Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kinh nghiệm công tác tuyên truyền phòng, chống dịch

Cập nhật: 09:15 ngày 28/06/2021
(BGĐT) - Bắc Giang đang được xem là điểm sáng của cả nước trong phát triển doanh nghiệp với 5 khu và 40 cụm công nghiệp, cơ bản tập trung tại huyện Việt Yên, Hiệp Hòa và Yên Dũng với khoảng 200 nghìn công nhân. Số công nhân này chủ yếu sinh hoạt ở các khu dân cư đông đúc, tập trung quanh các khu, cụm công nghiệp. Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, TP trong cả nước và Bắc Giang là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 5 nghìn ca nhiễm bệnh phải điều trị, hàng chục nghìn người phải cách ly. Cùng với đó là những tổn thất, thiệt hại nặng nề về kinh tế khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, có lúc 4 khu công nghiệp trên địa bàn phải tạm dừng hoạt động, hàng trăm nghìn lao động không có việc làm, nhiều khoản chi phí phát sinh để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; an toàn, sức khỏe và đời sống của người dân, nhất là công nhân lao động bị ảnh hưởng lớn…

{keywords}

Các phóng viên phỏng vấn đại diện Công ty TNHH SiFlex Việt Nam trong KCN Quang Châu (Việt Yên). Ảnh: DANH LAM

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân, các lực lượng tuyến đầu (y tế, công an, quân sự) làm việc ngày đêm, chạy đua với thời gian, thần tốc điều tra truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân, khoanh vùng, dập dịch. Nhân dân trong tỉnh đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch. Đặc biệt, Bắc Giang đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, động viên thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiều mặt cả về vật chất và tinh thần của các bộ, ngành T.Ư; sự giúp đỡ chí tình của các tỉnh, TP, các tổ chức, cá nhân khắp mọi miền Tổ quốc… 

Đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, các nguồn lây đã được xác định rõ, khoanh vùng, thu hẹp; số ca F0, F1 giảm nhanh. Đồng thời, tỉnh đã tổ chức rất thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; hỗ trợ tích cực, hiệu quả giúp nhân dân duy trì sản xuất, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là tiêu thụ vải thiều thuận lợi ở cả thị trường trong nước, xuất khẩu; bảo đảm đời sống nhân dân, công nhân lao động, nhất là tại các khu vực cách ly, phong tỏa... Nhiều doanh nghiệp trong các KCN đủ điều kiện phòng, chống dịch bệnh an toàn, được phép hoạt động trở lại.

Những kết quả nói trên được tổng hợp bởi nhiều yếu tố: Từ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp đến sự đồng lòng ủng hộ của người dân, sự chi viện chí nghĩa, chí tình từ các bộ, ngành T.Ư và các tỉnh bạn… Trong đó có vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, đã góp phần tích cực trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Từ những kết quả đó, một số kinh nghiệm bước đầu về công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 có thể rút ra như sau:

Một là, hệ thống chính trị và các cơ quan chuyên môn về y tế phải coi công tác tuyên truyền là một nhiệm vụ quan trọng đi trước; kịp thời dự báo được tình hình để có những định hướng, chỉ đạo tuyên truyền hiệu quả trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh; không để bị động, bất ngờ. Do vậy, khi thành lập ban chỉ đạo và các tiểu ban giúp việc phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, phải cần thiết có sự tham gia, vào cuộc ngay từ ban đầu của cơ quan tuyên giáo. Từ đó, công tác tuyên truyền sẽ luôn bám sát, nắm chắc sự chỉ đạo của cấp ủy và ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; thường xuyên cập nhật diễn biến mới nhất, đầy đủ nhất về tình hình dịch bệnh để tham mưu, chỉ đạo, định hướng các hoạt động tuyên truyền bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Không đi sau, đi chậm trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hai là, công tác tuyên truyền cần kiên trì, rộng khắp và đa dạng về hình thức, ngắn gọn về nội dung, khách quan trên tinh thần xây dựng, đúng trọng tâm, trọng điểm. Các cơ quan báo chí của tỉnh kịp thời xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tăng cường thời lượng, dung lượng, kịp thời cập nhật tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch của tỉnh; nhất là phải nắm chắc tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh, các hướng dẫn, chỉ đạo của T.Ư, Bộ Y tế; tích cực, chủ động phát hiện, khai thác, lan tỏa các tấm gương nơi tuyến đầu chống dịch, những nghĩa cử cao đẹp…

{keywords}

Trao giấy chứng nhận cho bệnh nhân điều trị khỏi bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, hệ thống đài truyền thanh ở cơ sở, các trang/cổng thông tin điện tử phải kịp thời cung cấp thông tin chính thống và định hướng dư luận xã hội. Phát huy mạnh mẽ sự lan tỏa thông tin tích cực, chính thống trên Internet, mạng xã hội nhằm đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các thông tin sai sự thật, thậm chí một số thông tin sai trái của các phần tử cơ hội chính trị gây hoang mang trong các tầng lớp nhân dân. Ban Chỉ đạo 35 các cấp cần thành lập tổ phản ứng nhanh, hằng ngày thường xuyên rà, quét các thông tin trái chiều về tình hình dịch bệnh ở tỉnh để đấu tranh, phản bác...

Ba là, công tác tuyên truyền được chỉ đạo, triển khai vừa phải bài bản nhưng vẫn phải mang tính đa dạng, linh hoạt; bảo đảm phù hợp với từng vùng, khu vực và từng giai đoạn của công tác phòng, chống dịch. Mỗi địa phương, đơn vị khác nhau thì nội dung và hình thức tuyên truyền khác nhau để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị đó. Khi mới phát hiện các ca nhiễm đầu tiên, công tác tuyên truyền tập trung vào việc thực hiện quyết liệt các bước truy vết, các biện pháp cách ly, khoanh vùng. 

Khi ổn định các khu điều trị và khu cách ly, công tác tuyên truyền tập trung bảo đảm ổn định tâm trạng xã hội cho các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân để sẵn sàng bước vào giai đoạn “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”, tổ chức lại sản xuất cho các doanh nghiệp trong các KCN nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế. Đến giai đoạn quyết định, tấn công dập dịch tập trung tuyên truyền các biện pháp phòng, dịch một cách quyết liệt; đồng thời cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tin tưởng, đồng thuận sẵn sàng cho trạng thái bình thường mới.

Bốn là, phát huy tốt công tác tuyên truyền trực quan, tuyên truyền lưu động, thành lập đội hình tuyên truyền bằng ô tô lưu động có trang trí pa no, khẩu hiệu và loa tuyên truyền lưu động; tổ chức các đội loa cầm tay, loa kéo di động kết hợp đo thân nhiệt, khai báo y tế, cài đặt ứng dụng Bluezone tại các điểm tập trung đông người.

Năm là, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội ở cơ sở; đội ngũ tuyên truyền viên của các đoàn thể, tổ Covid cộng đồng, thanh niên tình nguyện “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; đặc biệt là đội ngũ đoàn viên công đoàn, đoàn thanh niên tại các khu, cụm công nghiệp phối hợp với các doanh nghiệp tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý cho đội ngũ công nhân và người lao động vừa thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vừa yên tâm tiếp tục ở lại làm việc, khôi phục sản xuất.

Sáu là, đẩy mạnh công tác nắm bắt tâm trạng, dư luận xã hội, nhất là ở những vùng có dịch, các khu, cụm công nghiệp, khu vực cách ly y tế; từ đó kịp thời phản ánh, tham mưu giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm ngay từ cơ sở, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng dư luận, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động; tạo sự đồng thuận.

Tỉnh Bắc Giang quyết tâm sẽ dập được dịch trong tháng 6/2021, đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới. Để đạt được điều đó, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư, sự sẻ chia, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; nhất là sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; đặc biệt những kinh nghiệm về công tác tuyên truyền được rút ra ở trên phải được áp dụng và phát huy hiệu quả hơn nữa, triệt để hơn nữa; nhất định chúng ta sẽ thành công.

Nguyễn Văn Hạnh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang
Lục Ngạn: Ra quân tuyên truyền lưu động phòng, chống dịch Covid -19
(BGĐT)- Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19 huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), chiều 26/6, Trung tâm Văn hóa - Thông tin & Thể thao huyện tổ chức ra quân tuyên truyền lưu động phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn 29/29 xã, thị trấn.
Tuyên truyền pháp luật qua mạng xã hội: Đa dạng thông tin, tăng hiệu quả
(BGĐT) - Hiện nay, các trang mạng xã hội (MXH) như: Facebook, Zalo, Youtube, Instagram… được người dân sử dụng phổ biến. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên MXH là một hình thức phù hợp với thực tiễn và xu hướng tiếp cận thông tin trong điều kiện hiện nay.  
Lục Nam: Thi ảnh tuyên truyền về bầu cử và phòng, chống dịch
(BGĐT)- Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lục Nam (Bắc Giang) vừa triển khai tổ chức Cuộc thi ảnh tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong Đảng bộ huyện.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiểm tra công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19
(BGĐT) - Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, ngày 13/5, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thành lập 2 đoàn kiểm tra tại các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...