Thứ năm, 02/05/2024
Bắc giang 23 °C / 23 - 25 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang quê ta, in dấu chân Người

Cập nhật: 07:00 ngày 16/05/2020
(BGĐT) - Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang vinh dự, tự hào khi 6 lần được đón Bác Hồ về thăm. Giờ đây, nhiều địa điểm lưu dấu chân Người đã trở thành di tích lịch sử, nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ. 

Những ngày tháng Năm lịch sử, tôi về thăm Di tích Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thị trấn Tân An (Yên Dũng). Di tích hình chữ nhật, diện tích gần 1.400m2 nằm trong khuôn viên Trường THPT Yên Dũng số 2. Nhà tưởng niệm có tấm bia khổ lớn khắc lời Bác Hồ căn dặn. Trong kháng chiến và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Tân An là xã điển hình của phong trào xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp của tỉnh, lá cờ đầu toàn miền Bắc với nhiều thành tích nổi bật. 

{keywords}

Di tích Địa điểm Bác Hồ về thăm Tân An (Yên Dũng).

Trong ký ức của những người vinh dự được gặp Bác vẫn vẹn nguyên sự kiện diễn ra ngày 6/4/1961. Tại sân vận động, Bác căn dặn cán bộ, nhân dân xã Tân An, trong đó có đoạn “... Đảng viên và đoàn viên phải gương mẫu làm đầu tàu trong lao động sản xuất và học tập, phải giúp đỡ bà con xã viên cùng tiến bộ, đồng thời phải chú ý củng cố và phát triển chi bộ đảng và chi đoàn thanh niên lao động cho thật tốt, thật mạnh”.

"Trên cơ sở quy hoạch của các địa phương có di tích gắn với sự kiện Bác Hồ về thăm, thời gian tới, Sở phối hợp với chính quyền, các đơn vị liên quan rà soát, có biện pháp tham mưu tu bổ, tôn tạo, nâng cấp xếp hạng các di tích, nhất là việc huy động xã hội hóa."

Ông Nguyễn Sỹ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Năm 1994, Địa điểm lưu niệm Bác Hồ được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Từ năm 2006 đến 2017, di tích được tu bổ, nâng cấp từ nhiều nguồn kinh phí trị giá gần 1 tỷ đồng với nhiều hạng mục. Ông Hà Văn Mạnh, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Tân An cho biết, gần đây nhiều đoàn khách về thăm di tích, nhất là dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác 19/5, Quốc khánh 2/9. Tại đây, tuổi trẻ địa phương thường xuyên tổ chức lễ báo công dâng Bác, tuyên dương đoàn viên thanh niên, học sinh đạt thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực. Được biết, huyện Yên Dũng đã có chủ trương quy hoạch tuyến du lịch Trúc Lâm Phượng Hoàng- địa đạo làng kháng chiến Long Trì - Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Tân An - chùa Vĩnh Nghiêm - Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động).

Tháng 2/1955, đình Cẩm Xuyên (Hiệp Hòa) là nơi làm việc của Ban Cán sự Đoàn ủy Đoàn cải cách. Khi ấy, khu vườn vải xứ Đồng Nương là hội trường của đoàn; hơn 2 nghìn cán bộ cải cách ở trong nhà dân thôn Cẩm Xuyên. Ngày 8/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện tại hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt II. Đây là cột mốc lịch sử, đánh dấu sự chuyển biến lớn lao của cách mạng Việt Nam: Hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, thực hiện người cày có ruộng và những mục tiêu lớn nhất mà cuộc cách mạng đề ra. Năm 2001, di tích lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Năm 2019, huyện Hiệp Hòa đã dành hơn 3 tỷ đồng xây dựng, cải tạo khu di tích, như: Khu tiếp đón, sân, cổng, đường vào, hệ thống đèn chiếu sáng, thoát nước...

Những năm gần đây, các đoàn thể thường xuyên tổ chức lễ phát động, ra quân, các cuộc thi tìm hiểu; hoạt động tình nguyện, tri ân tại đây. Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện biên soạn giáo trình lịch sử địa phương, trong đó có di tích này để đưa vào giảng dạy trong trường học. Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hiệp Hòa cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều di tích lịch sử gắn với thời kỳ tiền khởi nghĩa được xếp hạng quốc gia, đặc biệt là An toàn khu II. Việc xây dựng, cải tạo di tích lịch sử, văn hóa nơi Bác Hồ về thăm tạo điểm nhấn trong hành trình về nguồn, gắn với phát triển du lịch của huyện.

{keywords}

Ngày 6/4/1961, tại khán đài Sân vận động TP Bắc Giang, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ và nhân dân.

Ảnh: Sân vận động TP Bắc Giang.

Tại TP Bắc Giang, lễ đài Sân vận động (hay còn gọi là khán đài B) được công nhận di tích quốc gia năm 1993. Nơi đây, Đảng bộ và nhân dân Bắc Giang vinh dự được hai lần đón Bác Hồ về thăm và nói chuyện. Lần thứ nhất vào ngày 6/4/1961, hơn 3,5 vạn cán bộ, nhân dân vui mừng đón Bác. Lần thứ hai vào ngày 17/10/1963 - năm bản lề của tỉnh với sự sáp nhập hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh thành tỉnh Hà Bắc. Trong bài nói chuyện, Bác căn dặn: “Hà Bắc đã thành một trong những tỉnh to nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đó là một vinh dự cho đồng bào tỉnh ta. Để xứng đáng với vinh dự đó, đồng bào và cán bộ phải ra sức thi đua sửa chữa khuyết điểm và phát huy ưu điểm”. Sau câu nói của Bác, cả sân vận động lại rung lên trước tiếng hô “quyết tâm” của hàng vạn cán bộ, nhân dân. “Mỗi lần đi qua Sân vận động, ngắm nơi Bác đứng nói chuyện, trong lòng tôi trào dâng cảm xúc. Chúng tôi mong muốn chính quyền, ngành chức năng sớm quy hoạch, xây dựng, tôn tạo di tích để nơi đây trở thành điểm tham quan, giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ” - bà Ngô Thị Minh Hải (74 tuổi), nguyên Phó Chủ tịch công đoàn ngành giáo dục tỉnh, nguyên Bí thư Chi bộ Á Lữ, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) - người vinh dự hai lần được gặp Bác tại sân vận động ngày ấy cho biết.

Cũng tại TP Bắc Giang, trước đó vào ngày 24/1/1955 (mùng Một Tết âm lịch), Người về thăm công trường xây dựng cầu Phủ Lạng Thương. Sau này, cây cầu trở thành biểu tượng tinh thần quả cảm chiến đấu của quân và dân Bắc Giang chống lại các cuộc ném bom phá hoại của không quân Mỹ.

Có thể thấy, mỗi di tích đều gắn với những sự kiện lịch sử, câu chuyện; hình ảnh cảm động, sâu sắc; tình cảm thiêng liêng của Bác Hồ đối với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bắc Giang. Việc tôn tạo, phát huy giá trị di tích là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với chính quyền, ngành chức năng các cấp trong việc giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu biết phát huy tốt giá trị, những di tích ấy sẽ trở thành điểm du lịch về nguồn ý nghĩa. Ví như “Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” ở Nhã Nam (Tân Yên) khánh thành năm 2018, ghi dấu sự kiện đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu 12 tiếp nhận lá thư của Bác Hồ. Trong thư, Bác nêu 6 điều về “Tư cách người Công an Cách mệnh” vào đầu năm 1948. Từ khi đi vào hoạt động, khu lưu niệm gắn với chùa Tứ Giáp- di tích lịch sử quốc gia đã tiếp đón hàng vạn lượt khách tham quan, dâng hương, báo công với Bác, nhất là các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ trong ngành công an. Ông Nguyễn Sỹ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trên cơ sở quy hoạch của các địa phương có di tích gắn với sự kiện Bác Hồ về thăm, thời gian tới, Sở phối hợp với chính quyền, các đơn vị liên quan rà soát, có biện pháp tham mưu tu bổ, tôn tạo, nâng cấp xếp hạng các di tích, nhất là việc huy động xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý, khai thác, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích.

Kết nạp đoàn viên tại nơi Bác Hồ về thăm
(BGĐT)- Nhân kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Trường THPT Yên Dũng số 2 vừa phối hợp với Huyện đoàn Yên Dũng (Bắc Giang) tổ chức lễ kết nạp đoàn cho 83 đội viên. Buổi lễ được tổ chức tại nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, nhân dân trong lần về thăm Hợp tác xã Tân An.
 
Đổi thay nơi Bác Hồ về thăm năm xưa
(BGO)- Những ngày tháng Năm lịch sử này, thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hoà) như càng rộn ràng hơn bởi không khí tấp nập chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp sắp tới.
Tết Ất Mùi 60 năm trước Bác Hồ về thăm Bắc Giang
(BGĐT) - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 6 lần về thăm tỉnh Bắc Giang. Trong đó có hai lần Bác thăm vào dịp Tết 60 năm trước. Mùa xuân này, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, lập thành tích kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Người 19-5 (1890-2015).

Công Doanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...