Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 29 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngô Gia Tự-nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam

Cập nhật: 10:36 ngày 03/12/2018
(BGĐT) - Sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học, đồng chí Ngô Gia Tự sớm giác ngộ cách mạng. Với nhãn quan chính trị nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, đồng chí đã đề xuất chủ trương, khởi xướng phong trào “vô sản hóa”, đặt tiền đề cho sự ra đời của các tổ chức cộng sản ở Việt Nam.

Đồng chí Ngô Gia Tự sinh ngày 3-12-1908 tại làng Tam Sơn, phủ Từ Sơn, nay là thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) trong gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học. Năm 14 tuổi, đồng chí đỗ vào trường Bưởi - Hà Nội. Tại đây, được đọc báo “Người cùng khổ”, tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc, đồng chí sớm tham gia phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh. 

{keywords}

Quang cảnh Hội thảo khoa học “Đồng chí Ngô Gia Tự - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức ngày 30-11-2018 tại Hà Nội.

Đầu năm 1926, đồng chí bị đuổi học vì tham gia phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp thả Phan Bội Châu và để tang Phan Chu Trinh. Cuối năm đó, Ngô Gia Tự gia nhập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, năm sau được cử dự lớp huấn luyện ở Quảng Châu (Trung Quốc) do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp phụ trách, giảng dạy, sau đó trở về xây dựng phong trào ở Bắc Ninh- Bắc Giang. Khi tỉnh bộ Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc Ninh thành lập, đồng chí là ủy viên tỉnh bộ rồi Bí thư tỉnh bộ Bắc Ninh- Bắc Giang. Tháng 9-1928, đồng chí được bầu làm Ủy viên Kỳ bộ Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc Kỳ.

Tại Hội nghị Kỳ bộ Bắc Kỳ, hai đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh đã nêu vấn đề tăng cường thâm nhập quần chúng công nông, được hội nghị quyết định thành chủ trương “Vô sản hóa”, góp phần đưa phong trào công nhân từ đấu tranh tự phát lên tự giác, từ giác ngộ dân tộc lên giác ngộ giai cấp. Những năm 1928 - 1929, làn sóng đấu tranh có tổ chức của công nhân và phong trào của các tầng lớp nhân dân diễn ra mạnh mẽ, Chủ nghĩa Mác-Lênin đã thật sự thâm nhập vào phong trào công nhân. 

Thực tiễn cách mạng dân tộc, dân chủ cuộn dâng đó đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của một chính đảng của giai cấp công nhân. Tháng 3-1929, tại số nhà 5D phố Hàm Long (Hà Nội), Ngô Gia Tự và các đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Trịnh Đình Cửu... họp hội nghị tuyên bố thành lập Chi bộ Cộng sản (CS) đầu tiên ở Việt Nam.

Tại Đại hội I của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, đoàn đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ (gồm Ngô Gia Tự, Trần Văn Cung, Dương Hạc Đính, Nguyễn Tuân) phân tích điều kiện chủ quan, khách quan đòi hỏi phải có một chính đảng của giai cấp công nhân. Do Lâm Đức Thụ- một phần tử cơ hội, cực hữu nhân danh chủ tịch đại hội quyết định “Không được bàn về tổ chức CS ở đây. Nếu bàn bạc về vấn đề này thì đi nơi khác”, đồng chí Ngô Gia Tự và đoàn đại biểu Bắc Kỳ tuyên bố thoát ly Đại hội.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự, mỗi chúng ta nhớ mãi tấm gương cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, kiên trung. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử cách mạng Việt Nam ghi nhận ông là một trong những người đi đầu trong cuộc vận động thành lập Đảng.

Kiên quyết thực hiện chủ trương thành lập Đảng, ngày 17-6-1929, tại số nhà 312 Khâm Thiên (Hà Nội), đồng chí Ngô Gia Tự và một số đại biểu tiên tiến trong tổ chức thanh niên ở Bắc Kỳ đã họp, quyết định thành lập Đông Dương CS Đảng, thông qua những văn kiện quan trọng có tính chất nền tảng như: Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ, bầu Ban Chấp hành T.Ư lâm thời. 

Đồng chí Ngô Gia Tự và đồng chí Tư Chính (Bàng Thống) được cử vào Nam Kỳ xây dựng cơ sở Đảng. Tháng 12-1929, Sài Gòn đã có chi bộ Đảng ở Nhà máy Ba Son, chi bộ học sinh, chi bộ đồn điền cao su Phú Riềng, chi bộ xã Vĩnh Kim (Mỹ Tho), chi bộ hãng rượu Bình Tây…

Sau khi Đông Dương CS Đảng thành lập ở Trung Kỳ, bộ phận đảng viên tiên tiến Đảng Tân Việt thành lập Đông Dương CS Liên đoàn (9 -1929). Tháng 10-1929 Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Nam Kỳ họp đại hội tuyên bố giải tán Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và thành lập An Nam CS Đảng. Cả ba tổ chức nói trên đều tự nhận là CS chân chính song không tránh khỏi việc chia rẽ, tranh giành ảnh hưởng với nhau.

Nhận thấy tình hình trong nước và căn cứ tài liệu của Quốc tế CS gửi ngày 27-10-1929, Lãnh tụ Nguyễn ái Quốc với tư cách là phái viên Quốc tế CS đã về Trung Quốc tháng 11-1929 bàn việc hợp nhất các tổ chức CS ở Việt Nam. Đại biểu của Đông Dương CS Liên đoàn không kịp tham dự. Đoàn đại biểu Đông Dương CS Đảng, An Nam CS Đảng và nhóm đại biểu hải ngoại đã thống nhất hợp nhất ba đảng thành một lấy tên là Đảng CS Việt Nam.

{keywords}

Sinh viên Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang tự hào được học tập dưới mái trường mang tên nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng

Sau hội nghị thành lập Đảng, ngày 24-2-1930, đồng chí Ngô Gia Tự được Hội nghị thống nhất các tổ chức CS ở Nam Kỳ bầu làm Bí thư chấp ủy lâm thời Đảng bộ Đảng CS Việt Nam (Bí thư xứ ủy Nam Kỳ). Trong giai đoạn đầu thành lập Đảng, lúc phong trào cách mạng đang rất cần sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Bí thư xứ ủy thì tối 31-5-1930, đồng chí Ngô Gia Tự bị địch bắt. 

Biết đồng chí là cán bộ cao cấp của Đảng, kẻ địch hết dụ dỗ, mua chuộc lại dùng cực hình tra tấn nhưng chúng đã chịu thất bại trước ý chí sắt đá, kiên trung của ông. Qua ba năm giam giữ, bốn lần xét xử, thực dân Pháp đã khép Ngô Gia Tự một án tử hình, ba án chung thân. Ngày 2-5-1933, thực dân Pháp đầy Ngô Gia Tự cùng nhiều chiến sĩ cách mạng khác ra Côn Đảo.

Ở Côn Đảo, ông và các chiến sĩ cách mạng kiên cường đấu tranh, thực hiện “biến nhà tù thành trường học cách mạng”. Tấm gương đấu tranh của Ngô Gia Tự và các chiến sĩ CS đã cảm hóa nhiều tù nhân thuộc các đảng phái khác nhận ra lý tưởng CS, tự nguyện gia nhập và chiến đấu dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng CS Việt Nam.

Cuối năm 1934, chi bộ nhà tù Côn Đảo quyết định cử Ngô Gia Tự cùng 7 chiến sĩ, trong đó có Nguyễn Hới, Lê Quang Sung, Nguyễn Văn Hanh, Tô Chấn… trở về đất liền xây dựng và lãnh đạo phong trào cách mạng. Cuộc vượt ngục không thành công. Ngô Gia Tự và các đồng chí đó mãi mãi không trở về.

Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự: Hội thi “Nữ sinh tài năng, duyên dáng”
(BGĐT) - Ngày 6-1, Đoàn Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự (Bắc Giang) tổ chức Hội thi “Nữ sinh tài năng, duyên dáng”. 
 
Ngày hội hiến máu Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự
(BGĐT) - Ngày 8-12, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh phối hợp với Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự (Bắc Giang) tổ chức Ngày hội hiến máu nhân đạo. 
 
Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang: Chỉ tuyển những ngành thiếu giáo viên
(BGĐT) - Là trường duy nhất trên địa bàn tỉnh đào tạo ngành sư phạm, năm nay, Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang chỉ tuyển ở các ngành mà tỉnh đang thiếu giáo viên. Đơn vị cũng chủ động thay đổi phương pháp đào tạo nhằm nâng chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
 

Nguyễn Hồng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...