Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội

Cập nhật: 15:35 ngày 16/05/2017
(BGĐT) - Ngày 16-5, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Ban Dân vận T.Ư tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. 

{keywords}

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang.

Các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư đồng chủ trì. Tại điểm cầu Bắc Giang có đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện, TP, Ban Dân vận, một số hội, đoàn thể.

Sau 3 năm triển khai, quy chế, quy định về giám sát, phản biện đã được cấp uỷ, chính quyền địa phương trong cả nước thực hiện nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của từng nơi. Các nội dung được lựa chọn thực hiện đều có trọng tâm, trọng điểm, hướng về cơ sở như: Công tác quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh học sinh trong trường học công lập; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới; tổng rà soát chính sách người có công với cách mạng; thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội; xác định sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ hành chính công... 

Kết quả, 3 năm qua MTTQ các cấp đã tổ chức gần 60 nghìn cuộc giám sát. Qua đó đã phát hiện kịp thời những sai sót, yếu kém, sửa đổi những quy định không phù hợp. 

Ở Bắc Giang, 3 năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tích cực phối hợp với các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trực tiếp tham gia giám sát ở nhiều lĩnh vực và được đông đảo nhân dân, cấp ủy, chính quyền ghi nhận.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra một số hạn chế trong quá trình thực hiện và đề xuất nhiều ý kiến, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thời gian tới. Các ý kiến đề nghị làm rõ chế tài trong thực hiện phối hợp giữa các ngành, đoàn thể; việc ban hành thông tư liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và MTTQ Việt Nam...

Phát biểu tại hội nghị, các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Trương Thị Mai nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt là vị trí của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Dân vận các cấp trong thực hiện nhiệm vụ này. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin, vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết nhất trí thông qua Dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Đây là văn bản pháp luật, có giá trị pháp lý quan trọng, góp phần cụ thể về cơ chế đối với hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam. 

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị MTTQ, Ban Dân vận các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội sớm hoàn thiện ''Sổ tay hướng dẫn công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam" để có tài liệu cơ bản, toàn diện tập huấn cán bộ mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức Đảng thực hiện tốt công tác giám sát phản biện xã hội. MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thành viên xây dựng chương trình phối hợp, cùng nhân dân tham gia đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền; hướng dẫn MTTQ các cấp, các tổ chức, dưới sự hướng dẫn của cấp ủy đảng thực hiện giám sát trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức cơ sở đảng. Hằng năm, MTTQ và Ban Dân vận T.Ư tổ chức sơ kết công tác phối hợp trong thực hiện các Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị để cuối năm 2018 tổ chức tổng kết 5 năm triển khai, báo cáo với Ban Bí thư và phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX tổ chức vào năm 2019.

Hoài Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...