Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với công nhân: Phát huy khát vọng cống hiến để xây dựng đất nước

Cập nhật: 14:49 ngày 12/06/2022
(BGĐT) - Sáng 12/6, tại TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham gia Chương trình gặp gỡ, đối thoại trực tiếp và trực tuyến với công nhân lao động toàn quốc với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.
{keywords}

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại chương trình.

Cùng dự tại điểm cầu Bắc Giang có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Phạm Tất Thắng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư; Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các tỉnh, TP tại các điểm cầu.

Về phía tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể, địa phương trong tỉnh.

Công nhân đề xuất những vấn đề đúng, trúng

{keywords}

Thủ tướng và các đại biểu chủ trì tại điểm cầu chính Bắc Giang.

Buổi gặp gỡ, đối thoại đã thu hút 4.500 công nhân lao động tham gia tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang, 63 điểm cầu các tỉnh, TP và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Chương trình, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, đây là diễn đàn để đoàn viên, công nhân lao động được gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống với người đứng đầu Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu, chỉ đạo giải quyết các vấn đề được nêu và truyền thông điệp tới người lao động trong cả nước.

{keywords}

Các đại biểu dự tại điểm cầu Bắc Giang.

Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động cũng là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động của Tháng Công nhân năm 2022 nhằm “tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp quan tâm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” theo tinh thần của Thông báo số 77-TB/TW ngày 24/2/2012 của Ban Bí thư kết luận về tổ chức Tháng Công nhân; thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị “Người đứng đầu chính quyền các cấp định kỳ đối thoại và chỉ đạo giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động” theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.

{keywords}

Thủ tướng trao đổi với công nhân, người lao động.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan chức năng đã nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị của công nhân lao động, tập trung vào 10 nhóm vấn đề gồm: Đề nghị tăng lương tối thiểu; sửa đổi chính sách bảo hiểm theo hướng tạo được niềm tin lâu dài để người lao động gắn bó với bảo hiểm xã hội (BHXH), hạn chế tình trạng rút BHXH một lần; người lao động chưa được hưởng chính sách hỗ trợ khi bị ảnh hưởng do Covid-19; hỗ trợ học sinh mầm non là con công nhân lao động ở các khu công nghiệp (KCN); hỗ trợ tiền thuê nhà.

Nhóm vấn đề được công nhân quan tâm và đặt nhiều câu hỏi nhất là nhu cầu về nhà ở, trường học và các thiết chế công đoàn hỗ trợ đời sống công nhân. Bên cạnh đó, người lao động cũng bày tỏ nguyện vọng về các vấn đề hỗ trợ tín dụng cho công nhân, khi có tín dụng tốt sẽ hạn chế được tình trạng vay "tín dụng đen"; vấn đề học nghề, đào tạo nghề và mong muốn được học nghề rất lớn trong công nhân lao động; xử lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động như không ký hợp đồng lao động, nợ lương, nợ BHXH.

Công nhân cũng kiến nghị những vấn đề liên quan đến khám chữa bệnh. Ngoài ra, công nhân cũng mong muốn được bảo đảm về an toàn thực phẩm, nhất là bếp ăn và các điểm chợ quanh KCN; bảo đảm an ninh, an toàn tại nơi ở, nơi làm việc.

{keywords}

Chương trình thu hút sự quan tâm của đông đảo người lao động.

Phát biểu mở đầu buổi đối thoại, Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu của Đảng, Nhà nước là chăm lo đời sống nhân dân, công nhân lao động được ấm no, hạnh phúc; con người là trung tâm, chủ thể, động lực phát triển. Đảng, Nhà nước luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân, trong đó có giai cấp công nhân lao động để xây dựng chủ trương, chính sách. 

Chính phủ và các bộ, ngành đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, cả trực tiếp và trực tuyến đối công nhân, người lao động. Tiếp nối hoạt động đó, lần này, Chính phủ muốn nghe những ý kiến thẳng thắn, chân thành, mang tính xây dựng từ phía công nhân để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của công nhân hiện nay.

Thủ tướng thông báo tin vui, ngay sáng nay (12/6), Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, giải quyết nhiều bất cập về lương tối thiểu cho người lao động.

{keywords}

Đồng chí Dương Văn Thái trao đổi về những vấn đề người lao động nêu ra.

Nêu ý kiến về chính sách BHXH, chị Nguyễn Thị Thúy Hà (TP Hồ Chí Minh) đề nghị xem xét sửa đổi quy định pháp luật nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, hạn chế tình trạng công nhân rút BHXH một lần. Công nhân Lê Nguyễn Ngọc Thủy, KCN Thăng Long (Hà Nội) đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, có chính sách trợ cấp đối với trẻ mầm non là con công nhân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân, người lao động vì hiện còn nhiều người chưa được hưởng. 

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Công ty May xuất khẩu Hà Bắc nêu hiện có tình trạng vi phạm pháp luật của chủ doanh nghiệp, sử dụng lao động như không ký hợp đồng, nợ lương, nợ BHXH, vi phạm về vệ sinh an toàn lao động, thời gian làm việc… Anh Bùi Văn Trường (KCN Vân Trung – Việt Yên) đặt vấn đề công nhân gặp khó khăn trong học tập, nâng cao trình độ, tay nghề do vướng mắc về thời gian, kinh phí…

Giải đáp về những vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, để khắc phục tình trạng người lao động rút BHXH một lần, Bộ đang đề xuất rút ngắn thời gian tham gia BHXH, tăng thêm các nhóm liên kết, bảo đảm quyền lợi người lao động; chia sẻ giữa người đóng nhiều với người đóng ít, người đóng dài với người đóng ngắn, đồng thời xử lý các vi phạm, lợi dụng công nhân khó khăn để mua lại BHXH trục lợi.

Thời gian qua đã có nhiều nghị quyết, chính sách được ban hành để hỗ trợ công nhân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó có trợ cấp đối với trẻ mầm non là con công nhân làm việc tại các KCN và hỗ trợ về tiền thuê nhà trọ. Mặc dù triển khai khẩn trương, tích cực, công khai nhưng phải thận trọng, không để xảy ra sai sót. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thời gian, đối tượng được thụ hưởng. 

Về vấn đề vi phạm trong sử dụng lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương rà soát về quy định pháp luật, việc thực thi pháp luật để chấn chỉnh tình trạng vi phạm. Chủ tịch UBND các tỉnh, TP cũng cần đôn đốc việc thực hiện trên địa bàn, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Công nhân, người lao động tiếp tục tham gia giám sát việc thực hiện, chủ động thông báo đến cơ quan chức năng những trường hợp vi phạm.

Đối với việc học tập, nâng cao trình độ cho công nhân, Bộ đang triển khai song song các hình thức đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo chất lượng cao. Bên cạnh nỗ lực của người lao động về tự học tập, nâng cao trình độ thì Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bố trí nguồn lực cho đào tạo nghề.

Trao đổi làm rõ hơn, Thủ tướng cho rằng chính sách pháp luật về những vấn đề công nhân, người lao động nêu ra còn có nhiều bất cập nên thường xuyên phải rà soát, bổ sung, nội dung nào không còn phù hợp thì chỉnh sửa, hoàn thiện, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, hài hòa lợi ích của Nhà nước và sát với thực tế.

Giai cấp công nhân có đóng góp to lớn cho sự phát triển đất nước

{keywords}

Đồng chí Nguyễn Đình Khang phát biểu ý kiến.

Anh Lê Văn Lượng (TP Bắc Ninh, Bắc Ninh) bày tỏ băn khoăn, một bộ phận người dân còn nhìn nhận chưa đúng về vị trí của đội ngũ công nhân. Chia sẻ với suy nghĩ đó, Thủ tướng khẳng định giai cấp công nhân có đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước, cho xã hội và gia đình.

Nếu mỗi người thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, đóng góp bằng năng lực, khả năng thì nghề gì cũng cao quý, “Cháu cần cảm thấy tự hào vì lực lượng công nhân cống hiến rất nhiều cho đất nước, xã hội và mang lại lợi ích chính đáng, hợp pháp cho gia đình, bản thân” – Thủ tướng nói. Câu trả lời của Thủ tướng nhận được sự ủng hộ của các đại biểu.

Anh Nguyễn Đình Biên, công nhân tỉnh Nghệ An nêu ý kiến: Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo về công tác quy hoạch, triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân, nhất là người lao động ở các KCN, khu chế xuất. Ông Phạm Văn Lực, đại diện chủ đầu tư Dự án nhà ở xã hội Evergreen Bắc Giang nêu vướng mắc về giá bán, giá cho thuê nhà ở xã hội cho công nhân. 

{keywords}

Tại chương trình, đại biểu kiến nghị chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, nhà ở cho công nhân.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trao đổi: Để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo về bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Khuyến khích, ưu đãi để thu hút đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho công nhân mua nhà ở xã hội; ưu tiên về lãi suất, vay vốn cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội… 

Đồng chí Dương Văn Thái cho biết, hiện Bắc Giang có khoảng 250 nghìn công nhân đang làm việc ở các KCN, nhu cầu nhà ở rất lớn. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là quy định người xây dựng nhà ở phải ký hợp đồng với công nhân, trong khi có sự biến động lớn về lao động, khó quản lý. Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam làm rõ thêm, hiện còn nhiều vướng mắc, chồng chéo trong các quy định pháp luật về đầu tư công, đất đai, kinh doanh bất động sản, nhà ở, thuế… 

Thủ tướng tán thành với những đề xuất đó, do vậy trong thời gian tới Bộ Xây dựng tiếp thu, xem xét những bất cập về luật pháp để chỉnh sửa, giải quyết căn cơ, triệt để, giúp công nhân, người lao động có nhà ở, an cư lạc nghiệp.

Từ các điểm cầu, nhiều ý kiến gửi về chương trình, chị Vũ Thị Kim Anh (Vĩnh Phúc) đề nghị quy hoạch phát triển hệ thống khám, chữa bệnh, bệnh viện tại các KCN; cho các cơ sở thực hiện khám, chữa bệnh ngoài giờ, ngày nghỉ, được thanh toán BHXH giúp công nhân được chăm sóc sức khỏe kịp thời.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tiến hành rà soát hệ thống pháp luật về y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng và tiếp tục đầu tư nguồn lực (khoảng 14 nghìn tỷ đồng) cho mạng lưới y tế. Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế xem xét, chỉnh sửa, bổ sung về cơ chế, chính sách, căn cứ pháp lý theo hướng chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa và tập trung đầu tư hệ thống y tế tại các KCN.

Chị Trần Thị Toan (Bình Phước) nêu hiện có nhiều công nhân vướng vào vay tín dụng đen, lãi suất cao, đề nghị Chính phủ có chính sách để công nhân, người lao động tiếp cận nguồn tín dụng hợp pháp. 

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời: Mặc dù đã có nhiều biện pháp nhưng tình trạng tín dụng đen vẫn tồn tại. Nguyên nhân do một bộ phận người lao động có nhu cầu vay tiền mà không đáp ứng được điều kiện vay, thậm chí vay phục vụ mục đích không chính đáng… Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi cho công nhân, hoàn thiện hành lang pháp lý để người vay, công nhân, người lao động dễ tiếp cận; chỉ đạo các ngân hàng tạo điều kiện để công nhân thuận lợi hơn trong vay vốn và các khoản tín dụng. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động tăng cường phối hợp, triển khai đúng đối tượng, quản lý tốt vốn và trả nợ đúng hạn.

Thượng tướng Lương Tam Quang cho rằng tội phạm tín dụng đen hoạt động tinh vi, nhiều thủ đoạn, núp bóng các tổ chức cho vay… Bộ Công an áp dụng nhiều biện pháp ngăn ngừa, triệt phá các ổ nhóm tín dụng đen. Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân, công nhân, người lao động về phương thức, thủ đoạn tội phạm tín dụng đen. Cùng đó nắm chắc tình hình, đấu tranh xử lý loại tội phạm này, ngăn chặn hậu quả do tín dụng đen gây ra.

Phát biểu trước khi kết thúc buổi đối thoại, Thủ tướng biểu dương Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp tốt với tỉnh Bắc Giang và các địa phương, bộ, ngành tổ chức cuộc đối thoại bổ ích, ý nghĩa này. Các ý kiến được nêu ra đều rất đúng, trúng những vấn đề đang đặt ra cần tập trung giải quyết.

{keywords}

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các công nhân, người lao động tại điểm cầu Bắc Giang ngay sau buổi đối thoại.

Từ buổi đối thoại, trước hết cần rà soát hệ thống luật pháp liên quan đến công nhân, người lao động và có chỉnh sửa, bổ sung kịp thời. Các bộ, ngành, địa phương qua đối thoại nhìn nhận, đánh giá lại kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế để khắc phục. Những băn khoăn, yêu cầu, nguyện vọng của người lao động cần được sớm giải quyết, xử lý thỏa đáng.

Liên đoàn Lao động tiếp tục làm tốt việc quan tâm chăm sóc đời sống công nhân. Về phía công nhân, người lao động qua thực tế công tác, làm việc tiếp tục đóng góp ý kiến về những bất cập, chưa hợp lý trong chế độ, chính sách để cơ quan quản lý có thông tin kịp thời. 

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng 25 suất quà cho các công nhân, lao động hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Bắc Giang.

{keywords}

Thủ tướng tặng quà cho công nhân, người lao động khó khăn tại buổi đối thoại.

Trước đó, đầu giờ sáng, Thủ tướng và đoàn công tác đến thăm, tặng quà gia đình công nhân Sùng Mí Ná và Lù Thị Tịnh, đang ở trọ tại nhà ông Thân Văn Quang, thôn An Thịnh, xã Tiền Phong (Yên Dũng); thăm khu nhà ở xã hội dành cho công nhân của Công ty Fuji (Khu công nghiệp Vân Trung - Việt Yên). Thủ tướng ân cần thăm hỏi sức khỏe, công việc, thu nhập và căn dặn công nhân giữ gìn đoàn kết, kỷ luật lao động, chấp hành quy định của địa phương.

{keywords}

Thủ tướng và các đại biểu ấn nút khai trương chương trình "Giờ thứ 9+".

Cũng trong chương trình, Thủ tướng và các đại biểu ấn nút khai trương chương trình “Giờ thứ 9+”.

Chiều nay, Thủ tướng và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Nhóm PV XDĐ-NC

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ công nhân tại Bắc Giang
(BGĐT) - Ngày 12/6, tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại trực tuyến với công nhân lao động toàn quốc và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang. 
Sáng nay (12/6), Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ, đối thoại với công nhân cả nước tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang
Sáng nay, 12/6/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ, đối thoại với 4.500 công nhân - lao động tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang, kết nối trực tuyến đến 62 điểm cầu các tỉnh, thành phố cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc
Sáng 11/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (thị trấn Đồng Lộc, Can Lộc) và đến thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách ở Hà Tĩnh.
Ngày 12/6, Thủ tướng Chính phủ sẽ đối thoại với công nhân toàn quốc tại điểm cầu Bắc Giang
Chiều 9/6, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Chương trình Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với công nhân có chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước” và Chương trình "Giờ thứ 9+".
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...