Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chính trị
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội

Cập nhật: 13:30 ngày 22/02/2019
(BGĐT) - Ngày 22-2, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Ban Dân vận T.Ư tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. 

Các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư đồng chủ trì. Tại điểm cầu Bắc Giang có các đồng chí: Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện, TP, Ban Dân vận, một số hội, đoàn thể.

{keywords}

Quang cảnh hội nghị.

Sau 5 năm triển khai, quy chế, quy định về giám sát, phản biện và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện theo Quyết định số 217, Quyết định số 218 của Bộ Chính trị bảo đảm chất lượng, phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của từng nơi. Các nội dung được lựa chọn thực hiện đều có trọng tâm, trọng điểm, liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. 

Trong đó tập trung vào việc  thực hiện chế độ, chính sách bồi thường đất đai, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất; bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi; thực hiện quy hoạch, dự án còn để kéo dài nhiều năm; về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hiện các quy định pháp luật về cơ sở y tế tư nhân; phối hợp thực hiện và giám sát tổng rà soát chính sách ưu đãi đối người có công với cách mạng; thực hiện đưa người cai nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định trên địa bàn vào cơ sở xã hội; công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp; cung cấp nước sạch nông thôn...
Kết quả, 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức gần 500 nghìn cuộc giám sát, hơn 80 nghìn cuộc phản biện xã hội. Qua đó đã phát hiện kịp thời những sai sót, yếu kém, sửa đổi những quy định không phù hợp. Từ năm 2014 đến năm 2018, tổng số cuộc giám sát do Ban Thanh tra nhân dân thực hiện là 189.461 cuộc, giá trị tiền thu hồi đạt 6,1 tỷ đồng; tổng số cuộc giám sát do Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện là 173.929 cuộc; giá trị tiền thu hồi đạt gần 12 tỷ đồng.
Tuy nhiên qua hoạt động kiểm tra, khảo sát của Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam thấy, nhận thức về công tác phản biện xã hội của MTTQ các cấp, nhất là cấp huyện và xã chưa đầy đủ, còn sự nhầm lẫn giữa hoạt động góp ý văn bản với hoạt động phản biện xã hội dẫn đến số liệu tổng hợp về hoạt động phản biện xã hội chưa thực chất, khách quan.
Ở Bắc Giang, 5 năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tích cực phối hợp với các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trực tiếp tham gia giám sát 1.196 cuộc tại 3.192 cơ quan, đơn vị, tổ chức; phản biện 742 dự thảo văn bản với 1.557 ý kiến phản biện ở nhiều lĩnh vực và được đông đảo nhân dân, cấp ủy, chính quyền ghi nhận.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra một số hạn chế trong quá trình thực hiện và đề xuất nhiều ý kiến, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thời gian tới. Các ý kiến đề nghị tăng cường kiểm tra thực hiện những ý kiến sau giám sát, phản biện đến khi có kết quả cuối cùng; tổ chức hội nghị đối thoại những vấn đề khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới để kịp thời đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân… 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt là vị trí của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Dân vận các cấp trong thực hiện nhiệm vụ này. Đồng chí ghi nhận các nỗ lực của các cơ quan nhà nước trong hoạt động giám sát, phản biện; hiện nay đối tượng, phạm vi giám sát rộng vì vậy công tác tổ chức hoạt động giám sát, phản biện cần cụ thể để có bước phát triển tốt hơn. Hoạt động phản biện cần nỗ lực hơn tạo sự đồng thuận trong đời sống xã hội; phát huy dân chủ, tạo động lực để người dân tham gia xây dựng phát triển đất nước; phải bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; bảo đảm để nhân nhân tham gia vào tất cả các khâu quá trình đưa ra quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của mình từ việc nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, đánh giá sát quá trình thực hiện và phát huy dân chủ phải đi đôi với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân...

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị MTTQ, Ban Dân vận các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thành viên xây dựng chương trình phối hợp, cùng nhân dân tham gia đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền; đẩy mạnh giám sát cải cách thể chế; cải cách hành chính; môi trường đầu tư kinh doanh; vai trò chủ trì giám sát phòng chống tham nhũng; giám sát cá nhân cán bộ đảng viên trách nhiệm nêu gương người đứng đầu. MTTQ và các tổ chức thành viên tiếp tục đổi mới, chủ động thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị. Đồng chí Trần Thanh Mẫn mong muốn các ngành, các cấp, các địa phương hỗ trợ cho Ủy ban MTTQ các cấp tổ chức Đại hội thành công. 

Nhân dịp này, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen cho 56 tập thể, 12 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị.  

Hữu Trình


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...