Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giai điệu non sông bất hủ

Cập nhật: 07:00 ngày 01/09/2019
(BGĐT) - Mùa hè năm nay, tôi mang về từ Trường Sa và nhà giàn DK1 những âm hưởng tự hào, sâu lắng nhưng cũng rất gần gũi của bài ca yêu nước. Giữa biển trời lồng lộng, tôi bồi hồi xúc động ngắm nhìn cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới ở các hòn đảo tiền tiêu, trên nhà giàn và những con tàu đánh cá của ngư dân ta. Cảm nhận về Tổ quốc thân yêu có lẽ chưa bao giờ cụ thể và thiêng liêng như thế. 

Nói chính xác hơn thì Quốc kỳ luôn luôn tươi thắm giữa trái tim người dân Việt Nam. Cũng như bài “Tiến quân ca” không bao giờ tắt trong lòng chiến sĩ, đồng bào ta. Quốc kỳ, Quốc ca gắn liền với sự kiện lịch sử vô cùng trọng đại của đất nước: Cách mạng Tháng Tám và Ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (Cộng hoà XHCN Việt Nam hiện nay), mồng 2 tháng 9 năm 1945. Ngày lịch sử ghi dấu bước ngoặt vĩ đại của dân tộc ta "rũ bùn đứng dậy sáng loà".

{keywords}

Hát Quốc ca thể hiện niềm tự hào, lòng yêu Tổ quốc. (Nguồn: Internet)

Sẽ âm vang mãi giai điệu non sông, "Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước. Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca…". Đã bao lần, trong những phút giây trang nghiêm, trước cờ đỏ sao vàng, chúng ta đã cất lên lời hát ấy. 

Mỗi lần hát là mỗi lần trái tim chúng ta rung lên cùng non sông đất nước, cùng những tháng năm bi tráng chưa đi qua, đã đi qua thấm đẫm mồ hôi và máu của dân tộc. "Tiến quân ca" - đấy là bài hát mang giai điệu tự hào nhất, thiêng liêng nhất của Tổ quốc này.

Đoàn quân Việt Nam đi... Chặng đường đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược bắt đầu từ phong trào Cần Vương và được tiếp nối bằng nhiều cuộc khởi nghĩa do các sĩ phu phong kiến yêu nước lãnh đạo nhưng đã bị thất bại. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo kéo dài ba mươi năm gian khổ là dấu chấm hết của giai đoạn lịch sử bi tráng này. 

Lịch sử chống thực dân Pháp xâm lược mở trang mới khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930) và mười lăm năm sau những người dân lầm than bị áp bức bóc lột thậm tệ đã được giác ngộ đứng dậy, làm nên cuộc bão táp Cách mạng Tháng Tám năm Ất Dậu của thế kỷ trước. Đấy là cuộc Cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Lòng yêu nước truyền thống nồng nàn đã được ánh sáng thời đại soi sáng, tạo thành năng lượng mới cho dân tộc lập nên những chiến công kỳ tích vĩ đại.

Cách mạng Tháng Tám mang trong nó sức truyền cảm và khả năng kết nối toàn dân. Bài "Tiến quân ca" cũng là một minh chứng về cơ duyên rất đẹp giữa cách mạng và nghệ sĩ. Chính xác hơn là dân tộc và cách mạng đã chọn một Văn Cao tài hoa để viết nên bài ca thiêng liêng nhất cho Tổ quốc. 

Nếu như mùa đông năm 1944, không có các cuộc gặp gỡ, trò chuyện giữa Văn Cao và Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh, ở ga Hàng Cỏ chắc "Tiến quân ca" không ra đời. Chuyện kể rằng, chính trong những lần gặp này, Vũ Quý đã động viên Văn Cao sáng tác các ca khúc cổ vũ lòng yêu nước của quần chúng… Đồng chí Vũ Quý muốn Văn Cao thoát ly hoạt động Cách mạng và sáng tác một bài hát cho Việt Minh. Mong muốn của Cách mạng trùng khớp với tâm nguyện, tình cảm của Văn Cao; đó là sự đồng thuận tuyệt đẹp cho ca khúc bất hủ khai sinh.

{keywords}

Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác bài “Tiến quân ca” vào mùa đông năm 1944. (Nguồn: Internet)

Bài "Tiến quân ca" được Văn Cao viết nhiều ngày trong mùa đông giá rét năm 1944 tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội. Nhân dân Việt Nam đang sống trong những ngày cùng cực, đói khổ nhất. Sau đó vài tháng, nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945 đã xảy ra. 

Trong bài thơ “Đói! Đói!” Tố Hữu đã miêu tả: "Lúa mùa mất sạch mọi nơi/ Giặc còn vơ vét hết nồi đến thăng!/ Đói xo khắp xóm khắp làng/ Rau dưa chết giá, ngô lang xạc xờ/ Buồn trông đồng trắng bãi khô/ Lúa chiêm thôi hết ước mơ đầy nồi!/ Một quan gạo sáu lon thôi/ Không tiền mua cám mà nuôi mẹ già/ Cháu thơ đói lả ôm bà/ Con đeo chân bố khóc la đêm ngày"… 

Lòng căm thù giặc ngút cao, điều ấy lý giải một phần vì sao trong bài hát "Tiến quân ca" khi mới viết ra có những ca từ bừng bừng sát khí như "Thề phanh thây uống máu quân thù"… Tuy nhiên, sau đó câu này đã được sửa lại thành "Đường vinh quang xây xác quân thù" như chúng ta đang hát. Bản đầu tiên câu kết của "Tiến quân ca" Văn Cao viết "Núi sông Việt Nam ta vững bền" nhưng sau đó được sửa lại thành "Nước non Việt Nam ta vững bền".

Bài "Tiến quân ca" được in báo Độc Lập vào tháng 11 -1944. Ngày 17-8-1945, lần đầu tiên "Tiến quân ca" được hát trước quần chúng trong một cuộc mít tinh của công chức Hà Nội. Ngày 19 -8 -1945, ca khúc này vang lên tại Quảng trường Nhà hát Lớn, Hà Nội hòa cùng khí thế sục sôi của "Cách mạng Bắc-Trung-Nam khắp ba miền/ Đứng lên khởi nghĩa chính quyền về tay" như Tố Hữu đã viết.

Ngày 2 - 9 - 1945, tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, bài "Tiến quân ca" được cử hành hùng tráng. Năm 1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khóa I quyết định chọn "Tiến quân ca" của Văn Cao làm Quốc ca. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đất nước hòa bình, Tổ quốc thống nhất, từ năm 1976, Quốc ca nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trở thành Quốc ca nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Có lẽ, cũng nên nhắc lại điều này, năm 1981, Việt Nam tổ chức cuộc thi sáng tác Quốc ca mới có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng tham gia như Hồ Bắc, Trọng Bằng, Lưu Cầu, Huy Du, Chu Minh, Đỗ Nhuận, Nguyễn Nhung, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Vân… nhưng không thành công. “Tiến quân ca” của Văn Cao được viết ra từ mùa đông năm 1944, đi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta vẫn là Quốc ca nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Trong thế kỷ XX, Cách mạng Việt Nam sản sinh ra dòng âm nhạc kháng chiến với nhiều ca khúc đi cùng năm tháng nổi tiếng, trong đó có "Tiến quân ca" của Văn Cao. Bài hát đã trở thành Quốc ca, trở thành hồn thiêng sông núi, là giai điệu tự hào thiêng liêng nhất của dân tộc. 

Quốc ca nằm trong trái tim mỗi công dân đất Việt, giai điệu thiêng liêng ấy còn được lưu giữ trong tâm hồn những người con ở xa Tổ quốc. Tiến quân ca - Quốc ca vang lên trên mọi nẻo đường Tổ quốc, từ mùa thu Cách mạng 1945, qua "Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng" đến “Hai mươi năm đất nước không đêm nào ngủ được” để có ngày 30 - 4 - 1975 lịch sử thành phố tên Người rực rỡ cờ hoa…

Đoàn quân Việt Nam đi... Quốc ca vang lên ấy là hồn nước vang lên, trầm hùng, tha thiết, tự hào khôn xiết. Âm hưởng ấy không hề đổi thay, hao khuyết dù là chiến tranh hay thời bình. Bài hát ngân rung trên những chặng đường đánh giặc, sau từng trận đánh khốc liệt, trong mỗi chiến thắng vang dội và trên mỗi đau thương mất mát to lớn mà dân tộc này phải chịu đựng, gánh gồng. Người chiến sĩ hát khi tuyên thệ trước Quốc kỳ. Có thương binh đã hát trên giường bệnh, hát trong ca mổ không có thuốc gây mê.

Bài hát cất cao trong mỗi công trình mới, âm điệu tự hào thiêng liêng tỏa lan trong mỗi xóm mạc phố phường, từ núi cao trập trùng đến biển rộng bao la. Lòng ta rưng rưng khi thấy lá cờ đỏ sao vàng được trang trọng kéo lên cùng với Quốc ca Việt Nam được cử hành trên các sân đấu thể thao quốc tế. Quốc ca được cất lên bằng lời và cả bằng tay như các em học sinh khiếm thính ở Trường THCS Xã Đàn, Hà Nội. Quốc ca được hát bằng trái tim nhiệt huyết của sáu mươi sinh viên Trường Đại học FPT trên đỉnh Phanxipăng cao ngút, vời vợi.

Năm 2014, khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan HD 981 vào vùng biển nước ta, ca sĩ Minh Quân và Ngọc Anh đã thực hiện dự án âm nhạc MV Quốc ca với sự tham gia của 1.300 thành viên gồm nhiều lứa tuổi, thành phần...

Mùa thu năm 2019, khi Trung Quốc đưa tàu thăm dò và nhiều tàu hải giám xâm phạm trái phép bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa của Việt Nam thì giai điệu non sông bất hủ ấy càng vang lên hùng hồn giữa trái tim chiến sĩ, đồng bào ta. 

Nhân danh chính nghĩa, nhân danh đạo lý, nhân danh hoà bình, những chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân ta đã ngoan cường, kiên nhẫn, bình tĩnh ứng xử khôn khéo. Trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau, "dĩ bất biến ứng vạn biến" vẫn là bài học quý báu của chúng ta.

Đất nước thêm một mùa thu mới. Ngày nắng đẹp xen lẫn với ngày bão tố. Những mảng sáng tối, hay dở vẫn đan xen nhau trong cuộc sống thường ngày. Tự hào, phấn khởi với những thành tựu mà đất nước đạt được bao nhiêu ta càng xót xa, lo lắng trước những tiêu cực, yếu kém còn không ít trong xã hội bấy nhiêu. 

Nhưng không ai có thể phủ nhận được những chuyển động tích cực của xã hội ta trong công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta không thể không hy vọng vào tương lai sáng đẹp của đất nước. Chưa bao giờ giai điệu non sông lại tràn ngập yêu dấu và hy vọng như thế. Tiến lên! Cùng tiến lên! Nước non Việt Nam ta vững bền.

Treo cờ và hát Quốc ca
(BGĐT) - Hôm qua 27-8, trên chuyến bay chở cổ động viên Việt Nam đến Indonesia cổ vũ trận tứ kết giữa Olympic Việt Nam và Syria đã có một nghi thức đặc biệt, chưa từng có, đó là hát Quốc ca trước giờ máy bay cất cánh. 
Phát động cuộc thi sáng tác video clip hát Quốc ca
Ngày 5-12, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức giới thiệu và phát động cuộc thi sáng tác video clip hát Quốc ca trong sinh viên với chủ đề “Tự hào Tổ quốc Việt Nam” lần thứ I.
Cách mạng Tháng Tám 1945: Mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước
Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước nồng nàn và ý chí quật cường của toàn thể nhân dân.
Cách mạng Tháng Tám: Cuộc cách mạng của lòng dân
Những ngày mùa Thu tháng Tám của 73 năm về trước, từ Khu Giải phóng Tân Trào, lệnh Tổng Khởi nghĩa đã được truyền đi khắp cả nước. Hơn 20 triệu người dân Việt Nam đã đứng lên khởi nghĩa, làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân. 

Nguyễn Hữu Quý



Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...