Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 31 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đề nghị tiếp tục đánh giá khả năng cân đối nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia

(BGĐT)- Sáng 3-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đồng chí Trần Văn Lâm, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã phát biểu tham luận xung quanh việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) còn lại và 10.000 tỷ đồng điều chỉnh giảm nguồn bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. 
Báo Bắc Giang điện tử giới thiệu nội dung tham luận.

Thứ nhất, đối với 10 ngàn tỷ đã bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, nay thu hồi lại thì việc sử dụng đã được Quốc hội xem xét Quyết định tại Nghị quyết số 71/2018/QH14 về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 tại kỳ họp thứ 5 năm ngoái.

{keywords}

Đồng chí Trần Văn Lâm, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang phát biểu tham luận tại hội trường.

Tại Điều 3 của Nghị quyết 71 về việc sử dụng nguồn vốn này, Quốc hội đã giao Chính phủ cân đối nguồn, xây dựng danh mục, dự kiến mức vốn cho các dự án, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong đó có cả nội dung thanh toán nợ giải phóng mặt bằng một số dự án thuộc nghĩa vụ của ngân sách Trung ương và hỗ trợ giải phóng mặt bằng một số dự án cấp bách.

Như vậy, Quốc hội không cần phải xem xét lại vấn đề này. Thẩm quyền thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ hai, về phân bổ dự phòng chung vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương: Tại Điều 2 của Nghị quyết 71 về nguyên tắc, thứ tự ưu tiên phân bổ nguồn vốn này, Quốc hội đã chỉ rõ: “Việc bố trí nguồn vốn dự phòng này phải bảo đảm cân đối được nguồn trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm”.

Theo báo cáo của Chính phủ, tới nay, khả năng cân đối vốn trung hạn nguồn đầu tư từ ngân sách Trung ương sẽ thiếu khoảng 105,05 ngàn tỷ đồng (bằng 13,84 % kế hoạch đầu tư công trung hạn).

Như vậy, việc đề nghị tiếp tục phân bổ 67.546 tỷ đồng nguồn dự phòng đầu tư ngân sách trung ương trong nước là không khả thi về nguồn.

Việc Chính phủ báo cáo sẽ bù đắp từ nguồn dự phòng khác, tăng thu, tiết kiệm chi (nếu có); hoặc sẽ cân đối bằng nguồn vốn giai đoạn (2021-2025) là thiếu thuyết phục do: Khả năng mất cân đối rất lớn, tới 155 ngàn tỷ. Trong khi thu Ngân sách phần của Trung ương liên tục 3 năm 2015, 2016, 2017 đều không đạt dự toán. 

Còn tiết kiệm chi: Cho tới nay đã là năm gần cuối kỳ kế hoạch, vẫn chưa thấy có gì đột phá. Còn việc ứng trước ngân sách của kỳ sau, năm sau, Luật Ngân sách nhà nước quy định rất ngặt nghèo là chỉ để thực hiện các dự án quan trọng Quốc gia, các dự án cấp bách, và việc ứng cũng không quá 20 % dự toán chi đầu tư xây dựng năm thực hiện của Kế hoạch nguồn ngân sách đã được phê duyệt; không được ứng trước dự toán năm sau khi chưa thu hồi hết số ngân sách đã ứng trước.

Vậy trong số các dự án sẽ bổ sung này liệu có bao nhiêu dự án quan trọng quốc gia, dự án cấp bách để được ứng ngân sách; và liệu năm 2020 NSNN đã thu hồi hết số ứng trước để tiếp tục ứng mới hay không ? Nguyên tắc trong quản lý ngân sách là nếu không bảo đảm về nguồn thì phải giảm chi. Nếu cứ bổ sung dự án khi không có nguồn chắc chắn sẽ dẫn đến dàn trải, kém hiệu quả trong đầu tư công.

Hơn nữa, mặc dù Nghị quyết 71 đã ban hành được một năm nhưng đến nay, khi đề nghị phân bổ nguồn mà Chính phủ vẫn chưa có danh mục dự án để trình theo như quy định của pháp luật. Phải chăng Chính phủ cũng không tự tin trong việc đề nghị phân bổ này?

Kính thưa Quốc hội, do thời gian cũng đã gấp, cũng đề phòng khi có nguồn mà không được sử dụng thì lãng phí, tôi đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ tiếp tục đánh giá khả năng cân đối nguồn, để có nguồn đến đâu thì chuẩn bị dự án đến đó, sau đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo lại Quốc hội tại kỳ họp gần nhất, để bảo đảm kịp thời và cũng là để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành trong vấn đề này.

Quốc hội không nên giao hết để Chính phủ tự phân bổ tự chịu trách nhiệm. Làm như vậy Quốc hội cũng sẽ không hoàn thành nhiệm vụ; có khi lại là đẩy khó cho Chính phủ.

Theo tôi trên cơ sở cách xử lý tình huống này, Quốc hội cần cụ thể hóa vào Luật Đầu tư công đang nghiên cứu, sửa đổi việc xử lý, phân bổ dự phòng trong các kỳ ngân sách tới được thuận lợi, chặt chẽ, hiệu quả.

Thứ ba, về sử dụng nguồn đầu tư trung hạn vay ODA và vay trong nước

Tại kỳ họp thứ 5, Chính phủ đã đề nghị và được Quốc hội chấp thuận cho tăng sử dụng vay ODA 60 ngàn tỷ (tối đa); khi tăng nguồn này thì giảm tương ứng vốn vay trong nước từ trái phiếu Chính phủ để bảo đảm an toàn nợ công.

Quốc hội đã đồng ý về chủ trương này tại Nghị quyết 71 nhưng nay Chính phủ báo cáo lại là chỉ tăng một phần nhỏ trong tổng mức 60 ngàn tỷ trên (14.029 tỷ). Trong khi cũng còn tới 63.240 tỷ nguồn trái phiếu Chính phủ mà Chính phủ chưa phân bổ trong tổng 260 ngàn tỷ kế hoạch cả 5 năm.

Như vậy, xem ra có sự lúng túng, thiếu nhất quán trong việc bố trí sử dụng vốn vay ngân sách trung ương đầu tư. Chính phủ cũng báo cáo sẽ không sử dụng hết số vốn Trái phiếu Chính phủ trung hạn. Vậy đâu là nguyên nhân và tác động của nó như thế nào tới việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn nói riêng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cả nhiệm kỳ. Đề nghị Chính phủ làm rõ.

Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng: Cần có lộ trình khi tăng tuổi nghỉ hưu
(BGĐT) - Đó là ý kiến của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng khi thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Ngoài lộ trình, theo bà, cũng cần tính đến cả việc làm của lao động trẻ khi tăng tuổi nghỉ hưu.
 
Đại biểu Ngô Sách Thực: Nỗ lực hơn nữa vì sự hài lòng của người dân
(BGĐT) - Ngày 31-5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Tại đây, đại biểu Ngô Sách Thực (đoàn Bắc Giang) đã phát biểu ý kiến về một số giải pháp phát triển nâng cao sự hài lòng của người dân.
Báo Bắc Giang điện tử giới thiệu nội dung bài phát biểu.

 
Đại biểu Quốc hội cảnh báo sự xuống cấp đạo đức, nhân cách xã hội
Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (đoàn Hòa Bình) cho rằng, sự xuống cấp đạo đức, nhân cách trong xã hội đã đến mức "báo động".
 
Đại biểu Leo Thị Lịch: Chính sách phải gắn liền với thực tiễn
Phát biểu tại phiên họp toàn thể Quốc hội sáng 31-5, đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) cho biết, hiện vẫn còn một số chính sách đã hơn 3 năm ban hành chưa có nguồn lực để triển khai thực hiện...
 
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nỗ lực giữ 94% đàn lợn sạch không lây lan dịch tả châu Phi
Ngày 31-5, tại phiên thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã giải trình về vấn đề đối phó với dịch tả lợn châu Phi đang lây lan ở 48 tỉnh, thành phố. Theo Bộ trưởng, điều quan trọng là không để dịch bệnh lây lan, giữ được gần 94% đàn lợn sạch và giảm thiểu thiệt hại kinh tế.
 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...