Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính còn hạn chế

Cập nhật: 15:26 ngày 20/03/2023
Sáng 20/3, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án trong khuôn khổ phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa còn cao xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính còn rất hạn chế.
{keywords}

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn.

Có tình trạng thẩm phán tòa án các cấp nể nang, né tránh

Trả lời chất vấn của đại biểu Mai Phương Hoa (Đoàn Nam Định) về việc tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho biết, năm 2022, tỷ lệ xét xử án hành chính vượt 12,6% so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Hòa Bình nhìn nhận, tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa còn cao; có tình trạng thẩm phán tòa án các cấp nể nang, né tránh.

Tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa còn cao xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như việc chuẩn bị tài liệu của các bên không đủ, làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử. Luật quy định UBND các cấp phải cung cấp tài liệu, tuy nhiên, trong thực tế, việc cung cấp tài liệu này không đủ, không bảo đảm. Một nguyên nhân khác là sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính còn rất hạn chế.

“Để hạn chế tình trạng án hành chính bị hủy, sửa còn cao, đồng thời, nâng cao chất lượng xét xử án hành chính, cần thực hiện quy trình đối với vụ án hành chính ở cấp huyện thì giao cấp tỉnh xử lý, vụ án thuộc cấp tỉnh thì giao tòa chuyên biệt xử lý”, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nói.

{keywords}

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) chất vấn.

Dẫn báo cáo cho thấy, năm 2022, số vụ án thụ lý của toàn ngành Tòa án tăng 7,7% nhưng vẫn còn nhiều vụ bị giải quyết quá thời gian do nguyên nhân chủ quan, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) đề nghị cần làm rõ nguyên nhân và biện pháp khắc phục vấn đề này.

Trả lời chất vấn, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, nguyên nhân là do áp lực công việc quá nhiều, một thẩm phán cùng lúc phải giải quyết số lượng công việc quá quy định nên ảnh hưởng đến thời gian giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan khác là năng lực, trách nhiệm của một số thẩm phán còn yếu kém. Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho biết, về cơ bản, việc giải quyết án quá hạn đã được khắc phục, mỗi năm chỉ còn dưới 200 vụ việc bị quá hạn.

Về chất vấn của đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho rằng những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc giải quyết các vụ án hình sự, kinh tế, tham nhũng là do có sự chưa đồng đều trong nhận thức giữa các cơ quan tố tụng, đồng chí Nguyễn Hòa Bình cho biết, nhận thức khác nhau trong giải quyết một số vụ án hình sự là có thật.

“Luật quy định nguyên tắc, vấn đề chung, trong khi thực tiễn cuộc sống phong phú. Vì vậy, nhận thức pháp luật khác nhau là bình thường, không chỉ trong án hình sự", Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nói và cho biết, để khắc phục tình trạng này, Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành nhiều hướng dẫn, giải thích luật, ban hành án lệ; bên cạnh đó, các cơ quan tố tụng khác như điều tra, kiểm sát, luật sư cũng cần nâng cao nguồn lực thực thi để nhận thức pháp luật đầy đủ, chính xác, hạn chế nhận thức không đồng đều.

Về giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho biết, so với khối lượng công việc, biên chế của Tòa án hiện nay rất ít. Điều này tạo nên áp lực đối với hệ thống tòa án, ảnh hưởng chất lượng xét xử. Tòa án nhân dân Tối cao mong muốn Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền xem xét việc này, bảo đảm biên chế cho Tòa án.

{keywords}

Hình ảnh các điểm cầu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Xem xét áp dụng cơ chế giải trình tài sản của nghi can tham nhũng

Chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn ít, chưa đạt kỳ vọng theo mong muốn của Quốc hội và của người dân. Trả lời chất vấn của đại biểu, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nhận định, trên thế giới cũng như trong nước, rất khó có thể triệt để thu hồi tài sản tham nhũng.

Để tăng cường thu hồi tài sản tham nhũng, đồng chí Nguyễn Hòa Bình cho biết, pháp luật quy định chỉ thu hồi được những tài sản tham nhũng nếu như quá trình tố tụng chứng minh được tài sản đó có nguồn gốc từ tội phạm, do đó, việc chứng minh của cơ quan điều tra phải chất lượng, khẳng định được tài sản có được từ tham nhũng, tội phạm, vi phạm pháp luật.

Tham gia giải trình làm rõ thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, nhờ tổng hợp nhiều giải pháp, việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả khá tích cực, 5 tháng qua (tính từ tháng 10-2022 đến nay), đã thu hồi được hơn 17 nghìn tỷ đồng, tăng 12 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước đó.

{keywords}

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn.

Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng còn có vấn đề đặt ra, như số lượng tài sản lớn, nằm rải rác ở nhiều địa phương khác nhau; nguồn gốc, tính pháp lý của nhiều tài sản phức tạp; việc xác minh tài sản chung - riêng cũng khó khăn…

Để nâng cao hơn nữa công tác thu hồi tài sản tham nhũng, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục bám sát và thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 04-CT/TƯ của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”; thường xuyên báo cáo Chính phủ về những giải pháp thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp để thực hiện tốt hơn nữa công tác này...

Đồng thời, Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan dân cử, đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát nội dung này; hạn chế việc tẩu tán, giấu các tài sản trong các vụ tham nhũng, vụ án kinh tế...

Khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 20/3, trong khuôn khổ phiên họp thứ 21, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trình Quốc hội sửa đổi Luật Căn cước công dân tại kỳ họp thứ năm
Sáng 17/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 2 dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại kỳ họp thứ năm
Chiều 15/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Khai mạc Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 15/3, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Theo Hà Nội Mới
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...