Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng: Xác định những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật

(BGĐT) - Sáng nay (30-10), tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã phát biểu tham luận tại hội trường vấn đề ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Báo Bắc Giang xin trân trọng giới thiệu bài tham luận này.

...Tôi tán thành với báo cáo KT-XH và báo cáo của Ủy ban Kinh tế thẩm tra kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kết quả phát triển KT-XH năm 2019 và dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020. Tại phiên thảo luận này, tôi xin đóng góp vào vấn đề ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở một số nội dung cụ thể:

{keywords}

Bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang phát biểu tham luận vấn đề ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại hội trường.

Trong phần kết quả đạt được, Chính phủ đã nêu một trong 5 đột phá chiến lược trong thời gian qua được chú trọng và triển khai tích cực có hiệu quả đó là: “Nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật được xác định là trọng tâm, ưu tiên hàng đầu” được tập trung chỉ đạo theo hướng điều chỉnh vai trò của Nhà nước ngày càng phù hợp hơn, giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường.

Qua thực tiễn có thể nói trên cơ sở thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2015 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Chính phủ đã trình Quốc hội 25 luật, trong đó thông qua 17 luật. Công tác chuẩn bị, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng các nội dung như: Mức độ thể chế hóa, sự phù hợp của các dự thảo văn bản với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi, đồng bộ, thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan; sự cần thiết, tính hợp lý và tuân thủ các thủ tục hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực và thực sự hiệu quả.

Tuy nhiên, trong báo cáo KT-XH năm 2019 cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại về quy trình ban hành văn bản pháp luật và một số quy định pháp luật còn bất cập . Nhận định, đánh giá trên là hoàn toàn chính xác thể hiện ở một số nội dung sau:

Thứ nhất, còn tình trạng xin lùi, rút hoặc bổ sung dự án vào Chương trình và nhất là tình trạng “nợ đọng”, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh của một số Bộ, ngành chưa được khắc phục; tính đến 31-8-2019, còn 10 nội dung trong 6 Luật chưa được quy định chi tiết, trong đó Chính phủ chưa ban hành văn bản quy định chi tiết 5 nội dung (chiếm 50%)…. Bên cạnh đó, một số nội dung còn nợ văn bản quy định; chi tiết này cũng đã được đề cập trong Báo cáo số 1767 của Ủy ban Pháp luật về giám sát văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật được Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ khóa XIII do Ủy ban Pháp luật chủ trì thẩm tra nhưng đến nay vẫn chưa được quy định chi tiết, cụ thể như: Luật Lưu trữ có hiệu lực từ 6-1-2012 còn nợ 1 nội dung chậm hơn 7 năm, Luật Thủ đô có hiệu lực 1-7-2013 còn nợ 3 nội dung, 1 nội dung ban hành thiếu, chậm hơn 6 năm…

Thứ hai, việc tổ chức lấy ý kiến trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là một quy trình quan trọng và có ý nghĩa đã được quy định cụ thể trong Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP với nhiều quy định mới, tiến bộ, hợp lý nhằm tăng cường tính dân chủ, phát huy trách nhiệm của công dân cũng như bảo đảm tốt hơn sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm đúng mức, việc thực hiện còn nhiều hạn chế, bất cập, còn mang tính hình thức, ví dụ: việc lấy ý kiến bằng hình thức dự thảo đăng trên cổng thông tin điện tử hiện nay thời gian rất ít, tôi biết có những văn bản hầu như không lấy được ý kiến tham gia nào.

Thứ ba, trong quá trình lập chương trình, một số dự án chưa được nghiên cứu, tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, tác động của chính sách trong dự án luật; chất lượng một số dự án luật chưa được Quốc hội đánh giá cao, có dự án phải chuyển quy trình theo hướng tăng số kỳ thảo luận.

Thứ tư, việc gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội rất chậm so với quy định; có dự án gửi hồ sơ sát với phiên họp thẩm tra, phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc kỳ họp của Quốc hội nên các vị đại biểu có ít thời gian để nghiên cứu, ví dụ cụ thể như: Gần đến ngày khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, vẫn còn 4/15 hồ sơ dự án luật chưa được gửi tới các đại biểu Quốc hội (các dự án: Luật Thuỷ sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Quy hoạch).

Thứ năm, chất lượng thẩm định tuy đã từng bước được nâng cao, nhưng chưa thực sự đồng đều, đôi khi chưa chú trọng đúng mức đến tính khả thi, tính hợp lý của các chính sách và quy định trong dự thảo văn bản …

Qua những nghiên cứu đánh giá ở trên, tôi rất đồng tình với việc Chính phủ xác định trong dự kiến phương hướng nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2020 “Đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện thể chế…”. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, hội nhập. Tiếp tục rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện và thực thi có hiệu quả các cơ chế, chính sách…”. Để đạt được mục tiêu đó, tôi đề nghị Chính phủ cần xác định những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và tổ chức thực hiện đồng bộ, trong đó quan tâm một số nội dung sau:

Một là, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu toàn diện ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương về các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP còn bất cập, thiếu khả thi để tham mưu trình Quốc hội có sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật kỳ họp này, bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng thời nâng cao giá trị pháp lý của văn bản thẩm định và bảo đảm trách nhiệm “đến cùng” của cơ quan trình dự thảo.

Hai là, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành pháp luật với phương châm là người đứng đầu các Bộ phải trực tiếp chỉ đạo việc biên soạn các văn bản quy định chi tiết, nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ phải chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội và chịu trách nhiệm kỷ luật trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ba là, tiếp tục triển khai tích cực nhóm giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định, thi hành văn bản quy phạm pháp luật như: Nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án Luật, Pháp lệnh đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tránh để xảy ra tình trạng xin rút, xin lùi hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều dự án trong chương trình.

Bốn là, kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống pháp luật và các thiết chế, cơ chế liên quan đáp ứng yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế. Kịp thời xử lý các văn bản có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, trái với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn; đồng thời, xác định rõ trách nhiệm các cơ quan tham mưu; cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản trái pháp luật.

“Dứt khoát phải xử lý hình sự hành vi sử dụng súng tự chế“
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), công an các địa phương phát hiện được nhiều vụ gây thương tích, giết người bằng các loại súng tự chế.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này nhằm khắc phục một số vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Tổ chức Quốc hội, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Quốc hội chọn 4 lĩnh vực để tiến hành chất vấn tại kỳ họp thứ 8
Chiều 28-10, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thông tin với báo chí cho biết, Quốc hội đã lựa chọn 4 lĩnh vực để tiến hành chất vấn tại kỳ họp thứ 8, gồm: Nội vụ, công thương, nông nghiệp và PTNT, thông tin và truyền thông.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...