Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 33 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chính trị
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Biểu hiện "lười học lý luận chính trị, nghị quyết" và cách khắc phục

Cập nhật: 16:30 ngày 23/11/2018
(BGĐT) - Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) đã nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cụ thể, T.Ư đã chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Trong đó, T.Ư đã chỉ rõ, một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên đó là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Biểu hiện suy thoái này nguy hiểm không kém các quan điểm phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch. Bởi nhận thức sai lệch có thể hiểu sai, dẫn tới xa rời lý tưởng, đi ngược hoặc đi chệch con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ lựa chọn. Nguyên nhân trước hết là do bản thân cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện. Ngoài ra, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giảng dạy học tập nghị quyết chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả. Nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới, chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức về tình trạng suy thoái, về những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và những hậu quả gây ra.

{keywords}

Bằng việc tổ chức Hội nghị trực tuyến đến cấp xã, tỉnh Bắc Giang được đánh giá là một trong những đơn vị có nhiều đổi mới trong học tập , quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng. Ảnh: Hội nghị trực tuyến quán triệt Nghị quyết T.Ư 7 (khóa XII) tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Quốc Trường.

Nhận thức được tầm quan trọng của lý luận chính trị, từ khi ra đời đến nay, Đảng ta đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đảng ta đã ban hành văn bản quy định về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng, quy định về xác định trình độ lý luận chính trị và nhiều văn bản khác nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Hội đồng Lý luận T.Ư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; các học viện, nhà trường; hệ thống trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện… luôn có những đổi mới về nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị luôn được đổi mới, cập nhật phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Để khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên có “nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”, cần thực hiện tốt một số giải pháp. Trước hết, thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp và cán bộ, đảng viên về học tập lý luận chính trị, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Cấp ủy các cấp cần thực hiện nghiêm quy định, chế độ học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghiên cứu lý luận chính trị gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên. Phát huy tính tích cực, chủ động của mỗi cán bộ, đảng viên trong tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận chính trị. Về vấn đề này, ngày 14-8-2018, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu khai mạc lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng khóa XII, đã nhắc nhở cán bộ, đảng viên: "Có rất nhiều cái phải học và cũng có rất nhiều cách để học. Học ở trường, ở lớp; học trong cuộc sống, học trong công tác; học ở trong nước, ở ngoài nước; học thầy, học bạn; học lẫn nhau; tự nghiên cứu, tự học... Nếu không học thì sẽ lạc hậu, mà lạc hậu sẽ dẫn đến thoái bộ. Bởi vì, thực tiễn luôn vận động; lý luận không ngừng phát triển; đời người là hữu hạn, sự hiểu biết là không cùng!".

Tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng, lấy kết quả học tập chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm thước đo phẩm chất, năng lực, phân loại cán bộ, đảng viên. Đối với các địa phương, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; học tập chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cần gắn với khảo sát nhu cầu, vị trí công việc; tích cực khuyến khích và sử dụng cơ chế gắn đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị với thực hiện các nội dung về quản lý cán bộ, đảng viên.

Đại tá, PGS. TS Nguyễn Văn Sáu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...