Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh 6 bài học rút ra từ vụ án AVG

Cập nhật: 20:25 ngày 27/12/2019
Theo ông Trần Quốc Vượng, hình hài của "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất" được xác định từ cán bộ cấp thấp đến cấp cao.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2020 của ngành Kiểm sát nhân dân tổ chức tại Hà Nội sáng 27-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng biểu dương, đánh giá cao những kết quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân (KSND).

{keywords}

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị. 

Nhắc đến vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của ngành Kiểm sát, Thường trực Ban Bí thư cho biết, năm 2019, Viện đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là việc áp dụng các biện pháp tố tụng làm rõ hành vi phạm tội; chú trọng áp dụng nhiều biện pháp bảo đảm thu hồi tài sản và đã yêu cầu thu hồi hơn 35.000 tỷ đồng cho Nhà nước (tăng 12,8%); đã xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và ngành Kiểm sát.

Theo ông Trần Quốc Vượng, các vụ án kinh tế, tham nhũng trong vài năm gần đây, nhất là năm 2019, đã được tiến hành điều tra, truy tố, xét xử một cách khoa học, bài bản, chắc chắn, thực hiện đúng quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua đây, nhiều kinh nghiệm tốt, cách làm hay được rút ra để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.

Nói đến vụ án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, ông Trần Quốc Vượng cho biết, có 6 điều rút ra từ vụ án này. Cụ thể, lần đầu tiên làm rõ đây là vụ án tham nhũng và tham nhũng với quy mô lớn; đối tượng phạm tội là cán bộ cấp cao, 2 bị cáo nguyên là 2 Ủy viên Trung ương, đều ở vai trò lớn, ở mức án đề nghị phải nói là cao nhất.

Điều thứ 3 được rút ra đây là vụ án điển hình về khắc phục hậu quả, từ giai đoạn thanh tra, kiểm tra đã thu hồi hơn 8.000 tỷ đồng, số tiền đưa hối lộ và hối lộ đã được thu hồi. Thứ tư, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử đạt chất lượng cao.

"Có thể nói là một vụ án điển hình về điều tra, thu thập chứng cứ, kết luận điều tra; xét xử công minh, dân chủ, khách quan; đối đáp giữa luật sư, Viện Kiểm sát rất rõ ràng. Điều tra, xét xử một vụ tham nhũng, đưa hối lộ không dễ, vì toàn là chứng cứ gián tiếp. Nên đây là cố gắng rất lớn của đơn vị điều tra, kiểm sát viên. Bây giờ, các bị cáo đứng trước tòa đều công nhận, cảm ơn cơ quan điều tra, tòa án, xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân,... " - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Điều thứ 5 rút ra từ vụ AVG, theo Thường trực Ban Bí thư đó là vụ án đã thực hiện tố tụng bảo đảm yêu cầu cải cách tư pháp, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, có phân hóa đối tượng,... Điều thứ 6 đó là: việc xử lý thể hiện quyết tâm cao của Đảng trong phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm và làm triệt để.

"Mấy năm vừa qua, điều chúng ta thành công cả về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, qua đó đã khẳng định với nhân dân một điều: chúng ta chưa làm hết, nhưng đã thấy rõ được "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất". Trước đây đặt câu hỏi "một bộ phận không nhỏ" là ai, nhưng giờ đã xác định được hình hài của nó, từ cán bộ cấp thấp cho đến cấp cao, không phải hỏi việc này ở đâu để khởi tố" - ông Trần Quốc Vượng nói.

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2020, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị ngành KSND cần phát huy kết quả đã đạt được; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa, tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đã đặt ra. Trong đó tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa, nâng cao trách nhiệm, bản lĩnh của ngành Kiểm sát vào sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Về thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, đây chính là thực hiện sự ủy quyền của Quốc hội về giám sát quyền lực Nhà nước trong hoạt động tư pháp.

"Quyền lực trong hoạt động tư pháp rất lớn, tác động trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân, đến số phận của con người, một nội dung rất quan trọng đã được Hiến pháp bảo vệ. Do vậy, điều này cần phải được thực thi trong khuôn khổ pháp luật, thắm đượm tinh thần nhân văn cao cả của người cộng sản" - ông Trần Quốc Vượng nói và đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động kiểm sát tư pháp, nhất là của Cơ quan điều tra, bảo đảm cơ quan này thực sự là thiết chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp, vừa răn đe, vừa cảnh báo, phòng ngừa, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ tư pháp.

"Công việc của chúng ta phải hàng ngày, hàng giờ đối mặt, đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực trong xã hội, thậm chí là cả người thân của mình; phải đấu tranh với những cám dỗ đời thường. Đó là thách thức không nhỏ. Song, Đảng và nhân dân tin tưởng vào bản lĩnh, ý chí của người cán bộ kiểm sát sẽ vượt qua những thách thức đó, xứng đáng với lời Bác đã dạy "Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục" - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Vụ MobiFone mua AVG: Gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã nộp 21 tỉ đồng khắc phục hậu quả
Chiều 23-12, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), Hội đồng xét xử cho biết, tính đến 16 giờ 30 phút ngày 23-12, gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) đã nộp 21 tỉ đồng để khắc phục hậu quả hành vi “nhận hối lộ” của bị cáo Nguyễn Bắc Son.
Nói lời sau cùng, ông Nguyễn Bắc Son xin lỗi Tổng Bí thư và nhân dân
Sáng 24-12, các bị cáo trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) được nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử (HĐXX) vào nghị án.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son gửi thư động viên gia đình nộp hết số tiền 3 triệu USD trước ngày 26-12-2019
Chiều 21-12, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), Hội đồng xét xử đã công bố thư của bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) gửi cho gia đình, động viên và đề nghị gia đình tiếp tục nộp nốt số tiền nhận hối lộ trước ngày 26-12-2019.

Theo VOV

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...