...