Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tạo điều kiện để phát triển Thủ đô nhanh, bền vững

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, sáng 12/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Các đại biểu đều cơ bản tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm tạo điều kiện để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học của đất nước.

{keywords}

Quang cảnh kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nhấn mạnh: Hà Nội là địa phương duy nhất có luật là Luật Thủ đô. Năm 2017, Chính phủ cũng đã có Nghị định 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Ba năm thực hiện Nghị định cho thấy một số kết quả bước đầu trong việc huy động nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng các quy định về cơ chế tài chính, chính sách chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển của Hà Nội. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Hà Nội đang đứng trước những thách thức như: tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững, tình trạng quá tải của hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội nhất là hạ tầng đô thị do gia tăng dân số cơ học; quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn..., quyền hạn, nguồn lực được giao chưa tương đồng với vai trò, trách nhiệm nặng nề của Thủ đô cũng như cả nước và các vùng lân cận. 

Do vậy, đại biểu ủng hộ việc xem xét, bổ sung cơ chế chính sách về tài chính - ngân sách cho phép Thủ đô huy động nguồn tài chính để đầu tư phát triển theo hướng tăng tính chủ động về ngân sách cho thành phố phù hợp với thực tế.

Với ý kiến cho rằng nên chăng chỉ dành cơ chế đặc thù này cho các tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn để giúp các tỉnh đó vươn lên, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu quan điểm: “Địa phương nào cũng có đặc thù nhưng mỗi địa phương có điều kiện khác nhau thì cơ chế có những quy định riêng cho địa phương đó. 

Thực tế cho thấy, việc ban hành văn bản, cơ chế chính sách không thể phù hợp với tất cả các địa phương. Vì thế, cơ chế đặc thù được coi là sự bổ khuyết và cho phép các địa phương năng động hơn, phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn”.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng nhìn nhận, thời gian gần đây “có quá nhiều cái gọi là đặc thù, ít nhiều gây hiểu lầm như đặc quyền, đặc lợi”. Do vậy, ông đề nghị không nên dùng từ “đặc thù” và nên bỏ từ “đặc thù” trong dự thảo nghị quyết. 

“Đây không phải né tránh mà là cơ chế, chính sách cho địa phương nào riêng cho địa phương ấy. Tên gọi Nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách tài chính -ngân sách đối với thành phố Hà Nội là đủ”, đại biểu cho biết.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng cho rằng Chính phủ cần cân nhắc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô cho kịp thời, phù hợp với điều kiện phát triển của thành phố trong thời gian tới.

Tán thành việc thông qua dự thảo Nghị quyết, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phân tích, dự thảo Nghị quyết đề xuất 9 cơ chế đặc thù thì có 7 cơ chế có tính tương đồng với nhiều cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nội dung khác biệt so với Nghị quyết số 54/2017/QH14 là việc Hà Nội xin sử dụng kinh phí chi thường xuyên còn dôi dư để đầu tư cho các công trình cấp bách. Ông chỉ rõ: “Tôi thấy thực chất đây là (chuyển) tiền tiết kiệm chi thường xuyên cho chi đầu tư, chúng ta khuyến khích việc này, vì vậy không có lí do gì để không đồng tình”.

Một điểm khác biệt nữa là Hà Nội xin đề xuất sử dụng ngân sách của thành phố để hỗ trợ cho địa phương khác trong điều kiện gặp khó khăn. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, điều này thể hiện rõ tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước” nên việc thông qua không có gì khó khăn. Ngoài ra, 7 cơ chế còn lại có sự tương đồng trong Nghị quyết 54 và Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng hiệu quả thì "không có lý do gì phải băn khoăn” khi áp dụng cho Hà Nội.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhấn mạnh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn được coi là “nhà mặt tiền của quốc gia", có vị thế, vị trí hơn hẳn các địa phương khác. Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, là trái tim của cả nước. “Trái tim không khỏe thì cơ thể không thể khỏe được”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu cũng cho rằng xin cơ chế là đúng nhưng xin cơ chế khác với xin nguồn lực, phải đánh giá rõ ràng. Điều quan trọng hiện nay là phải phát huy vai trò cấp ủy, chính quyền, người lãnh đạo, phát huy được sự phấn đấu của người dân.

Bên cạnh đó, tới đây, Hà Nội sẽ tăng thêm một số khoản thu, đặc biệt phí và lệ phí thì tác động như thế nào đối với doanh nghiệp, người dân sống trên địa bàn Hà Nội. “Liệu với cơ chế này thì các doanh nghiệp có tiếp tục coi Hà Nội là điểm đến hấp dẫn không? hay sẽ chuyển sang các tỉnh lân cận để hưởng các ưu đãi khác”, đại biểu băn khoăn.

Tại phiên họp, có đại biểu đề nghị cần có quy định về quyền ban hành phí, lệ phí hợp lý hơn, tránh quy định quá cao và cần có sự đồng thuận của nhân dân; đề nghị giao cho thành phố rà soát, ưu tiên một số chính sách. Các chính sách này nên đánh giá đầy đủ, sát với tình hình thực tế. Một số ý kiến đề nghị sớm sửa Luật Thủ đô để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Làm rõ đối tượng được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Sáng 11/6, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại tổ về nội dung này.
Thay đổi nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường
Sáng 11/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia
Với 95,65% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Theo TTXVN

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...