Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngày ấy trên đất bạn

Cập nhật: 09:27 ngày 04/01/2019
(BGĐT) - Năm 1975, tập đoàn Pôn Pốt thi hành chính sách diệt chủng đối với Campuchia, phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, hơn 4.000 người con Bắc Giang trong đội hình quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã sang giúp nước bạn lật đổ chế độ diệt chủng,  bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng cuộc sống mới. 

Hằng năm cứ đến dịp này, Đại tá Nguyễn Đức Thích (SN 1952), nguyên Trưởng Ban cán bộ Sư đoàn 309 thuộc Mặt trận 479 hoạt động trên chiến trường Tây Bắc nước bạn Campuchia lại bồi hồi nhớ về những ngày làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. 

Tại đất nước chịu quá nhiều đau thương này, ông Thích đã tham gia hoạt động suốt 10 năm, hơn cả thời gian 6 năm ông cầm súng chống Mỹ ở chiến trường miền Nam Việt Nam. Trong ngôi nhà nhỏ ở ngõ 18, đường Cao Kỳ Vân, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang), ông kể giọng run run về những ngày chiến đấu khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất tự hào.

{keywords}

Trưa 7-1-1979, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh. Ảnh: TTXVN

Khi tập đoàn Pôn Pốt phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam, chúng ta tổ chức phòng ngự và cố đàm phán tìm giải pháp hòa bình, nhưng chúng bác bỏ, buộc quân đội Việt Nam phải nổ súng để bảo vệ chủ quyền biên giới. Đơn vị ông lúc này được lệnh hành quân từ tỉnh Quảng Nam vào tỉnh Đắc Lắc. Đi đến đâu đều xây dựng căn cứ ở đó bằng cách dựng lán trại, hiệp đồng đánh đẩy địch, không để chiến tranh vào đất mình.

Tháng 3-1979, Sư đoàn hành quân sang tỉnh Bát-đom-boong cách biên giới Việt Nam khoảng 800km. “Đây là tỉnh nông nghiệp trù phú, vựa thóc của Campuchia, ruộng đồng phì nhiêu, cá tôm rất nhiều nhưng được quán triệt quy định 9 điều không được làm nên quân tình nguyện không dám đụng đến tài sản của bà con dù chỉ là củ hành, mớ rau hay con gà, con cá”- ông Thích nhớ lại.

Chiến trường Campuchia quả là ác liệt, địch đánh du kích, cài mìn nhan nhản khắp nơi. “Người đi sau bước lên dấu chân an toàn của người đi trước, nếu chệch là mìn nổ tung”. 

{keywords}

Đại tá Nguyễn Đức Thích xem lại cuốn sách lịch sử Sư đoàn 309 - đơn vị tham gia giúp Campuchia đánh Pôn Pốt.

Trong đơn vị của ông, đại đa số bộ đội đều đã kinh qua cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam nên tinh thần chiến đấu vô cùng cao cả, giúp bạn như giúp mình. Không thạo tiếng và văn hóa Campuchia, người dân bị bắt bớ, dọa nạt, giết hại nhiều nên họ rất lo sợ, cảnh giác, vì vậy quân tình nguyện Việt Nam gặp nhiều khó khăn. 

Ngoài lo chiến đấu, đối phó với Pôn Pốt, sự ác liệt của bom mìn, bộ đội Việt Nam còn lo chống chọi với thời tiết. Mùa mưa nước ngập thắt lưng, bộ đội phải tìm chỗ cao hơn một chút để mắc võng, kê chân tranh thủ chợp mắt. Anh em bị sốt rét ác tính, chết nhiều. Bản thân ông Thích cũng 2 lần suýt chết vì sốt rét. Mùa khô cũng khổ không kém vì thiếu nước. 

Trên đường hành quân, ngoài quân tư trang, súng ống trên vai còn phải địu thêm bình tông 5 lít nước. Khát cháy cổ, nhiều anh em bốc cả bùn non vào miệng để giải cơn khát. Vì vậy, được sống sót lành lặn trở về quê hương đối với ông đó là niềm hạnh phúc lớn nhất.

Với thắng lợi vĩ đại ngày 7-1-1979, các lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia được sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam đã đánh đổ bộ máy thống trị của tập đoàn Pôn Pôt - IêngXary. Sau khi đánh đổ, theo đề nghị của Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia, Đảng, Nhà nước Việt Nam quyết định để một bộ phận Quân tình nguyện ở lại, đồng thời cử chuyên gia dân sự giúp cách mạng và nhân dân nước bạn xây dựng lại đất nước. 

{keywords}

Ông Lê Trạch Huyến kể về những năm tháng tham gia đoàn chuyên gia dân sự Việt Nam giúp Campuchia xây dựng hệ thống ngân hàng.

Ông Lê Trạch Huyến (SN 1934), nay nghỉ hưu ở số nhà 52, đường Huyền Quang, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) là một trong số những chuyên gia dân sự đó. Tháng 6-1980, khi đang làm Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Bắc, ông nhận nhiệm vụ sang Campuchia, giúp tỉnh Bát-đom-boong xây dựng ngân hàng. 

Trước đó, bộ máy cán bộ ngân hàng ở tỉnh này bị bọn Pôn Pốt chia rẽ, đánh đuổi rồi tàn sát, các gia đình sơ tán, loạn lạc khắp nơi. Để thực hiện nhiệm vụ, ông Huyến cùng một số cán bộ của Ngân hàng Trung ương Campuchia đi tìm lại những người còn sống sót sau nạn diệt chủng, sau đó đưa họ về Thủ đô Phnom Penh để bồi dưỡng, đào tạo lại. 

Khó khăn nhất là không biết tiếng Campuchia, vốn có 3 năm được học tiếng Pháp nên ông Huyến đã mua cuốn từ điển Pháp- Campuchia để nghiên cứu học dần, kết hợp với ra hiệu bằng tay, mắt, miệng, biểu cảm, vẽ bằng hình thù, ký hiệu. Sau 3 tháng, ông nghe được tàm tạm tiếng Campuchia, từ đó việc đào tạo, bồi dưỡng dần dễ dàng hơn. 

Ngoài hướng dẫn nghiệp vụ ngân hàng, các chuyên gia Việt Nam còn phải lo dựng vợ, gả chồng cho họ. Sợ Pôn Pốt trà trộn vào đội ngũ, những người như ông Huyến phải tìm hiểu, điều tra rất kỹ về lai lịch của từng người mà họ định lấy làm chồng, làm vợ. Bù lại, họ coi ông như cha, chú, việc gì cũng xin ý kiến, đi đâu cũng bảo vệ đến nơi đến chốn. 

4 năm làm nhiệm vụ quốc tế cao cả tại Campuchia, năm 2016, khi đã ở tuổi 82, ông Huyến mới có dịp trở lại tỉnh Bát-đom-boong, thăm Ngân hàng Nhà nước tỉnh này, gặp lại những cán bộ một thời ông giúp đỡ, vẫn là cách xưng hô “Bố - con” “Chú - cháu” như thuở nào khiến ông vô cùng xúc động.

Bảo vệ biên giới Tây Nam: Mốc son trong quan hệ Việt Nam – Campuchia
Việt Nam và Campuchia luôn đoàn kết bên nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi chống kẻ thù chung, giành độc lập, tự do cho mỗi nước.
 
Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân, dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng
Năm 1978, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng và thiêng liêng của mình để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Đồng thời, đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, của nhân dân Campuchia, Việt Nam đã cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng.
 
Trưng bày sách chuyên đề "Chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam"
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam, Thư viện Quân đội đã tổ chức khai mạc trưng bày sách chuyên đề “Chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam”.
 
Hội thảo đầu tiên về chiến tranh biên giới Tây Nam dưới góc độ Sử học
Ngày 5-4, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cùng Hội Khoa học Lịch sử TP  Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam" với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong cả nước. 
 

Tuấn Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...