Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tận dụng cơ hội phát triển, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ CPTPP

Sáng nay, tại phiên họp thảo luận về Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại hội trường, bà Hoàng Thị Hoa, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang có bài phát biểu thảo luận về vấn đề này. Báo Bắc Giang Điện tử xin giới thiệu nội dung bài viết.

...Qua nghiên cứu Tờ trình của Chủ tịch nước, báo cáo thuyết minh của Chính phủ, báo cáo thẩm tra và các tài liệu về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tôi đồng tình với việc phê chuẩn Hiệp định này. Hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu của các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều điều ước, hiệp ước mà chúng ta đã ký kết và gia nhập. Trong quá trình đó đã có nhiều thành công, nhưng cũng còn những lĩnh vực đang là thách thức lớn. Vì vậy, tôi đề nghị khi phê chuẩn Hiệp định này, Chính phủ cần tăng cường tận dụng các cơ hội để phát triển, đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực. Tôi xin phân tích 2 nội dung như sau:

{keywords}

Đại biểu Hoàng Thị Hoa phát biểu tại phiên họp sáng 5-11.

Thứ nhất cần phải tạo cơ chế để liên kết trong sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực

Một là, tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành, vùng kinh tế, chúng ta có quy hoạch 4 vùng kinh tế trọng điểm, đó là phía Bắc miền Trung, phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng đến nay khi tổ chức thực hiện, cần xây dựng cơ chế liên vùng cho chính sách ưu tiên như đầu tư kết cấu hạ tầng, phân bố lực lượng sản xuất chung toàn vùng. Thông qua quy hoạch, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, hình thành thị trường lao động, bảo vệ môi trường chung.

Hai là, liên kết hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ nông dân để tập trung ruộng đất có quy mô phù hợp với loại hình sản xuất mà ở đó người nông dân được sản xuất trên chính mảnh đất của mình được hưởng thành quả trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, Nhà nước cần tập trung xây dựng các chính sách để khuyến khích mô hình này. Nếu được sẽ tác động tháo gỡ điểm nghẽn về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, về vốn, tín dụng về xây dựng chuỗi giá trị thương hiệu nông sản.

Ba là, liên kết giữa các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp, hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ giữa các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học và các doanh nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và nghiên cứu khoa học cho sự phát triển của doanh nghiệp. Các nước phát triển trên thế giới đều quan tâm, thúc đẩy các hoạt động hợp tác này. Nhiều trường đại học đã có liên kết với các doanh nghiệp, có trường đại học đã có mối liên kết với hàng trăm doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ trong hoạt động đào tạo nhân lực tại nhiều quốc gia trên thế giới. Chính phủ cần tạo cơ chế để sự liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp thúc đẩy quá trình hợp tác một cách toàn diện và hiệu quả, nhằm thực tiễn hóa đội ngũ giảng viên và sinh viên trong các trường đại học, trí thức hóa đội ngũ công nhân trong doanh nghiệp.

Thứ hai là đổi mới đầu tư cho văn hóa, quan tâm phát triển công nghiệp sáng tạo

Các nhà kinh tế học hiện nay nhìn chung đã thống nhất quan điểm cho rằng tri thức là đầu vào cơ bản của sản xuất và của nền kinh tế. Ở các nước phát triển, đối với những sản phẩm có hàm lượng cao về trí tuệ, giá trị tri thức kết tinh trong sản phẩm này ngày càng chiếm tỷ trọng lớn lên tới 80-90% khi giá trị nguyên liệu, năng lượng, lao động phổ thông chỉ chiếm 10-20%. Công nghệ cao, công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng rộng rãi và đóng vai trò quan trọng. Tri thức và khoa học công nghệ cùng với lao động có kỹ thuật cao là lực lượng sản xuất trực tiếp và quyết định. Phát triển công nghiệp sáng tạo là hoạt động bắt nguồn từ sự sáng tạo, kỹ năng và năng khiếu của cá nhân, có tiềm năng tạo ra của cải, việc làm qua quá trình khai thác tri thức, là sự kết nối giữa văn hóa với thương mại và công nghệ để tạo ra lợi nhuận. Bởi vậy, cần tạo nên không gian sáng tạo cho cá nhân, hỗ trợ thông qua chính sách, giúp người sáng tạo có thể chuyển tải tri thức, công trình của mình đến với công chúng.

Trước đây, khi nói về sức mạnh của mỗi quốc gia, người ta thường liên hệ đến thực lực kinh tế, quân sự, dân số đông hoặc nhiều nguồn tài nguyên, đất đai nhưng đến nay người ta nhắc đến nguồn lực của sức mạnh mềm, xuất phát từ văn hóa với các giá trị về mặt chính trị gồm hệ tư tưởng, thể chế, các chính sách đối nội, đối ngoại, các chính sách xây dựng nền kinh tế phát triển, bảo đảm hiệu ứng tốt cho lan tỏa, tạo sức hút của các quốc gia đối với các quốc gia cộng đồng khác. Chính sách ngoại giao là công cụ hiệu quả để tạo ra sức hấp dẫn cho một quốc gia nếu chính sách đó được coi là có uy tín và kèm theo các giá trị về đạo đức.

Trong số các nguồn lực của sức mạnh mềm, văn hóa có vai trò quan trọng. Văn hóa biểu hiện sức sống, sức sáng tạo, sức mạnh tiềm năng và vị thế, tầm vóc của một dân tộc. Công nghiệp sáng tạo đòi hỏi phải thay thế tư duy cũ khi coi văn hóa chỉ nhận sự trợ cấp chứ không phải một ngành kinh tế có đầu tư sinh lợi nhuận. Do đó, văn hóa phải được coi là một bộ phận của nền kinh tế, bởi vậy các quốc gia trên thế giới đã và đang thay đổi tư duy về quản lý, đề ra những chính sách phát triển văn hóa. Trong chính sách đó, văn hóa được đầu tư với vai trò là một ngành kinh tế trọng yếu trong cơ cấu kinh tế của đất nước. Đổi mới tư duy về văn hóa sẽ đưa đến việc đầu tư có chính sách cụ thể, chiến lược nhằm phát triển kinh tế thông qua văn hóa. Lĩnh vực văn hóa không còn là lĩnh vực xếp cuối cùng trong danh sách đầu tư và xếp đầu tiên trong danh sách cắt giảm ngân sách.

Với Việt Nam, năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, là bước chuyển về thể chế quan trọng trong tiến trình phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, sự phát triển này chỉ thực hiện khi có cả ba yếu tố, đó là chính sách, vai trò sáng tạo của nghệ sĩ, tổ chức văn hóa nghệ thuật, sự phát triển của các doanh nghiệp. Đồng thời, cần xây dựng nguồn lao động có tri thức, có kỹ thuật, có tay nghề và xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Xây dựng văn hóa trong gia đình, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở... Vì vậy, Chính phủ cần có những đánh giá, đi sâu phân tích để thực hiện thành công chiến lược này khi hiệp định được thực hiện, góp phần vào thành công trong hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng ở nước ta. Quan tâm đầu tư xây dựng nền văn hóa như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ từ hơn 70 năm về trước, đó là "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". 

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP
“Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa ta với các nước thành viên CPTPP, đặc biệt là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược với ta”, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
 
Các lợi ích cốt lõi của Việt Nam được bảo đảm khi tham gia CPTPP
Sáng 5-11, tiếp tục kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. "Các lợi ích cốt lõi của Việt Nam được bảo đảm khi tham gia CPTPP" là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khi báo cáo giải trình trước Quốc hội về vấn đề trên.
 

(Tiêu đề do Tòa soạn tự đặt) 

Hoàng Thị Hoa

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...