Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chính trị
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Việt Nam và Hàn Quốc ký Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội

Cập nhật: 13:28 ngày 14/12/2021
Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội. Qua đó giúp quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động hai nước được bảo vệ, trong đó có quyền và nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội.

Tránh việc đóng hai lần bảo hiểm xã hội cho người lao động

Vào sáng 14/12, tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng với lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Xã hội Hàn Quốc Kwon Deok Cheol đã ký Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

{keywords}

Dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Xã hội Hàn Quốc Kwon Deok Cheol ký Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa hai nước.

Đây là Hiệp định đầu tiên của hai quốc gia trong lĩnh vực này.

Trong bối cảnh Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, hợp tác giữa hai nước đang ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lao động - việc làm.

Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc và người Hàn Quốc đến làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng và đều có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp của cả hai nước. Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ cũng được bảo vệ bởi luật pháp của hai nước, trong đó có quyền và nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó, để bảo vệ quyền lợi của người lao động và thực hiện pháp luật của hai nước về bảo hiểm xã hội, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành đàm phán Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội (sau đây gọi tắt là Hiệp định).

{keywords}

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Xã hội Hàn Quốc ký Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa hai nước. (Ảnh: TTXVN)

Trong trường hợp giữa các quốc gia không có Hiệp định song phương hay đa phương về bảo hiểm xã hội thì việc thụ hưởng lương hưu khi người lao động về hưu sẽ rất khó khăn. Có trường hợp không thực hiện được do không có sự liên thông, kết nối hay công nhận lẫn nhau giữa các hệ thống bảo hiểm. Bởi vậy, để bảo vệ quyền lợi bảo hiểm xã hội của người lao động, chính phủ nhiều nước cố gắng thúc đẩy để ký kết hiệp định về bảo hiểm xã hội với quốc gia nơi có nhiều công dân nước mình đến làm việc.

Trong những năm qua, số lao động là công dân Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc chiếm tỷ lệ lớn trong số người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, cùng với sự mở rộng trao đổi thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc, số người lao động Hàn Quốc sang Việt Nam làm việc cũng có xu hướng gia tăng. Bởi vậy, việc ký kết Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc là một nhu cầu cấp thiết. Qua đó nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển lao động giữa hai nước và để bảo vệ quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho lao động hai nước.

Phần lớn các quốc gia đều có luật quy định người lao động bắt buộc phải tham gia các chế độ bảo hiểm xã hội, trong đó quan trọng nhất là bảo hiểm hưu trí.

Trong bối cảnh trao đổi thương mại và đầu tư trên thế giới ngày càng phát triển, dòng lưu chuyển lao động giữa các nước cũng ngày càng tăng.

Người lao động khi đến một quốc gia khác làm việc thì về nguyên tắc sẽ phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội ở quốc gia đó.

Khi về hưu, người lao động được quyền hưởng lương hưu, trên cơ sở các khoản bảo hiểm xã hội mà họ đã đóng trước đó ở trong nước cũng như ở nước ngoài.

Cũng giống như phần lớn các hiệp định song phương và đa phương về bảo hiểm xã hội trên thế giới, Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc có hai mục đích chính.

Thứ nhất là tránh việc đóng hai lần bảo hiểm xã hội.

Nếu hai nước không có Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam khi làm việc tại Hàn Quốc và người lao động Hàn Quốc khi làm việc tại Việt Nam sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội tại cả Việt Nam và Hàn Quốc. Trong trường hợp hai nước có Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội thì sẽ tránh được việc người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội hai lần. Người lao động là công dân Việt Nam và Hàn Quốc sẽ chỉ có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội tại một nước.

Thứ hai là thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hai bên công nhận lẫn nhau.

Đồng thời với việc tránh đóng bảo hiểm xã hội hai lần, hai bên sẽ công nhận lẫn nhau về thời gian người lao động đóng bảo hiểm xã hội ở nước kia.

Thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là công dân Việt Nam và công dân Hàn Quốc sẽ được tính là tổng thời gian mà người lao động đó đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam và Hàn Quốc. Tổng thời gian này sẽ là căn cứ để Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Quỹ Hưu trí quốc gia Hàn Quốc xét người lao động hưởng chế độ lương hưu.

Mức hưởng chế độ mà Quỹ bảo hiểm xã hội của mỗi nước chi trả cho người lao động khi về hưu sẽ căn cứ vào thời gian và mức đóng mà người lao động đã đóng vào quỹ đó. Công thức tính được quy định theo luật pháp của mỗi nước.

Về mặt luật pháp, Hiệp định là điều ước quốc tế để bảo đảm thực hiện khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: "Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam… tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ” và Điểm g Khoản 1 Điều 6 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định: “Người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần”

Hiệp định cũng là điều ước quốc tế để thực hiện chủ trương của Đảng được nêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Bảo đảm quyền lợi của người lao động ở hai nước

Khi Hiệp định có hiệu lực, quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người lao động Việt Nam khi đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc (cũng như người lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam) sẽ được bảo đảm bởi luật pháp của cả hai nước. Đồng thời, thời gian để làm căn cứ xét hưởng chế độ hưu trí đối với người lao động Việt Nam có thời gian làm việc tại Hàn Quốc sẽ được bình đẳng như những lao động Việt Nam khác.

Về mức hưởng, người lao động sẽ được hưởng đầy đủ, bình đẳng căn cứ theo cách tính mức thụ hưởng theo quy định của luật pháp mỗi nước theo nguyên tắc đóng-hưởng.

Theo Hiệp định, việc đóng và hưởng được thực hiện theo nguyên tắc là người lao động đóng bảo hiểm xã hội ở đâu thì hưởng ở đó và mức hưởng được xác định bởi thời gian và mức mà người lao động đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội tại nước đóng. Bởi vậy, việc thực hiện Hiệp định sẽ không có tác động đến vấn đề thu-chi tài chính của quỹ bảo hiểm xã hội của bên nào.

Hiệp định đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động trong việc tiếp cận cơ hội việc làm.

Nội dung chính của Hiệp định

Với hai mục đích là: tránh đóng bảo hiểm xã hội hai lần và cộng dồn thời gian đóng bảo hiểm xã hội ở hai nước để làm căn cứ trả chế độ hưu trí cho người lao động có quá trình làm việc ở cả Việt Nam và Hàn Quốc, Hiệp định đã được hai bên thống nhất gồm 5 Phần với 24 Điều, trong đó một số quy định chính sau:

- Phạm vi áp dụng là liên quan tới chế độ hưu trí và tử tuất theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 của Việt Nam và Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc (Điều 2);

- Đối tượng là người lao động Việt Nam và người lao động Hàn Quốc có thời gian làm việc tại hai nước và đang chịu sự điều chỉnh của pháp luật về bảo hiểm xã hội của hai nước (Điều 3);

- Hiệp định quy định nguyên tắc đối xử bình đẳng, cụ thể là công dân của một bên khi làm việc trên lãnh thổ của bên kia thì được đối xử bình đẳng như công dân của nước sở tại trong việc xác định các điều kiện đóng, hưởng, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội (Điều 4);

- Một trong những nội dung quan trọng của Hiệp định là quy định cách tính thời gian làm căn cứ để xác định chế độ hưu trí đối với người lao động là tính tổng thời gian mà người lao động đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội ở cả hai nước (cộng dồn) và cách tính các chế độ bảo hiểm là căn cứ theo luật pháp của mỗi nước (Điều 10);

- Hiệp định sẽ có hiệu lực từ ngày thứ nhất của tháng thứ hai kể từ tháng mà mỗi bên nhận được thông báo chính thức bằng văn bản của bên kia (Điều 23).

Hàn Quốc là thị trường tiếp nhận lao động lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam cũng là nước phái cử lao động lớn thứ hai tới Hàn Quốc. Đây cũng là một trong những thị trường ổn định, có thu nhập cao với người lao động nước ta.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương tham gia đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội thăm Hàn Quốc
(BGĐT) - Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug, sáng 12/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Hàn Quốc. 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-seug
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-seug, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 12-15/12/2021.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp các lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc
Sáng 13/12 theo giờ địa phương, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của nước này gồm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Samsung Electronics Han Jong-hee; Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn SK Choi Tae-won; Tổng Giám đốc điều hành Lotte Shopping và Lotte Mart Kang Sung-hyun.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng phát huy hiệu quả, thực chất
Ngày 12/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến thủ đô Seoul, bắt đầu chuyến thăm chính thức Hàn Quốc theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeon-seug. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trả lời phỏng vấn báo chí Hàn Quốc. Báo Bắc Giang xin trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Seoul, bắt đầu thăm chính thức Hàn Quốc
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, đúng 15 giờ 50 phút (giờ địa phương) ngày 12/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tới sân bay Incheon, thủ đô Seoul, bắt đầu chuyến thăm chính thức Hàn Quốc theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Park Byeong-seug.
Theo Nhân Dân
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...