Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 28 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lồng ghép vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, từng bước thay đổi diện mạo làng quê

Cập nhật: 13:52 ngày 21/04/2022
(BGĐT) - Sáng 21/4, đồng chí Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. 

Dự tại điểm cầu Bắc Giang có đồng chí Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, TP.

Theo báo cáo của các bộ, ngành, giai đoạn vừa qua, Chương trình MTQG xây dựng NTM góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, hạ tầng KT-XH cơ bản được hoàn thiện, nhất là ở khu vực khó khăn; đời sống người dân nông thôn được nâng lên. Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội tiếp tục được chăm lo, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn các dịch vụ cơ bản của xã hội; nhiều chính sách đi vào thực chất, là đòn bẩy hỗ trợ các đối tượng yếu thế vươn lên.

{keywords}

Đồng chí Lê Ô Pích chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang.

Tiếp nối những thành công này, Đảng và Chính phủ tiếp tục quan tâm, ban hành chủ trương thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo đó, giai đoạn này sẽ tiếp tục thực hiện 11 nội dung thành phần với 54 chỉ tiêu cụ thể xây dựng NTM. Phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó khoảng 40% đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí. Với cấp huyện, có ít nhất 50% huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh đạt chuẩn, trong đó ít nhất 20% số huyện đạt NTM nâng cao. Tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho chương trình trong giai đoạn tối thiểu hơn 196 nghìn tỷ đồng. Trong đó 39,6 tỷ đồng vốn T.Ư, còn lại vốn ngân sách địa phương.

Về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ bố trí tối thiểu 75 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư 48 nghìn tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác. Kết thúc giai đoạn này, cả nước phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm. Cùng đó, 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao ý nghĩa của hai chương trình, đồng thời đề nghị các bộ, ngành T.Ư sớm xây dựng kế hoạch hành động thực hiện cũng như văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai nội dung thành phần và các tiêu chí. Có ý kiến đề xuất, Uỷ ban Dân tộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, ban hành kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương lồng ghép vốn bố trí thực hiện dự án thành phần của các chương trình để hỗ trợ xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra. 

{keywords}

Từ các chương trình MTQG, nhiều công trình giao thông, thủy lợi được đầu tư xây dựng ở xã Vô Tranh (Lục Nam).

Kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Bình Minh đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành T.Ư liên quan khẩn trương hoàn thành thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền các văn bản pháp lý; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt các chương trình chuyên đề. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp khẩn trương ban hành kế hoạch chỉ đạo các địa phương lồng ghép nguồn vốn ngân sách T.Ư được giao của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM.

Các bộ, cơ quan T.Ư được phân công chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc từng chương trình nhanh chóng hoàn thành, ban hành hướng dẫn thực hiện (chậm nhất trong quý II năm 2022), bảo đảm đúng quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG, quản lý đầu tư công, quản lý ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan. UBND các tỉnh, TP cụ thể hóa các cơ chế, chính sách và hướng dẫn của T.Ư để thực hiện, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định của pháp luật hiện hành.

Đối với phân bổ và huy động nguồn lực, đồng chí đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm hoàn thành các thủ tục báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phương án phân bổ kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 (bao gồm kế hoạch vốn năm 2021 chuyển sang thực hiện). Ngay sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao kế hoạch vốn trung hạn cho bộ, ngành T.Ư, địa phương để thực hiện.

Các bộ, cơ quan T.Ư và các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả giải pháp để ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước, huy động tối đa nguồn lực hợp pháp hỗ trợ thực hiện các chương trình, nhất là vốn ODA, vốn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp và đóng góp tự nguyện của người dân...

Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông và công tác quản lý chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình. Triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong tổ chức các phong trào thi đua giai đoạn 2021-2025.

Tin, ảnh: Sỹ Quyết

Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Thảo luận hai chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng
Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ nhất, sáng 27/7, Quốc hội làm việc tại hội trường về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Nội dung quan trọng này được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.
Khơi nguồn vốn xây dựng nông thôn mới
(BGĐT) - Do chưa có nguồn vốn từ ngân sách T.Ư và cơ chế chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 nên không chỉ các xã về đích NTM năm 2021 mà các huyện có xã đăng ký về đích trong năm nay cũng lúng túng trong triển khai thực hiện. Để hoàn thành mục tiêu, các địa phương cần sớm có giải pháp khắc phục. 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...