Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đọc "Nhật ký trong tù", học cách vượt khó của Bác Hồ

(BGĐT) - Sau ngày Bác Hồ tạ thế, Đảng và chính phủ vận động toàn dân "Sống, học tập, làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại". Cuộc vận động rộng và bền lâu. Cũng đã nhiều cuộc sơ kết, tổng kết, đánh giá và mừng cho những gì đã đạt.
{keywords}

Bác Hồ đi công tác tại chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu.

Tuy nhiên, trong chiều sâu hình thành nếp sống xã hội hay nhân cách con người hôm nay, tác động của cuộc vận động này chưa nổi rõ. Bởi lẽ muốn học theo một gương sống không thể ồ ạt phát động là xong mà phải là việc của từng người. Tự tìm ra những gì mình có thể học ở Bác. Học trong cách nghĩ việc đời, cách ứng xử với hiện thực mình đang sống.

Muốn thế một việc ai cũng phải làm là nhận cho ra tình cảm, ý nghĩ, hành vi ứng xử của Bác trước mỗi sự kiện. Sách báo và các chuyên gia đã cung cấp khá nhiều thông tin cho chúng ta hiểu về Bác Hồ. Nhưng cũng chỉ là tham khảo. Nhìn người, đánh giá con người thì có ai giống ai hoàn toàn. Cứ phải tự mình mà tìm ra điều tâm đắc. Rất may là ở Hồ Chí Minh, dân ta được đọc một tập nhật ký ghi trong 13 tháng của Người, từ 29-8-1942 đến 10-9-1943. Ấy là cuốn "Nhật ký trong tù", viết bằng thơ, chữ Hán - "Ngục trung nhật ký". Đây là một thuận lợi để mỗi người dân có thể trực tiếp nghe tâm sự ngày thường của lãnh tụ.

Các vị chính khách, nhất là ở tầm nguyên thủ, không mấy ai lại đưa nhật ký cho đời xem đâu. Họ viết là viết hồi ký, công bố hồi ký. Hồi ký là nhớ lại mà viết, nên có điều kiện chọn lựa, sàng lọc sự kiện. Chứ nhật ký là ghi ngay, trung thực, những việc hàng ngày. Người thường cũng không mấy ai tự công bố nhật ký của mình. Đem phơi chuyện riêng tư của mình ra thiên hạ, nhiều phiền toái lắm. Ngay Viện Văn học được phép dịch và công bố cuốn nhật ký bằng thơ này của Bác, trong lần đầu cũng đã ngần ngại giấu đi một số bài, có lẽ vì những lý do chính trị thời điểm, mà cũng có thể vì những những chuyện thấy quá riêng tư.

Bác Hồ không có ý định làm thơ. Tập "Nhật ký trong tù" ra đời như một sự bất đắc dĩ

Ngâm thơ ta vốn không ham

Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây

Ngày dài ngâm ngợi cho khuây

Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.

Nhưng đây lại là một tập thơ chất chứa một bản lĩnh tâm hồn lớn. Học phong cách sống Hồ Chí Minh khi Người là nguyên thủ quốc gia, là anh hùng dân tộc e khó vì địa vị hoàn cảnh của Người có quá nhiều khác biệt với ta. Nhưng khi còn ở buổi hàn vi, như trong tập nhật ký này, Người cũng vất vả lầm lụi như chúng ta, hẳn cách ửng xử của Người trước hiện thực sẽ gợi ý cho cách sống chúng ta nhiều lắm. Tôi nghĩ mỗi người dân tìm vào đây, chắc chắn đều thấy, ít nhất một vài nguyên lý đối nhân xử thế của Bác mà mình có thể học được.

"Nhật ký trong tù" có nhiều chi tiết đời sống gợi cho ta cách nghĩ, cách làm để vượt qua những tình thế khó khăn của thường ngày. Trong đời mỗi người, sức khỏe, thời gian, tiền bạc, lòng ham thích, sự đau buồn... đều có sức làm mất tự do của chúng ta. Phải vượt qua các thứ ấy. Vượt qua bằng sức mạnh tinh thần, bằng tài năng và ý chí. Trong đời sống thường ngày như trong tập nhật ký thơ này cũng như trong những tình thế lịch sử có lưu dấu ở thơ Bác qua hai cuộc kháng chiến, chúng ta luôn bắt gặp ở Người một tư thế chủ động, không để những khó khăn khống chế. Ngặt nghèo mấy, Cụ Hồ cũng tìm ra giải pháp có ích nhất, thiết thực nhất và luôn luôn có tính khả thi, nghĩa là mỗi chúng ta đều có thể học và áp dụng.

Ví dụ đầu tiên chính là lý do xuất hiện tập thơ này... Trong cuốn hồi ký "Vừa đi đường vừa kể chuyện", có ghi lại lời Bác Hồ nói về tập thơ này “Mười mấy tháng bị nhốt trong cái phòng u ám và quạnh hiu, một mình một bóng, không được nói chuyện với ai, không có việc gì làm. Muốn du lịch thì đi dọc chỉ năm bước, đi ngang bốn bước. Để tiêu khiển ngày giờ chỉ có cách nghêu ngao, vắn tắt ghi lại sinh hoạt của người ở tù, cho khuây khỏa thế thôi, phải thơ phú gì đâu". Như vậy, viết nhật ký trong tù, theo cách đánh giá của chính tác giả, chỉ là một cách “tiêu khiển ngày giờ” và Cụ không coi đó là văn chương. Tôi nghĩ đây chỉ là cách nghĩ khiêm nhường của Bác Hồ. Chứ ở tập Nhật ký gọi là “nghêu ngao ghi lại” này bộc lộ một tâm hồn thơ, một bản lĩnh sống, đã đành, mà còn thể hiện một lý luận khá hệ thống về chức năng thơ, về thi pháp biểu hiện, nghĩa là người viết có ý thức sáng tạo văn chương. Cho nên, bằng vào sự khai sinh tập thơ này, chúng ta có thể thấy nghệ thuật tận dụng thời gian của Hồ Chí Minh. Bác đã dùng thời gian trong tù, vốn là thời gian bị tước đoạt, để làm thơ.  Sau này, trong kháng chiến chống Pháp, việc quân bận rộn, Cụ Hồ từng phải khất với thơ: Trăng vào cửa sổ đòi thơ / Việc quân đang bận xin chờ hôm sau. Quả thật, không có thời gian ở tù, không dễ Cụ Hồ có điều kiện làm thơ, tới nghệ thuật tận dụng thời gian, thực chất nó là nghệ thuật sống.

Ví dụ khác trong bài "Mới đến nhà lao Thiên Bảo":

Năm mươi ba cây số một ngày

Mũ áo dầm mưa, rách hết giày

Lại khổ thâu đêm không chỗ ngủ

Ngồi trên hố xí đợi ngày mai.

Chúng ta lại thấy cách ứng xử của Cụ Hồ trong một không gian bó buộc. Bài thơ này không hấp dẫn ta bằng nghệ thuật ngôn từ hay hình ảnh mỹ lệ mà lại bằng ý nghĩ, hành động của tác giả. Bốn câu thì ba câu chỉ kể việc, như văn báo chí. Lượng thông tin trần trụi (53km, mưa ướt hết quần áo, đường xa rách tan đôi giày) nhưng lượng tâm hồn gần như không. Phải đến câu cuối ta mới gặp thơ, nguyên văn chữ Hán là: "Xí khanh thượng tọa đãi triêu lai". Đặc trưng của thơ là tính đa nghĩa. "Đãi triêu lai" là đợi ánh bình minh đến. Bản Nam Trân dịch là đợi ngày mai cũng thoát nghĩa. Ngày mai có ba cấp ý nghĩa: Nghĩa đen là đợi cho qua cái đêm ấy, cái đêm không có chỗ nằm trong nhà giam vì đến muộn. Nghĩa bóng thứ nhất: Ngày mai là ngày ra tù. Nghĩa bóng thứ hai ngày mai là ngày cách mạng thành công, đất nước độc lập. Nghĩa là đêm đó, trong môi trường ấy, Bác vẫn tính đường đi nước bước cho cách mạng, cho ngày mai của toàn dân tộc… Nhưng điều chúng ta ngẫm nghĩ ở đây lại là mối tương quan giữa vị trí người tù đang trú thân với cái nơi tâm trí người tù đang hướng đến. Điều Cụ Hồ bận tâm khi ấy không phải là cái chỗ Cụ đang ngồi mà là cái đích Cụ đang đặt tâm trí tới. Tôi chắc cũng nhờ “thủ pháp" quên chỗ mình ngồi ấy mà đêm đó Cụ Hồ không bị mùi "xí khanh" phòng giam hành hạ. Bài học này chắc ai cũng học được vì ai mà chẳng có lúc bị đặt  ngồi vào chỗ không xứng với tài trí của mình. Học Bác để quên đi chỗ đặt mông mà tìm chỗ đặt đầu.

"Nhật ký trong tù" có nhiều chi tiết đời sống gợi cho ta cách nghĩ, cách làm để vượt qua những tình thế khó khăn của thường ngày. Đó cũng là chủ đề bao quát của cả tập thơ như tác giả đã tâm niệm ở trang đầu:

Thân thể ở trong lao

Tinh thần ở ngoài lao

Trong đời mỗi người thường bị nhiều thứ chi phối. Sức khỏe, thời gian, tiền bạc, lòng ham thích, sự đau buồn... đều có sức làm mất tự do của chúng ta. Phải vượt qua những thứ ấy. Vượt qua bằng sức mạnh tinh thần, bằng tài năng và ý chí. Trong đời sống thường ngày như trong tập nhật ký thơ này cũng như trong những tình thế lịch sử có lưu dấu ở thơ Bác qua hai cuộc kháng chiến, chúng ta luôn bắt gặp ở Người một tư thế chủ động, không để những khó khăn khống chế. Ngặt nghèo mấy, Cụ Hồ cũng tìm ra giải pháp có ích nhất, thiết thực nhất và luôn luôn có tính khả thi, nghĩa là mỗi chúng ta đều có thể học và áp dụng.

Vũ Quần Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...