Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

45 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chăm lo đời sống nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu

Cập nhật: 08:59 ngày 18/09/2014
(BGĐT) - Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, Đảng và Chính phủ phải lãnh đạo nhân dân ta ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh; có kế hoạch phát triển thật tốt kinh tế, văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân…
{keywords}

Vinh danh các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”                của dân tộc. Ảnh: Hồng Hiếu.                                                                                                                                             

“Đầu tiên là công việc đối với con người”

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng Đảng phải động viên toàn dân, giáo dục toàn dân, tổ chức toàn dân và dựa vào sức mạnh đoàn kết của toàn dân… để chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng, xây dựng những cái mới mẻ, tốt tươi. Trong những công việc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cần phải làm ngay sau khi chiến tranh kết thúc thì “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Con người mà Bác nói trước hết là nhân dân lao động và các tầng lớp nhân dân đi theo Đảng, đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến và kiến quốc. 

Người rất tự hào khi nói: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”.

Với trái tim đầy tình yêu thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu và đồng cảm với những gian lao, mất mát trong chiến tranh của nhân dân lao động. Người đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm để đồng bào phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Giữ đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”

Những lời căn dặn cuối cùng của Bác thấm đượm sâu sắc truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Trên cương vị người đứng đầu trực tiếp lãnh đạo các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh và gia đình liệt sĩ. Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến trước lúc đi xa, hầu như năm nào Bác cũng gửi thư, tặng quà tới thương binh và gia đình liệt sĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do”. 

Bác căn dặn, mỗi địa phương (TP, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp.

Trong cuộc sống, dù bận nhiều công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành cho thương, bệnh binh những tình cảm yêu thương, quý trọng vô cùng sâu nặng. Đến những nơi chữa bệnh, nuôi dưỡng thương, bệnh binh, Người ân cần thăm hỏi, động viên và tặng quà từ lương và tiền tiết kiệm của mình. Bác khích lệ bằng nhiều cách như nêu gương, biểu dương, khuyến khích, tặng huy hiệu của Người cho những thương binh khắc phục đau yếu, thương tật “tàn nhưng không phế”. Người còn căn dặn các thương, bệnh binh phải khiêm nhường, phải tỏ lòng biết ơn sự chăm sóc của đồng bào, đồng chí, không được ra vẻ công thần mà cần cố gắng khắc phục hoàn cảnh... 

45 năm qua, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta ra sức thực hiện Di chúc của Người. Đảng đã đề ra và lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công công cuộc đổi mới, đưa nước ta từng bước ra khỏi khủng hoảng, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.  

Trong sự nghiệp đổi mới, chúng ta thực thi nhiều chính sách mới đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Hiện tại, Đảng và Nhà nước đang tổng rà soát lại chính sách đối với người có công với cách mạng để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Di chúc của Bác.

Tư tưởng nhân văn cao cả trong Di chúc tiếp tục soi sáng trên mỗi chặng đường phát triển. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang nỗ lực vươn tới điều mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Chị Hoàng Thị Thu Hường, công chức phụ trách công tác Lao động, Thương binh - Xã hội thị trấn Vôi (Lạng Giang): Quan tâm đến các đối tượng chính sách
{keywords}

Hiện trên địa bàn thị trấn Vôi có 214 đối tượng chính sách, bao gồm thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Cấp uỷ, chính quyền thị trấn luôn làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, ghi nhớ công lao của các thế hệ đã anh dũng chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Các chế độ, chính sách do Nhà nước quy định được bộ phận chức năng cập nhật, theo dõi để triển khai đến từng cá nhân thuộc diện thụ hưởng.
Ngoài trợ cấp hằng tháng, những đối tượng này được hưởng đầy đủ các chế độ phụ cấp khác như: Hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình, chăm sóc sức khoẻ, cấp thẻ bảo hiểm y tế... Riêng trong năm 2014, chúng tôi đã hướng dẫn, tiếp nhận và chuyển cơ quan chuyên môn 47 hồ sơ đề nghị hưởng chế độ người có công, hoàn thiện 5 hồ sơ truy tặng và phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Bên cạnh đó, các đối tượng chính sách luôn nhận được sự tôn vinh, chăm lo, động viên của cộng đồng về vật chất và tinh thần. Những việc làm đó đã khơi dậy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, phát huy tinh thần đoàn kết, là hành động thiết thực thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Anh Vũ Văn Tuyên, thôn Lửa Hồng, xã Tự Lạn (Việt Yên): Ngôi sao “tam nông”   không dừng ở mô hình
{keywords}

Được nhận thầu gần 4.000m2 đất trũng, tôi cải tạo, chuyển đổi để nuôi trồng thuỷ sản. Hiện nay, nhờ nuôi ba ba kết hợp với cá giống, cá thương phẩm, mỗi năm gia đình tôi thu lãi từ 250 đến 300 triệu đồng. Trong quá trình đầu tư phát triển kinh tế, gia đình tôi cũng như nhiều nông dân khác được chính quyền, các đoàn thể quan tâm hỗ trợ. Chúng tôi được tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu; tiếp cận khoa học kỹ thuật mới; vay vốn từ ngân hàng với lãi suất phù hợp.
Do Nhà nước ban hành những cơ chế mới, nông dân có điều kiện mở mang kiến thức, từ đó thay đổi tư duy, tăng năng suất lao động. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp vẫn gặp một số khó khăn nhất định. Mong muốn của tôi là các cấp chính quyền tiếp tục đầu tư cho “tam nông”; chú trọng xây dựng và nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả kinh tế cao; hỗ trợ nông dân tìm đầu ra ổn định cho nông sản…  
  Quốc Trường - Vân Anh


Quang Long

                                                                         


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...