Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phục hồi sản xuất phải bảo đảm an toàn tuyệt đối trong phòng, chống dịch

Cập nhật: 14:21 ngày 20/09/2021
(BGĐT) - Sáng 20/9, đồng chí Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 28 tỉnh, TP để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất tại khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp.

Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang. Cùng dự có đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số sở, ngành, DN.

{keywords}

Đồng chí Lê Văn Thành phát biểu tại hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối tháng 8/2021, cả nước có 379 khu công nghiệp (KCN) được thành lập (cả 4 khu chế xuất), trong đó có 291 KCN đã đi vào hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đã được thành lập đạt khoảng 52,5%, nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động thì tỷ lệ lấp đầy đạt 71%. Mặc dù chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 song 8 tháng năm nay, các KCN, khu kinh tế ven biển trên cả nước đã thu hút được khoảng 428 dự án đầu tư mới và 517 dự án tăng vốn đầu tư với vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 8,1 tỷ USD.

Tại Bắc Giang, đến nay, có 6 KCN đang triển khai thực hiện với tổng diện tích hơn 1,3 nghìn ha, trong đó có 5 KCN đã đi vào hoạt động với 414 dự án đầu tư, (311 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài). Cùng đó, tỉnh thành lập được 45 cụm công nghiệp với 230 DN đã thực hiện đầu tư.

Trao đổi tại hội nghị, đại diện một số DN tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc đóng cửa các DN lâu sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất hiện hữu. Có ý kiến đề nghị, Chính phủ, các địa phương cần xem xét, tính toán thời gian, lộ trình mở cửa để các KCN hoạt động trở lại; không đóng cửa DN khi phát hiện có ca F0 mà tập trung truy vết, khoanh vùng, dập dịch ngay tại DN.

Đại diện Tập đoàn Phong Phú (Đồng Nai) đề nghị, các địa phương đơn giản hóa thủ tục khi DN đăng ký hoạt động trở lại; cho phép DN được tự chủ trong phương pháp kinh doanh, sản xuất. Có ý kiến đề xuất cho phép những người được tiêm hai mũi vắc xin hoặc F0 đã khỏi và xác định có kháng thể được đi làm trở lại mà không cần bất cứ giấy tờ nào. Quan tâm tiêm vắc xin cho công nhân, người lao động; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, ứng dụng công nghệ số trong cấp giấy đi đường cũng như các thủ tục liên quan đến hoạt động khôi phục sản xuất…

Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện mục tiêu kép, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cho biết, cùng với tập trung phòng, chống dịch (PCD), địa phương chủ động xây dựng phương án hỗ trợ DN, tạo điều kiện tối đa cho DN hoạt động như: Hỗ trợ phí sử dụng hạ tầng trong KCN; kinh phí xét nghiệm, lãi suất vay trả lương cho công nhân…

Phát biểu tham luận, đồng chí Lê Ánh Dương cho biết, đợt dịch đầu tháng 5 vừa qua khiến Bắc Giang trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước. Trong bối cảnh hết sức khó khăn, sau khi cân nhắc toàn diện các yếu tố, tỉnh quyết định tạm dừng hoạt động của 4 KCN để PCD. Rất nhanh sau khi quyết định đóng cửa, tỉnh thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ DN phục hồi và duy trì sản xuất, kinh doanh thương mại, nhờ đó sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

{keywords}

Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu tại hội nghị.

Trong PCD tại KCN, kinh nghiệm của Bắc Giang là truy vết, khoanh vùng, phòng dịch trong phạm vi hẹp, từ đó có biện pháp ngăn chặn lây lan. Đến nay, các DN trong KCN đã trở lại sản xuất với quy mô đạt hơn 90% so với trước thời điểm đợt dịch thứ 4 bùng phát. Đặc biệt số DN mới được thành lập và đi vào hoạt động tăng so với trước.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, đồng chí Lê Ánh Dương đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận dự án Xây dựng mở rộng cầu Như Nguyệt; Bộ Giao thông - Vận tải sớm tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng mở rộng cầu Xương Giang. Khắc phục tình trạng thiếu quỹ đất công nghiệp, đồng chí đề nghị các Bộ, ngành sớm xem xét, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư đối với các KCN: Yên Lư, Tân Hưng và Yên Sơn - Bắc Lũng; mở rộng các KCN Quang Châu và Hòa Phú, sẵn sàng đón các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Văn Thành nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại một số địa phương, do đó yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các DN là nhiệm vụ quan trọng. Để thực hiện mục tiêu kép đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, trách nhiệm cao giữa DN, địa phương và các cơ quan T.Ư.

Đồng chí nhấn mạnh, DN chính là chủ thể cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh, do đó tùy vào thực tế dịch bệnh tại địa phương, các DN chủ động có phương án phục hồi sản xuất, trong đó quan tâm việc giãn cách, kiểm soát F0, không để các ổ dịch phát sinh trong DN và các KCN. Với vai trò là trung tâm xử lý quá trình phục hồi, các tỉnh, TP tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN; thành lập và duy trì các tổ hỗ trợ phục hồi, xuống DN để hướng dẫn phương án sản xuất, PCD. Trước mắt, các địa phương cần đồng loạt tổ chức hội nghị gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc với DN, vừa để quán triệt tinh thần phục hồi sản xuất, vừa có hướng dẫn, yêu cầu DN có phương án triển khai.

Để hỗ trợ các địa phương, DN, Chính phủ sẽ duy trì hội nghị trực tuyến định kỳ hàng tháng đến khi việc khôi phục sản xuất hoàn thành. Căn cứ vào nhiệm vụ, các bộ, ngành T.Ư cần có sự phối hợp chặt chẽ trong xây dựng phương án phục hồi sản xuất, lưu thông hàng hóa. Với trách nhiệm của mình, Bộ Y tế chủ động nắm tình hình, ưu tiên phân bổ vắc xin cho các tỉnh, TP có nhiều KCN. Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức phân luồng giao thông phù hợp, khi có phong tỏa cần thông báo hướng di chuyển khác để các tổ chức, cá nhân biết, bảo đảm lưu thông. Phối hợp với các địa phương tạo thuận lợi để công nhân di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh kia; bảo đảm lưu thông hàng hóa, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế thấp nhất việc ách tắc giao thông.

Tin, ảnh: Sỹ Quyết

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương
Chiều 2/7, tại đầu cầu trụ sở Chính phủ, đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021 nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, khôi phục sản xuất, kinh doanh
(BGĐT) - Dù các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tỉnh chưa bình thường trở lại như trước dịch song đã có bước hồi phục mạnh. Trong đó, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo bảo đảm sản xuất ổn định, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Đẩy nhanh tiến độ khôi phục sản xuất, chủ động nguồn lực chống dịch
(BGĐT) - Ngày 7/8, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch và khôi phục sản xuất với 10 huyện, TP. Cùng dự có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Mai Sơn, Phan Thế Tuấn.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...