Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 29 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sắc mới trên vùng đất ATK II Hiệp Hòa

Cập nhật: 08:19 ngày 19/08/2020
(BGĐT) - Tiếp nối truyền thống anh hùng, An toàn khu II (ATK II) Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang – nơi diễn ra nhiều hoạt động thời kỳ tiền khởi nghĩa của Trung ương (T.Ư) Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ đang chuyển mình mạnh mẽ. Hạ tầng KT-XH được đầu tư xây dựng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên.

Chung tay dựng xây NTM

Đến xã Hoàng Vân những ngày đầu tháng Tám, chúng tôi cảm nhận rõ sự trù phú của vùng đất này. Đây là một trong 16 xã ATK II từng che chở, nuôi giấu nhiều cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước thời kỳ trước năm 1945. Ông Nguyễn Đức Vinh, Trưởng thôn Lạc Yên 2 kể: “Trước kia, đời sống người dân còn khó khăn, đói nghèo đeo bám từng nhà. Tôi tự hào được chứng kiến sự đổi thay của quê hương. Nhà ở của hộ dân được xây dựng khang trang, đường làng, ngõ xóm đổ bê tông sạch sẽ. Để có ngày hôm nay, bao thế hệ người dân nơi đây một lòng theo Đảng, tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng quê hương”. 

{keywords}

Đường giao thông ở xã Thanh Vân được cứng hóa. Ảnh: PHƯƠNG NHUNG

Từng là "địa chỉ đỏ" của cách mạng, phát huy truyền thống quê hương, người dân Hoàng Vân hôm nay không ngừng vượt khó vươn lên làm giàu, xây dựng nông thôn mới (NTM). Trước đây sản xuất nông nghiệp manh mún, nay xã đã có những cánh đồng mẫu bắt nguồn từ dồn điền đổi thửa, mô hình chăn nuôi công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 38 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 6%. Kinh tế khá, người dân đã đóng góp tiền của, công sức xây dựng gần 15 km đường nông thôn, nhà văn hóa và công trình phúc lợi. 

Tiêu biểu như gia đình các ông: Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Năm ở thôn Lạc Yên 2, ngoài đóng góp theo định mức đã hiến hơn 100 m2 đất thổ cư làm đường liên thôn. 100% đường từ trung tâm xã nối đường huyện được trải nhựa và bê tông hóa. Tháng 5/2019, cùng với nguồn đầu tư từ ngân sách huyện, tài trợ của Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Giang, công trình nhà lớp học 2 tầng, 8 phòng học của Trường THCS Hoàng Vân với tổng đầu tư hơn 4 tỷ đồng đưa vào sử dụng góp phần hoàn thiện cơ sở vật chất cho giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường, giúp xã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Con em Hoàng Vân hôm nay được học tập trong những ngôi trường mới khang trang.

Năm 2018, nhân Kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Nhà bia di tích lịch sử nhà cụ Nguyễn Văn Chế, thôn Vân Xuyên được đầu tư 600 triệu đồng từ nguồn ngân sách và bà con đóng góp đã khánh thành. Đây là một trong 7 di tích lịch sử thuộc ATK II Hiệp Hòa được xếp hạng cấp quốc gia. Ngoài ghi nhận công lao đóng góp của gia đình cụ Nguyễn Văn Chế, công trình còn là địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân.

Cùng với Hoàng Vân, các xã ATK II của huyện Hiệp Hòa cũng có sự đổi thay trong phát triển KT-XH, xây dựng NTM. Điển hình như xã Mai Trung đã dồn điền đổi thửa, xây dựng hai cánh đồng mẫu lớn chuyên canh hai vụ lúa, một vụ rau màu/năm, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm sức lao động và cho hiệu quả cao. 10 năm qua, xã đầu tư xây dựng mới 34 phòng học cả ở cấp mầm non, tiểu học và THCS. Trong phong trào xây dựng NTM, xã vận động nhân dân đồng thuận đóng góp làm 64 km đường giao thông rộng từ 3,5 - 11 m, là xã dẫn đầu huyện trong phong trào này.

Ngày 8/8/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận 16 xã An toàn khu II của T.Ư ở huyện Hiệp Hòa trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, gồm: Mai Đình, Hương Lâm, Hoàng Vân, Hợp Thịnh, Hoàng Lương, Hoàng An, Quang Minh, Mai Trung, Xuân Cẩm, Đại Thành, Hòa Sơn, Hoàng Thanh, Thái Sơn, Đồng Tân, Hùng Sơn và Thanh Vân. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ATK II là nơi T.Ư, Xứ ủy và Ủy ban Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho các tỉnh. Đây cũng là nơi nuôi giấu, bảo vệ an toàn cho cán bộ cấp cao của Đảng.

“Trong nguồn lực xây dựng NTM, xã đã huy động từ nhân dân đóng góp hơn 16,7 tỷ đồng, chiếm gần 38% tổng nguồn vốn thực hiện chương trình. Đặc biệt công trình Trung tâm văn hóa thôn Trung Hòa được xây dựng với kinh phí gần 300 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa”, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Mai Trung phấn khởi thông tin. 

Không chỉ xã Hoàng Vân, Mai Trung đã "cán đích" NTM, việc huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng phát triển mạnh mẽ ở các xã ATK II đã tạo diện mạo mới cho vùng quê cách mạng. 10/16 xã đã đạt chuẩn và được công nhận NTM.

Gìn giữ, tôn tạo di tích gắn với phát triển du lịch  

Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH, xây dựng NTM, các điểm di tích tại 16 xã thuộc vùng ATK II cũng được gìn giữ, tôn tạo để giáo dục truyền thống và thu hút khách du lịch về với vùng quê cách mạng. Những năm qua, 7 di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia, thuộc ATK được tu bổ, khôi phục lại hiện trạng như: Đình Chợ Vân (Hoàng An), đình Xuân Biều (Xuân Cẩm), đền Soi và đình Vân Xuyên (Hoàng Vân),... góp phần làm đẹp cảnh quan, đồng thời kích cầu du lịch về nguồn, khơi dậy truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Tiêu biểu như di tích nhà truyền thống ATK II, khu di tích lịch sử đền Soi thuộc thôn Vân Xuyên, xã Hoàng Vân trong năm 2019 đã được đầu tư 1,06 tỷ đồng để nâng cấp. Nơi đây thời điểm tháng 8/1945 được T.Ư Đảng mở nhiều lớp huấn luyện quân sự cho cán bộ các tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hoàng Vân, từ khi các di tích trên địa bàn được tôn tạo, giao thông thuận lợi, đã có nhiều du khách về đây tìm hiểu truyền thống. Đáng trân trọng là có nhiều đoàn học sinh, sinh viên tham quan, học tập về lịch sử cách mạng.

Đánh giá về phong trào xây dựng NTM ở các xã ATK II, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Khanh khẳng định, nhiều nguồn vốn đã được huy động vào xây dựng cơ sở hạ tầng đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở đây. Đặc biệt hệ thống giao thông nông thôn phát triển đã góp phần đưa rau cần Hoàng Lương, lúa nếp Thái Sơn, trám bùi Hoàng Vân... có thêm cơ hội vươn xa. 

Huyện vừa đầu tư hơn 40 tỷ đồng nâng cấp gần 6 km đường tỉnh 288 giúp bà con thuận lợi kết nối giao thương. Người dân các xã vùng ATK II tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM qua việc hàng trăm hộ hiến đất làm công trình phúc lợi, hầu hết các tuyến giao thông được cứng hóa... Các di tích lịch sử được gìn giữ, đầu tư tôn tạo trở thành điểm đến của du khách khi về với vùng chiến khu xưa. 

{keywords}

Giáo dục truyền thống cho học sinh tại Nhà trưng bày ATK II Hiệp Hòa.

Để phát huy giá trị các di tích, Huyện ủy, UBND huyện đã có nhiều chính sách và chỉ đạo thực hiện giải pháp kích cầu phát triển du lịch. Ví như bên cạnh đầu tư, tu bổ di tích, Huyện đoàn thành lập các đội thanh niên tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn khách tham quan tìm hiểu lịch sử, đảm nhận công trình thanh niên bảo vệ cảnh quan di tích. Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường đưa môn học Lịch sử địa phương vào các giờ ngoại khóa, hướng dẫn học sinh tham quan các di tích lịch sử ATK II...

Với nhiều hình thức quảng bá, thu hút du khách, từ khi 16 xã ở huyện Hiệp Hoà được Chính phủ công nhận là ATK II, ngày càng nhiều khách đến đây tham quan, tìm hiểu... Mới đây, UBND huyện phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với ATK II. Cùng với đó, huyện đang tập trung cao cho tuyên truyền sâu rộng giá trị tiêu biểu của di tích, tiếp tục huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị, gắn với phát triển du lịch bền vững.

Không chỉ cảnh quan ở vùng chiến khu xưa đổi thay nhanh chóng, cuộc sống của người dân nơi đây nâng lên đáng kể. Phong trào xây dựng NTM gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử diễn ra mạnh mẽ. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân đạt hơn 30 triệu đồng/năm. Luôn tự hào với truyền thống cách mạng, những người dân vùng ATK II Hiệp Hòa vững tin tiếp bước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hơn 1 tỷ đồng xây dựng công trình khu di tích lịch sử ATK II Hoàng Vân
(BGĐT) - UBND huyện Hiệp Hòa vừa quyết định đầu tư 1,06 tỷ đồng để xây dựng tu bổ nhà truyền thống ATK II, khu di tích lịch sử Đền Soi Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, thuộc ATK II Hiệp Hòa.
Sức sống mới ở vùng ATK II Hiệp Hòa
(BGĐT) - An toàn khu II (ATK II) Hiệp Hòa, nơi diễn ra nhiều hoạt động thời kỳ tiền khởi nghĩa của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc kỳ, Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ... Tiếp nối truyền thống Anh hùng, vùng quê này đang chuyển mình mạnh mẽ, KT-XH phát triển, cuộc sống nhân dân ngày càng cải thiện.
Hơn 1,8 tỷ đồng hỗ trợ 12 xã ATK II
(BGĐT) - Từ nguồn phân bổ vốn chương trình 135, huyện Hiệp Hòa được hỗ trợ hơn 1,86 tỷ đồng phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế giúp hộ nghèo và cận nghèo.

Hoàng Hà

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...