Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 33 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chính trị
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Sáp nhập thôn, tổ dân phố: Làm theo lộ trình, bảo đảm đồng thuận

Cập nhật: 17:34 ngày 11/08/2018
(BGĐT) - Thực hiện kế hoạch số 47-KH/TU ngày 30-5-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời điểm này, toàn tỉnh đang khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch sáp nhập các thôn, tổ dân phố quy mô nhỏ. Đây là giải pháp nhằm tinh gọn bộ máy ở  cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động.
{keywords}

Thôn Lộc Ninh, xã Ngọc Châu (Tân Yên) thuộc diện sáp nhập.

Rốt ráo thực hiện

Thông tư 09/2017 ngày 2-12-2017 của Bộ Nội vụ quy định, điều kiện thành lập thôn phải có từ 400 hộ gia đình, tổ dân phố có từ 500 hộ trở lên; các thôn ở miền núi có từ 300 hộ gia đình. 

Theo đó, chỉ có 25% trong tổng số gần 2,5 nghìn thôn, tổ dân phố toàn tỉnh đáp ứng tiêu chí. Đặc biệt, có tới 544 thôn quy mô rất nhỏ (dưới 100 hộ). Các huyện, TP đang rốt ráo rà soát, xây dựng phương án để báo cáo Sở Nội vụ trước ngày 15-8.

Thực tế, từ năm 2015, tỉnh đã thực hiện sáp nhập thôn ở một số địa phương. Sau sắp xếp, bộ máy đã bớt cồng kềnh, giảm phần nào gánh nặng ngân sách. Kinh nghiệm ở những nơi làm tốt là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu địa phương và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trước khi thực hiện đã tuyên truyền nêu rõ chủ trương của Đảng để nhân dân đồng thuận. Các bước tiến hành thận trọng, dân chủ, công khai, đúng quy định.

Huyện Tân Yên có 86 thôn dưới 100 hộ dân. Năm 2017, huyện đã thực hiện thành công ghép 4 thôn nhỏ thành 2 thôn ở xã Việt Ngọc. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, đến nay, Phòng Nội vụ đã tham mưu với UBND huyện xây dựng kế hoạch. Ông Nguyễn Văn Tuyện, Trưởng Phòng Nội vụ huyện cho biết: “Chúng tôi hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát lập danh sách các thôn có chung lịch sử hình thành, công trình phúc lợi, vị trí địa lý, đường giao thông thuận lợi để đăng ký với UBND tỉnh tổ chức sáp nhập”.

Đợt này TP Bắc Giang đang tập trung rà soát. Thông qua các cuộc họp, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP, các xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để cán bộ, đảng viên, nhân dân nắm rõ chủ trương, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện khi triển khai. Mới đây, phường Ngô Quyền đăng ký sáp nhập 8 tổ dân phố thành 4, lộ trình thực hiện xong trước năm 2019.

Những bất cập cần sớm khắc phục

Thực tế, từ năm 2015, tỉnh đã thực hiện sáp nhập thôn ở một số địa phương. Sau sắp xếp, bộ máy ở cơ sở đã bớt cồng kềnh, giảm phần nào gánh nặng ngân sách. Kinh nghiệm ở những nơi làm tốt là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu địa phương, đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Một trong những điều kiện để sáp nhập thôn, tổ dân phố thành công phải có sự đồng thuận của nhân dân. Theo lãnh đạo cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương thì đây là tiêu chí khó thực hiện. 

Nhìn lại câu chuyện ghép 7 thôn thành ba thôn bất thành ở xã Ngọc Châu (Tân Yên) năm 2017, ông Dương Minh Cường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã và bà Nguyễn Thị Hải, Bí thư Chi bộ thôn Lộc Ninh cùng cho hay, Đảng ủy, UBND xã, chi bộ rất nhiều lần tuyên truyền, vận động song bà con không đồng tình vì họ quan niệm “nhà nhỏ, ít người dễ bảo nhau”, nếu sáp nhập với thôn mới việc lấy tên gọi, sử dụng công trình phúc lợi hay mức huy động đóng góp khác trong nhân dân khó thống nhất.

Tương tự, ở huyện miền núi Lục Ngạn, một số xã địa hình chia cắt, dân cư sống rải rác; phong tục tập quán có nhiều nét khác biệt. Ví như tại xã Tân Lập, thôn Tân Thịnh chủ yếu là người Kinh sinh sống còn thôn Hòa Ngoài lại là bà con dân tộc Cao Lan. Dù cả hai thôn ít dân, vị trí gần nhau nhưng phong tục, văn hóa khác nhau nên khó sáp nhập. Hay như phương án nhập thôn Lòng Hồ với thôn Khuôn Dẽo ở xã Thanh Hải cũng không khả thi bởi một trong hai thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, nếu gộp lại sau này phát sinh nhiều vướng mắc phức tạp trong thực thi chế độ chính sách.

Ở nhiều địa phương khác, các thôn, tổ dân phố đã hình thành nhiều năm, hầu hết đều có nhà văn hóa, có hương ước, quy ước riêng. Có ý kiến cho rằng sau sắp xếp công trình nhà văn hóa xây dựng từ trước không đáp ứng được quy mô dân số mới, nếu bỏ không sẽ lãng phí nguồn lực đầu tư.

Hướng tới mục tiêu chung

Sắp xếp lại thôn, tổ dân phố ở Bắc Giang là thực hiện theo chủ trương chung của cả nước nhằm tinh gọn bộ máy, thuận lợi trong huy động nguồn lực từ nhân dân. Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần lắng nghe ý kiến của người dân để rà soát, xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng trước khi tiến hành, bảo đảm hiệu quả hoạt động. 

Ông Nông Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Tân Hoa (Lục Ngạn) kiến nghị UBND tỉnh, cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể việc thay đổi hồ sơ, thông tin cá nhân liên quan đến các giấy tờ như: Chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Đối với việc khi sáp nhập sẽ có nhiều thôn, xóm, tổ dân phố có từ 2 đến 3 nhà văn hóa, các xã, phường, thị trấn cần có phương án sinh hoạt theo cụm, khu dân cư để vừa khắc phục tình trạng thiếu chỗ ngồi, vừa không gây lãng phí. Ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ đầu tư cải tạo, xây mới các nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng phục vụ các hoạt động chung của thôn, tổ dân phố. Trước chủ trương trên, nhiều cán bộ ở cơ sở đề xuất tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ đội ngũ cán bộ nghỉ sau sáp nhập.

Nghị quyết số 04/2018/NQ - HĐND tỉnh ngày 11-7-2018 mới quy định rõ từ ngày 1-1-2019 ở các thôn, tổ dân phố bố trí không quá ba người hoạt động không chuyên trách, giảm nhiều so với hiện nay. Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó trưởng Phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên (Sở Nội vụ), quá trình sáp nhập, các địa phương chú ý lồng ghép khi sắp xếp bố trí cán bộ cho phù hợp với quy định, tránh việc làm đi làm lại nhiều lần. 

Thời gian tới, ngay sau khi các địa phương báo cáo danh sách các thôn, tổ dân phố dự kiến sáp nhập, Sở Nội vụ sẽ tổng hợp, tham mưu với UBND tỉnh xây dựng Đề án, trình HĐND tỉnh phê duyệt cuối năm 2018.


Mai Toan - Hoài Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...