Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhớ lời Bác, phải khéo dùng cán bộ

Cập nhật: 09:47 ngày 19/05/2022
(BGĐT) - Không chỉ là nhà tư tưởng lớn, vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một thiên tài trong nghệ thuật dùng người, dùng cán bộ. 

Những lời căn dặn của Người về cán bộ và công tác cán bộ nhiều khi mộc mạc, dễ nhớ mà sâu sắc như một chân lý. Ngẫm lại càng thấy chúng ta còn nợ Người nhiều lắm và có trả hết “món nợ” này, mới xây dựng được đội ngũ cán bộ thật sự là công bộc của dân, do dân và vì dân như Người hằng mong muốn.

Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ

Không phải ngẫu nhiên, cán bộ và công tác cán bộ là một trong những nội dung Bác Hồ nhắc đến nhiều trong các bài viết, bài nói chuyện của mình. Theo Người, “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia). Nói về cán bộ, Người đặc biệt quan tâm đến đạo đức và cách dùng cán bộ, như ngày nay chúng ta thường nói là bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ. Người cho rằng, lựa chọn, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ là công việc gốc của Đảng và Chính phủ. 

Muốn tìm cán bộ tốt, phải dựa vào nhân dân bởi nhân dân là người biết rõ nhất. Vì thế, sau khi cách mạng giành chính quyền, để kiến thiết nước nhà, ngày 20/11/1946, Người viết bài Tìm người tài đức đăng trên báo Cứu quốc, kêu gọi “các địa phương phải ngay lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”. Với khoảng một trăm chữ nhưng bài viết thể hiện rõ tư tưởng lớn và sự cầu thị của Bác, của Chính phủ.

Khi chính quyền còn non trẻ, với tầm nhìn và nghệ thuật dùng người, Người đã căn dặn, việc dùng nhân tài, không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. “Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng… có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được”. Chính Người đã đưa nhiều trí thức dưới chế độ cũ ra làm việc cho cách mạng. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ thời thuộc Pháp, nổi tiếng tài năng, đức độ được mời ra làm Bộ trưởng Nội vụ và giao Quyền Chủ tịch nước khi Người sang Pháp, năm 1946. Cụ Bùi Bằng Ðoàn, Thượng thư Bộ Hình dưới triều Nguyễn được mời làm Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ và sau này làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, trí thức thời thuộc Pháp được giao trọng trách người đứng đầu ngành Giáo dục 29 năm…

{keywords}

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát buổi diễn tập cấp Trung đoàn của Sư đoàn 308 tại Sơn Tây, năm 1957.

Trong cuộc sống, “nhân bất thập toàn”, mỗi người có một sở trường, sở đoản, có thể giỏi việc này nhưng lại vụng việc khác. Đúng như Người đã nói, không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay; cho nên “phải biết rõ cán bộ”, “phải khéo dùng cán bộ” mới được việc; không thể đưa thợ mộc đi rèn dao, thợ rèn thì bảo đi đóng tủ. Như thế chỉ có hỏng việc mà vất vả cho cả hai người. 

Trong bài viết đăng báo Cứu quốc ngày 4/10/1945, nói về óc thiếu tổ chức trong các ủy ban nhân dân, Người chỉ rõ khuyết điểm về việc dùng cán bộ và căn dặn: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”. Làm được như vậy thì không lo thiếu cán bộ và sử dụng hết được tài năng của mỗi người.

Lựa chọn cất nhắc và dìu dắt cán bộ đúng cách

Những năm qua, Đảng ta có nhiều đổi mới trong công tác cán bộ và đã xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp ngày càng ngang tầm nhiệm vụ. Tuy nhiên, một số hạn chế, yếu kém trong công tác này vẫn kéo dài nhiều nhiệm kỳ. Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII về công tác cán bộ chỉ rõ: “Một số nội dung trong công tác cán bộ chậm được đổi mới. Chưa có tiêu chí, cơ chế hiệu quả để đánh giá đúng cán bộ, tạo động lực, bảo vệ cán bộ và thu hút, trọng dụng nhân tài; chính sách cán bộ còn bất cập, chưa phát huy tốt tiềm năng của cán bộ. Công tác quản lý cán bộ có nơi, có lúc bị buông lỏng; chưa có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người yếu kém, uy tín thấp, không đủ sức khoẻ”.

Những sai phạm đưa người nhà, người thân không đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào các vị trí lãnh đạo xảy ra ở một số địa phương, ngành vẫn là bài học còn đó, làm mất niềm tin của nhân dân, thui chột ý chí phấn đấu của không ít cán bộ tốt. Mặt khác, có những cán bộ phẩm chất, năng lực tốt, từng có nhiều đóng góp nhưng rất đau lòng vì vướng vào vòng lao lý, kể cả một số tướng lĩnh trong các lực lượng vũ trang.

Có người đang làm việc rất tốt, nhưng khi luân chuyển, bố trí làm việc khác lại không hoàn thành nhiệm vụ; có người giỏi chuyên môn nhưng đưa lên làm cán bộ lãnh đạo, quản lý thì lại mắc nhiều khuyết điểm. Đó là trách nhiệm cá nhân của mỗi cán bộ, nhưng cũng phải thấy rằng có lúc cách dùng cán bộ chưa đúng với lời Bác Hồ căn dặn. Khi cất nhắc cán bộ chưa xem xét một cách toàn diện về tài, đức, chưa đánh giá đúng chiều hướng phát triển của cán bộ. 

Đặc biệt là cất nhắc cán bộ rồi không thường xuyên rèn luyện, dìu dắt, giúp đỡ, nhất là kiểm tra, kiểm soát quyền lực giao cho họ, thậm chí để họ tự tung tự tác, làm trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ đó dẫn đến nhiều cán bộ vi phạm, không ít trường hợp phải xử lý hình sự. Bài học đau xót này thấy rất rõ qua việc xử lý hàng trăm cán bộ, kể cả Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND cấp tỉnh… từ nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay. Nếu làm theo lời Bác Hồ, giao việc rồi đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, sớm phát hiện, ngăn ngừa sai phạm thì hậu quả hẳn không đến mức vậy.

{keywords}

Cán bộ một cửa Sở kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn công dân giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Hoài Thu.

Khi xử lý kỷ luật một cán bộ là đau lắm, nhưng không thể khác. Xin nêu trường hợp GS, TS, bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn, đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội. Năm 1997, khi tốt nghiệp Trường Đại học Toulouse loại xuất sắc và được mời ở lại Pháp làm việc, nhưng ông quyết định về nước. Là giáo sư đầu ngành Y, ông được đánh giá là người có bàn tay vàng trong ngành tim mạch can thiệp. Năm 2010, nhóm của ông và TS Phạm Mạnh Hùng được trao giải Nhất Giải thưởng "Nhân tài đất Việt" cho đề tài "Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông (đặt stent). Khi ông bị khởi tố, bắt tạm giam do những vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội trong thời gian là giám đốc, nhiều người tiếc cho ông. Giá như để ông chỉ làm chuyên môn và có chính sách đãi ngộ phù hợp, ông sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp cho ngành Y, nhiều bệnh nhân tim mạch sẽ được cứu sống. Rất tiếc, đây không phải trường hợp cá biệt.

Cách dùng cán bộ của Bác là “Thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ”, nhưng phải luôn luôn tùy hoàn cảnh, để cho họ phát triển năng lực và sáng kiến đúng với đường lối của Đảng; “luôn tìm cách cho họ học thêm lý luận và cách làm việc”; “thường xuyên kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”... Đó là tư tưởng biết tin cán bộ, biết bảo vệ cán bộ của Đảng.

Công cuộc đổi mới đất nước đang có nhiều cơ hội nhưng cũng đan xen không ít khó khăn, thách thức. Yêu cầu đặt ra cho đội ngũ cán bộ các cấp ngày càng cao cả về phẩm chất, đạo đức và trình độ năng lực công tác. Nói đến cán bộ, bao giờ Bác cũng coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc. Người chỉ rõ: “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho Nhà nước. Có đức không có tài, như ông Bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”.

Thực trạng về cán bộ các cấp hiện nay càng thấy những cảnh báo của Bác vẫn nóng hổi giá trị. Chưa bao giờ cán bộ các cấp được đào tạo bài bản và trưởng thành về nhiều mặt như hiện nay, nhưng cũng chưa bao giờ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ như hiện nay. Hơn bao giờ hết, những lời căn dặn của Bác về công tác cán bộ, bao gồm nhiều khâu từ đánh giá, đào tạo đến bố trí sử dụng, chính sách cán bộ luôn luôn là “cẩm nang” đối với từng cấp ủy, tổ chức đảng, từng cán bộ, nhất là những người làm công tác này.

Bắc Văn

Đền thờ Bác Hồ - những địa chỉ đỏ ở miền Tây Nam Bộ
Lòng kính yêu vô hạn dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhân dân đồng bằng sông Cửu Long được thể hiện một phần qua những đền thờ Bác Hồ được lập nên trong kháng chiến. Cứ đến dịp sinh nhật Người, đồng bào khắp nơi lại trở về vùng kháng chiến cũ, nơi có đền thờ Bác Hồ để thắp nén tâm hương, tưởng nhớ công ơn Người và tiếp thêm sức mạnh tinh thần để lao động, học tập tốt hơn.
Tiếp nhận gần 2 tỷ đồng ủng hộ tu bổ Khu di tích Sáu điều Bác Hồ dạy CAND
(BGĐT) - Chiều 18/4, tại Công an tỉnh Bắc Giang, Đoàn công tác Công an TP Hà Nội và Công an TP Hải Phòng đã đến thăm và ủng hộ kinh phí tu bổ, tôn tạo Khu di tích Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (CAND) và quần thể di tích chùa Tứ Giáp (tổ dân phố Chùa Nguộn, thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên). 
Hội thảo “Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến - Tầm vóc lịch sử và giá trị thời đại”
Ngày 31/3, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Tuyên Quang phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến - Tầm vóc lịch sử và giá trị thời đại”. 
Lẽ sống cao đẹp của chúng ta là kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn
Lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta là hoàn toàn đúng đắn, là phù hợp với xu thế phát triển của Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...