Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nghĩ từ đỉnh Chiến thắng 30/4

Cập nhật: 14:27 ngày 30/04/2020
(BGĐT) - Hãy khoan nhắc tới dấu mốc lịch sử chói lọi ấy, dẫu ngày tháng năm đó đã khắc sâu trong lòng người yêu nước Việt Nam và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới. 

Còn nữa, kẻ thù xứng đáng của ta trong cuộc chiến kéo dài hai mươi năm ấy cũng buộc phải nhớ tới nó như sự thừa nhận thất bại sau ảo tưởng sẽ nghiền nát đối thủ bằng rất nhiều đô la, rất nhiều vũ khí tối tân, rất nhiều binh sĩ kéo đến từ bên kia Thái Bình Dương, từ một số nước chư hầu của họ được trang bị hiện đại từ đầu tới chân; chưa kể bộ máy ngụy quân của chế độ bán nước. 

Xin được nói tới một cuộc chiến khác, không tiếng súng nhưng cũng cam go, nguy hiểm trong mùa xuân năm 2020. Đấy là cuộc chiến đấu với kẻ thù mang tên Covid - 19 của nhân dân ta bằng tinh thần chống dịch như chống giặc. Hai cuộc chiến, đối thủ hoàn toàn khác biệt nhưng ngẫm kỹ thì tinh thần, quyết tâm và phương thức triển khai có nhiều điểm tương đồng. 

{keywords}

Lễ Thượng cờ thống nhất non sông được tổ chức ở di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Quảng Trị), sáng 30/4/2020.

Đó là tinh thần quyết thắng và thế trận toàn dân dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, mọi tầng lớp nhân dân được huy động, tạo ra sức mạnh dân tộc to lớn để chiến đấu và chiến thắng ngoại xâm cũng như quyết tâm phòng, chống dập dịch Covid - 19 thành công. 

Tôi thực sự rưng rưng khi thấy những thầy thuốc phải gồng mình làm việc xuyên ngày thâu đêm trong bệnh viện; những người lính nhường doanh trại, chăm chút lo từng bữa ăn giấc ngủ cho người cách ly; những chuyến bay tình nguyện vào vùng tâm dịch đầy bất trắc để đưa đồng bào về Tổ quốc, những đồng tiền ủng hộ chống dịch... và bao nhiêu việc làm tốt đẹp khác nữa làm ấm lòng người. Gương mặt đau đáu âu lo của vị Tư lệnh mặt trận chống giặc virus làm thổn thức bao trái tim người dân. 

Trong những ngày bão dịch đó, tôi đã đưa những dòng thơ này lên facebook và nhận được không ít đồng cảm của bạn bè: Ôi, những tháng ngày ta hiểu thêm Tổ quốc / Từ mỗi ánh nhìn, tiếng hát Việt Nam / Và đừng quên mỗi đồng tiền gom góp được/ Cuộc chiến này vẫn thế trận nhân dân... (Lắng lòng lại cùng Tổ quốc yêu dấu).

Vâng, thế trận nhân dân đã làm nên đỉnh chiến thắng 30/4/1975. Vẫn là thế trận nhân dân được sắp xếp bài bản trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Trong những ngày chiến đấu với Covid - 19, Đảng, Nhà nước ta vẫn không quên bài học vì dân, do dân. Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong. Có dân, được dân là có, là được tất cả. 

Bài học ấy được minh chứng rõ ràng qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc, trong đó có giai đoạn chống Mỹ cứu nước với đỉnh cao chiến thắng 30/4/1975. Một chiến thắng xứng đáng được tôn vinh muôn thuở của dân tộc Việt Nam anh hùng. Một sự kiện lịch sử mang tầm vóc nhân loại bởi sự ảnh hưởng to lớn, lâu dài của nó. Chúng ta không vỗ ngực tự khen mình. 

Khi những chiếc xe tăng ám khét mùi thuốc súng và những người lính lấm láp bụi đường tiến về Sài Gòn trong ánh nắng phương Nam chói chang, để đúng thời khắc thiêng liêng nhất của lịch sử; 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập thì những nhà báo chiến trường kỳ cựu nhất của các hãng thông tấn nổi tiếng trên thế giới đã có mặt ở đây để theo dõi và viết bài. 

Còn đây là những ghi nhận và ngợi ca đội quân chiến thắng. Hãng UPI đã viết như thế này vào ngày 30/4/1975: Quân đội phía chiến thắng cưỡi xe tăng vào Dinh Tổng Thống với nét mặt phấn khởi như vào chỗ không người, thậm chí còn xưng hô “đồng chí” với những người đứng hai bên đường cũng như đối với các nhà báo. 

Không phải ngẫu nhiên mà tờ NewYork Times ra ngày 1/5/1975 đã gọi ngày 30/4/1975 là ngày lịch sử của thế giới. Cách đây 45 năm về trước, trong một bài báo ra ngày 1/5, Hãng AFP khẳng định: Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện 30 tháng 4 của Việt Nam, dư chấn rung động địa cầu. 

Khó kể hết những tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật trong và ngoài nước nói tới ngày 30/4/1975. Xin dẫn thêm ý kiến của nhà sử học nước Pháp, Alain Rusco: Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 ở Việt Nam gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù...

Đừng quên, để dựng nên đỉnh Chiến thắng 30/4 có biết bao chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống. Có lẽ, chẳng ở đâu mà hai tiếng hy sinh lại trĩu nặng, xót buốt như ở Việt Nam và chắc cũng chẳng nơi nào hai tiếng ấy cũng nhẹ nhàng, thanh thoát như thế. 

Đọc lại những câu thơ khai sinh từ trong bom đạn, chính xác hơn là cất lên từ máu và nước mắt ta sẽ hiểu điều tôi vừa nói. Tố Hữu viết: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / Mà lòng phơi phới dậy tương lai; Phạm Tiến Duật viết: Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn / Hai đứa ở hai đầu xa thẳm / Đường ra trận mùa này đẹp lắm...; Chính Hữu viết: Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt/ Như những tâm hồn không bao giờ biết tắt...; Nguyễn Đình Thi viết: Em đứng bên đường/ như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường...; Lâm Thị Mỹ Dạ viết: Tên con đường là tên em gửi lại/ Cái chết em xanh khoảng trời con gái/ Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em... Càng bi tráng, càng lạc quan. 

Niềm tin và hy vọng vào ngày mai tốt đẹp là cốt lõi tinh thần tạo nên sức mạnh to lớn của cuộc chiến tranh nhân dân. Giá trị tinh thần hết sức sâu thẳm và bền vững của dân tộc Việt Nam không phải chỉ chúng ta nhìn thấy mà một thi sĩ đến từ nước Mỹ cũng nhận ra. 

{keywords}

Một góc thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.

Nói thêm điều này, ông là cựu chiến binh Mỹ từng đặt gót giày viễn chinh lên mảnh đất Quảng Trị tan hoang trong những năm 1967, 1968. Đấy là giáo sư, nhà thơ nổi tiếng Bruce Weigl; ông nhìn thấy chiều sâu tâm hồn và bản lĩnh dân tộc ta qua hình ảnh người mẹ Việt Nam: Dậy thì khi lúa trổ đòng/ bóng tối hậm hực muốn nhấn chìm vẻ đẹp/ Mẹ vẫn rì rào xanh mướt xanh/ tự do chảy qua những cánh đồng/ rễ bám đất cưu mang đòng nặng hạt/ Khi lúa chín, Mẹ hái gặt điều thiêng liêng nhất/ của đời mình bằng tiếng hát/ bằng yêu thương sâu thẳm trong tim/ bằng nước mắt, tiếng cười ngày làm mẹ... 

Và, thời gian so với cuộc chiến càng lùi xa tôi càng thấm thía hơn giá trị của hòa bình đất nước, của thống nhất non sông từ đỉnh Chiến thắng 30/4. Giá trị lịch sử to lớn ấy vẫn góp phần tạo ra năng lượng to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. 

Và, cùng tôi tin rằng dân tộc ta bằng bản lĩnh, bằng trí tuệ, bằng tâm hồn sẽ còn làm nên những đỉnh Chiến thắng như 30/4 nữa. Kể cả cuộc chiến chống Covid -19 bây giờ, nhất định dân tộc ta sẽ thắng lợi. Lòng dân. Khi nhân dân tin tưởng và đoàn kết thì không có khó khăn nào chúng ta không vượt qua.

Văn hóa không chỉ là dấu vết của quá khứ mà nó còn là nội lực của hiện tại. Đỉnh Chiến thắng 30/4 vừa là lịch sử, vừa là văn hóa, trong đó có cả dân tộc và nhân loại. 

Người chiến thắng nở nụ cười khải hoàn nhưng cũng biết thấm vào tim những mất mát đau thương của dân tộc, từ đó chìa bàn tay nhân ái với kẻ bại trận để cùng nhau đi tiếp trên con đường dựng nước, giữ nước. 

Người chiến thắng biết khép lại quá khứ hướng về tương lai với lựa chọn ứng xử nhân văn Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước. Chúng ta không lấy oán hận để đáp lại oán hận mà lấy nhân nghĩa để hóa giải thù hằn. 

Những gì dân tộc Việt Nam làm sau dấu mốc 30/4/1975 đã minh chứng hùng hồn cho điều đó. Ai muốn lấp liếm, đánh tráo, bôi lem cũng không thể làm được. Đó là sự thật, sự thật không ai chối cãi, phủ nhận nổi. Và đó chính là điều lớn hơn tầm vóc của ngày Chiến thắng 30/4.

Đồng hương
(BGĐT) - Tỉnh lại ở bệnh viện của mặt trận, phải rất lâu Thắng mới nhớ ra được mình đã bị thương tại bến phà dã chiến bên dòng Cam Lộ.
Ký ức tháng Tư
(BGĐT) - Cả đêm hôm trước, ông Chiều - người lính già không ngủ vì thao thức, hồi hộp nghĩ đến cuộc gặp mặt sau hơn 40 năm ngày giải phóng miền Nam của đơn vị mình.
Tháng Tư năm ấy
(BGĐT) - Ngày ấy, tôi chỉ mong đến hai ngày kỷ niệm trong năm 30/4 và 22/12. Bao giờ, nhà trường cũng dành ra một buổi chào cờ để mời những người cựu chiến binh đến kể chuyện. Các thầy cô trầm ngâm, đám học trò há hốc mồm nghe. Còn tôi, tôi thuộc làu từ lâu vì ở trường tôi, bao giờ người khách được mời ấy cũng là ông nội tôi.
Người mẫu đặc biệt
(BGĐT) - Căn nhà đẹp ở khu phố cổ là tư gia của cặp vợ chồng nghệ sĩ nhiếp ảnh. Trên tường giăng đầy ảnh nữ chủ nhân. Khách mới đến sẽ có cảm giác chủ nhân cố tình khoe vợ đẹp.
Nghĩ và cảm từ một áng thơ xưa
(BGĐT) - Trong khi cả nước đang tiến hành cuộc “kháng chiến” toàn dân để cùng thế giới đuổi dịch Covid-19, tôi bỗng nảy sinh những so sánh thú vị về không khí chống dịch những ngày này với hoàn cảnh ra đời của bài thơ Nguyên Tiêu (Rằm Tháng Giêng) của Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác năm Mậu Tý (1948). 

Nguyễn Hữu Quý

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...