Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 29 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chủ tịch UBND tỉnh nguyễn Văn Linh: Bắc Giang sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư phát triển du lịch

Cập nhật: 13:31 ngày 09/10/2018
(BGĐT) - Ngày 10-10-2018, lần đầu tiên UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch. Báo Bắc Giang phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh nhân sự kiện này. 

Được biết tham dự sự kiện sẽ có đông đảo đại diện các cơ quan quản lý, nhà đầu tư, chuyên gia về du lịch. Xin đồng chí cho biết khái quát tiềm năng du lịch của tỉnh và ý nghĩa của hội nghị?

Bắc Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Về vị trí địa lý, tỉnh nằm ở khu vực chuyển tiếp từ vùng trung du và miền núi phía Bắc đến đồng bằng sông Hồng, thuộc vùng thủ đô Hà Nội và nằm trên hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, sát cạnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với dân số đông và là nơi tập trung tiềm lực khoa học kỹ thuật, đầu mối kinh tế đối ngoại, giao lưu kinh tế, khoa học, công nghệ, thu hút đầu tư của cả nước.

{keywords}

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh.

Cảnh quan thiên nhiên của Bắc Giang tươi đẹp, tiêu biểu như: Khu danh thắng Tây Yên Tử với rừng nguyên sinh Khe Rỗ, suối Nước Vàng, Đồng Bài, Đồng Rì, Khe Đin, Đá Ngang. Nằm ở độ cao gần 1 nghìn mét so với mặt nước biển, cao nguyên Đồng Cao khí hậu quanh năm mát mẻ, có bãi đá cổ độc đáo, hang Vua trong lòng núi, cảnh quan nguyên sơ. Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ với hơn 1 nghìn ha đất rừng và thảm thực vật phong phú, những dòng thác quanh năm tung bọt trắng xóa, các di tích gắn với truyền thuyết công chúa Quế Mỵ Nương thời Hùng Vương. 

Hồ Khuôn Thần với diện tích mặt nước 145 ha, bao quanh là hơn 800 ha rừng. Hồ Cấm Sơn rộng 2,6 nghìn ha, gồm nhiều đảo, bao quanh bởi các ngọn núi cao, rừng phòng hộ, cảnh quan sơn thủy hữu tình, không gian yên bình, hoang sơ. Dãy núi Nham Biền 99 ngọn nhấp nhô gắn với truyền thuyết “đất Phượng Hoàng bay”. Các hồ Suối Nứa, Khe Chão, thác Ba Tia, thác Ngà, đập Đá Ong, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam... đều là những thắng cảnh đẹp, có thể khai thác phát triển các loại hình du lịch.

Bên cạnh đó, với điều kiện khí hậu đặc trưng của vùng trung du và địa hình đồi, núi thấp kết hợp sông, suối rất thuận lợi cho việc thu hút phát triển các loại hình dịch vụ thể thao, giải trí và nghỉ dưỡng; cùng với các vùng cây ăn quả tập trung, các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có thương hiệu cũng là một trong những lợi thế để tỉnh thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

{keywords}

Tỉnh Bắc Giang cam kết tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, không chỉ giai đoạn đầu của dự án mà tỉnh sẽ đồng hành cùng nhà đầu tư, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai và hoạt động tại Bắc Giang”.


Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh

Hệ thống đình, chùa phong phú và đa dạng với hơn 2,2 nghìn di tích lịch sử, văn hóa trải khắp toàn tỉnh, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 101 di tích cấp quốc gia và 583 di tích cấp tỉnh; có Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm với 3.050 bản đã được UNESCO vinh danh là Di sản Tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; mộc bản chùa Bổ Đà được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Trong hệ thống di tích nhiều và đa dạng, phong phú như vậy thì có rất nhiều di tích có thể trở thành trung tâm của những điểm du lịch nổi tiếng, thu hút du khách nếu được đầu tư khai thác như: Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm; di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà; di tích quốc gia đặc biệt Những điểm khởi nghĩa Yên Thế gắn với tên tuổi người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám; di tích đình, chùa xã Tiên Lục (Lạng Giang) gắn với cây Dã Hương ngàn năm tuổi đã được vua Lê Cảnh Hưng phong cho là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại Vương”; di tích chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang); di tích Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (Tân Yên).

{keywords}

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh dự lễ đúc chuông đồng chùa Hạ và chùa Thượng (Tây Yên Tử), tháng 1-2018.

Bên cạnh đó, Bắc Giang còn được biết đến với các di sản văn hóa phi vật thể như dân ca Quan họ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ca Trù đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và rất nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Dân số Bắc Giang có gần 1,7 triệu người, trong đó 63% ở độ tuổi lao động, 21 dân tộc anh em cùng sinh sống đan xen nên nền văn hóa đa dạng, phong phú.

Hệ thống giao thông tương đối thuận lợi. Đường bộ gồm cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, quốc lộ 31, quốc lộ 37, quốc lộ 279 cùng mạng lưới đường tỉnh kết hợp giao thông nông thôn đã và đang được đầu tư đồng bộ. Các tuyến đường sắt: Hà Nội - Đồng Đăng, Kép - Hạ Long; 3 con sông lớn trên địa bàn là sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam bảo đảm kết nối thuận lợi với cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cảng nội địa Gia Lâm, cảng nước sâu Cái Lân, cảng Hải Phòng, các cửa khẩu quốc tế trên biên giới Lạng Sơn và các tỉnh trong khu vực.

Thực hiện các nghị quyết của T.Ư và Nghị quyết số 44-NQ/TU ngày 30-3-2016 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Bắc Giang về phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 - 2020; UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch năm 2018. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư du lịch của tỉnh; nhằm thu hút đầu tư, mở rộng quan hệ hợp tác giữa tỉnh Bắc Giang với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, góp phần phát triển KT- XH, phát triển du lịch của địa phương.

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết số 44-NQ/TU ngày 30-3-2016 của BTV Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020, xin đồng chí đánh giá một số kết quả nổi bật trong thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết đã xác định?

Để đạt được các mục tiêu, hơn hai năm qua, tỉnh ta đã nỗ lực xóa vùng “trắng” về du lịch của tỉnh trên bản đồ du lịch quốc gia và đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Thứ nhất, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp về vai trò của phát triển du lịch đã được nâng lên rõ rệt; từ tỉnh đến các ngành, các huyện, TP đều xây dựng các nghị quyết, kế hoạch, chỉ thị… rất rõ ràng, cụ thể, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ đúng với chủ trương và sát với thực tế để phát triển du lịch.

{keywords}

Khách du lịch chiêm ngưỡng bức tường đất rêu phong cổ kính bên lối vào chùa Bổ Đà

(Việt Yên).

Thứ hai, xác định rõ được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để tập trung xây dựng ba sản phẩm du lịch chủ yếu là: Văn hóa - tâm linh; lịch sử - văn hóa; sinh thái - nghỉ dưỡng. Vì vậy, tỉnh đã chỉ đạo tập trung công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. 

Trong gần ba năm qua đã có hai di tích được công nhận di tích quốc gia đặc biệt (chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng, chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên); một số lễ hội lớn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội Thổ Hà, Lễ hội chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên; Lễ hội Yên Thế, huyện Yên Thế; Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng; Lễ hội Đình Vồng, huyện Tân Yên; Lễ hội Y Sơn, huyện Hiệp Hòa; Lễ hội Suối Mỡ, huyện Lục Nam); đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận 3 bảo vật quốc gia (Hương án đá chùa Khám Lạng, huyện Lục Nam; Bia đá thời Mạc tại Núi Cốc, xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang; Mộc bản chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên), đây là cơ sở để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh cũng bố trí từ nguồn ngân sách và vận động xã hội hóa hàng trăm tỷ đồng để tu bổ, nâng cấp các di tích.

Thứ ba, với bề dày lịch sử, văn hóa, chùa Vĩnh Nghiêm, con đường Hoằng dương phật pháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông; thời gian qua tỉnh Bắc Giang đã cho nghiên cứu, khảo cổ học và tập trung khôi phục lại hệ thống di tích nhà Trần gắn với Thiền phái Trúc Lâm ở phía Tây dãy núi Yên Tử. 

Trong đó tập trung xây dựng Khu du lịch văn hóa tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử; đầu Xuân 2018, UBND huyện Sơn Động đã tổ chức khai hội Xuân Tây Yên Tử lần đầu tiên, thu hút hàng chục vạn du khách đến tham quan chiêm bái; đến nay các hạng mục công trình cơ bản đã hoàn thiện và sẽ đưa vào khai thác cuối năm nay. Cùng với đó, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng (Yên Dũng) được khánh thành giai đoạn 1 vào tháng 8 vừa qua cũng là một điểm thu hút đông du khách.

Thứ tư, hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch được đầu tư, nâng cấp; trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông kết nối với các khu, điểm du lịch, như đường tỉnh 293 đi chùa Vĩnh Nghiêm - Suối Mỡ - Tây Yên Tử; đường tỉnh 289 đi chùa Am Vãi - đền Bắc Lệ; đường vào chùa Bổ Đà; đường vành đai IV và một số tuyến đường quan trọng khác. Đồng thời đã mở mới tuyến xe buýt TP Bắc Giang - Tây Yên Tử theo đường tỉnh 293, các tuyến xe buýt từ trung tâm huyện đến các khu, điểm du lịch.

Một số dự án mới được hoàn thành, đưa vào hoạt động, khai thác như: Khu di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang, khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử (giai đoạn 1), Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, huyện Tân Yên, sân golf Yên Dũng, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng (giai đoạn 1). Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng, số nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn tăng cao, hiện có 360 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 4.700 buồng nghỉ (2 khách sạn 4 sao: Mường Thanh và Ravatel, 8 khách sạn 2 sao, 13 khách 1 sao), tăng 44 cơ sở so với trước khi có Nghị quyết số 44-NQ/TU ngày 30-3-2016 của BTV Tỉnh ủy.

Thứ năm, trong mấy năm trở lại đây, Bắc Giang đã bắt đầu xây dựng được hình ảnh, khai thác được tiềm năng phát triển du lịch, lượng du khách đến Bắc Giang ngày một tăng. Năm 2018 ước đạt 1,5 triệu lượt du khách, tăng gần gấp ba lần năm 2016.

Xin đồng chí cho biết những định hướng và giải pháp đột phá từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo nhằm thu hút đầu tư phát triển du lịch của tỉnh?

Để đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư phát triển du lịch, tỉnh Bắc Giang sẽ thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tập trung cải cách hành chính; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; nghiên cứu quy hoạch định hướng và xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, tiếp cận đất đai, đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở nhất là giao thông, điện, nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào Bắc Giang.

Thứ hai, thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng phục dựng các di tích, hình thành các chuỗi sản phẩm du lịch, đồng thời đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, nhất là các di tích được xếp hạng, các di sản văn hoá được nhà nước và quốc tế công nhận. Quan tâm công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, cảnh quan.

{keywords}

Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam).

Thứ ba, đẩy mạnh quảng bá, liên kết du lịch, liên kết vùng, xây dựng tour tuyến du lịch, triển khai các giải pháp thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Bắc Giang, phấn đấu tăng lượt khách du lịch 25-30%/năm, tăng số ngày lưu trú và mức chi tiêu của du khách.

Thứ tư, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch và du khách.

Đồng chí có thể cho bạn đọc Báo Bắc Giang biết những dự án lớn nào về đầu tư phát triển du lịch được chấp thuận triển khai tại tỉnh Bắc Giang từ nay đến năm 2020?

Hiện tại có rất nhiều nhà đầu tư đang tìm hiểu, khảo sát để tìm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ tại Bắc Giang, từ nay đến năm 2020 chắc chắn còn nhiều, nhưng trước mắt có một số doanh nghiệp sẽ được tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ tại hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch, đó là:

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC với ba dự án liên quan đến du lịch có tổng vốn đầu tư 500 triệu USD: Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí Khuôn Thần - Bắc Giang; dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí hồ Hố Cao - Bắc Giang; dự án Tổ hợp Thương mại dịch vụ và nhà ở cao cấp - Bắc Giang.

Công ty cổ phần Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương đầu tư hai dự án với tổng vốn đầu tư 499 triệu USD, gồm: Dự án Khu đô thị sinh thái kết hợp với công viên tại khu đô thị phía Nam TP Bắc Giang và Dự án Tòa nhà chung cư hỗn hợp - Apec Aqua Park tại lô OCT5 và OCT8, đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bắc Giang.

Công ty cổ phần TUTA đầu tư Dự án Khu đô thị hỗn hợp, giải trí cao cấp thuộc khu đô thị phía Nam, TP Bắc Giang, có tổng vốn đầu tư 130 triệu USD.

Công ty cổ phần Đầu tư Golf Trường An đầu tư Dự án sân golf Việt Yên tại xã Hương Mai và xã Trung Sơn, huyện Việt Yên, có tổng vốn đầu tư 52 triệu USD.

Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Trường An đầu tư Dự án sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang tại xã Chu Điện, xã Khám Lạng và xã Yên Sơn, huyện Lục Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư 51 triệu USD.

Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Green Hill đầu tư Dự án Khu đô thị sinh thái Nham Biền tại thị trấn Neo, huyện Yên Dũng, có tổng vốn đầu tư 29 triệu USD.

Công ty cổ phần Kiến trúc đô thị Nam Thăng Long đầu tư Dự án Khu du lịch văn hóa làng cổ Bắc Bộ tại xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, có tổng vốn đầu tư 23 triệu USD.

Công ty cổ phần Xây dựng và dịch vụ thương mại Tuấn Quỳnh đầu tư Dự án Khu sinh thái Khe Hang Dầu, xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, tổng vốn đầu tư 22 triệu USD.

Công ty cổ phần Thương mại Tuấn Mai đầu tư Dự án Xây dựng Khách sạn cao cấp và kinh doanh thương mại tổng hợp TP Bắc Giang có tổng vốn đầu tư 20 triệu USD...

Vậy, thông điệp tỉnh Bắc Giang muốn gửi đến các nhà đầu tư qua hội nghị này là gì, thưa đồng chí?

Trước hết tỉnh Bắc Giang trân trọng cảm ơn các nhà đầu tư đã quan tâm, chọn Bắc Giang để đầu tư. Tỉnh Bắc Giang cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, không chỉ giai đoạn đầu của dự án mà tỉnh sẽ đồng hành cùng nhà đầu tư, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai và hoạt động tại Bắc Giang.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Ông Dương Minh Bình, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư Vấn, Dịch vụ và Phát triển Du lịch CBT: 

Du lịch cộng đồng cần mang bản sắc địa phương

{keywords}

Dưới con mắt của những đơn vị lữ hành, huyện Sơn Động, Yên Thế của tỉnh Bắc Giang có tiềm năng lớn cần được khai thác. Tôi nghĩ, để phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống thì phải đem lại cái lợi về kinh tế cho người dân trước. Muốn vậy, người dân cần bảo đảm nơi lưu trú được vệ sinh sạch sẽ, mang bản sắc của chính dân tộc họ. Từ đó "hữu xạ tự nhiên hương" thu hút khách du lịch nhiều hơn. Một số tỉnh, TP đầu tư "homestay" mô típ giống nhau mà không mang màu sắc riêng của người dân sống ở đó nên khó giữ chân khách du lịch. "Homestay" bước đầu là sinh kế phụ, giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập đi đôi với bảo vệ văn hóa, môi trường. Chính người dân cần hiểu họ phải là chủ đầu tư, quản lý và phát huy hiệu quả, bảo đảm quy chuẩn chung về lưu trú, dịch vụ. Nhà nước chỉ hỗ trợ chứ không bao cấp; tư vấn đồng hành từ khâu khảo sát, xây dựng sản phẩm, tiếp thị, quảng bá.

Ông Trương Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng: 

4 nhóm giải pháp thúc đẩy du lịch

{keywords}

Huyện Yên Dũng xây dựng ba loại hình du lịch chủ yếu đó là: Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - tâm linh và du lịch thể thao - giải trí. UBND huyện sẽ thực hiện 4 nhóm giải pháp trọng tâm như: Quảng bá, xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương; tăng cường thu hút đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo một số khu, điểm du lịch quan trọng; phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch.

Theo đó, UBND huyện tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai các dự án du lịch tâm linh trên dãy núi Nham Biền; hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng mở rộng, tu bổ, tôn tạo đền Thanh Nhàn, xã Nham Sơn; phối hợp với nhà đầu tư khởi công Khu du lịch tâm linh - sinh thái khe Hang Dầu, xã Nham Sơn; khu đô thị du lịch sinh thái Nham Biền - thị trấn Neo, các tổ hợp khách sạn kết hợp nhà hàng ăn uống đạt tiêu chuẩn.

Ông Trần Văn Dĩnh, Chủ tịch Tập đoàn Trường An (Hà Nội):

Tuân thủ quy định, bảo vệ cảnh quan môi trường

{keywords}

Hiện Tập đoàn Trường An đang triển khai dự án xây dựng Sân Golf 36 lỗ tại xã Hương Mai và Trung Sơn (Việt Yên) với tổng kinh phí đầu tư hơn 1,2 nghìn tỷ đồng. Dự án bảo đảm đáp ứng các điều kiện sau: Phù hợp với quy hoạch xây dựng - đô thị trên địa bàn và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh. Không lấy đất trồng lúa, đất di tích tôn giáo, đất dân cư, làng xóm lâu đời để làm sân golf. Khai thác tối ưu về kiến trúc - cảnh quan, địa hình tự nhiên của khu vực, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật.

Dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 và đưa sân golf vào hoạt động khoảng tháng 10-2019. Xác định sân golf là dự án thể thao cao cấp, luôn giữ màu xanh, tận dụng địa hình tự nhiên làm đường golf phù hợp, đơn vị sẽ cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm tiêu chí xây dựng cân bằng sinh thái, tạo điểm nhấn về cảnh quan.


Kim Hiếu - Tuyết Mai (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...