Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Xây dựng Đảng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đồng bào Công giáo dân vận khéo

Cập nhật: 09:58 ngày 10/11/2016
(BGĐT) - Hưởng ứng phong trào thi đua "Dân vận khéo", đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tích cực tham gia phát triển KT- XH, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Qua phong trào xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến.

{keywords}

Nhân dân thôn Cống, xã Thái Đào (Lạng Giang) cứng hóa đường giao thông.

Thôn Cống, xã Thái Đào (Lạng Giang) có hơn 55% số hộ theo đạo Thiên chúa. Giữ vai trò quan trọng và luôn duy trì, vun đắp mối đoàn kết lương - giáo là cựu chiến binh 40 năm tuổi đảng Nguyễn Văn Hưởng (SN 1954). Năm 1990 về sinh hoạt tại địa phương, ông Hưởng từng có thời gian làm bí thư chi bộ, trưởng thôn Cống. Từ năm 2013 đến nay, người cựu chiến binh này đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã kiêm Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn. Ông cũng là người khởi xướng thành lập mô hình dân vận "Xứ đạo an toàn, đoàn kết, văn hóa". 

Với vai trò của mình, ông tích cực phối hợp với linh mục quản xứ tuyên truyền, vận động bà con giáo dân chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua việc lồng ghép hương ước vào những buổi sinh hoạt giáo lý; đóng góp tiền của, ngày công làm đường giao thông, nhà văn hóa, tạo môi trường cảnh quan sạch đẹp. Nhiều năm liền thôn Cống không có đơn thư khiếu nại, từ năm 2011 đến nay giữ vững danh hiệu làng văn hóa. 

Sau 8 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo, toàn tỉnh có hơn 550 mô hình dân vận trong đồng bào Công giáo trên các lĩnh vực. Hầu hết các mô hình đều gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

24 năm liên tục là Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng Tổ dân vận thôn Rèn, xã Minh Đức (Việt Yên), ông Nguyễn Anh Tài (SN 1940) luôn được nhân dân và giáo dân tin tưởng, quý mến. Với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, ông cùng cấp ủy, Ban quản lý thôn chú trọng định hướng, khuyến khích nhân dân phát triển sản xuất, chuyển đổi từ trồng lúa là chủ yếu sang chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả. Ông Tài còn vận động nhân dân ủng hộ kinh phí, lập 60 sổ tiết kiệm tình nghĩa chăm lo các gia đình chính sách và hộ nghèo.

Đó là hai trong số 58 điển hình tiên tiến được Ban Dân vận Tỉnh ủy biểu dương, khen thưởng từ thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong đồng bào Công giáo, giai đoạn 2009- 2016. Xác định dân vận khéo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, Ban Dân vận cấp ủy các cấp đã tích cực chỉ đạo, xây dựng các mô hình dân vận khéo, nhất là ở những nơi có đông đồng bào giáo dân sinh sống. Bà Hoàng Thị Thảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Thượng (Yên Thế) nói: "Xã có 50% dân số là người Công giáo, khi thực hiện dân vận khéo, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở luôn phối hợp chặt chẽ với các ban hành giáo họ đạo. Trong đó đề cao vai trò của các chức sắc tôn giáo là đảng viên, người có uy tín". 

{keywords}

Giáo dân thôn Lò Nồi, xã Hợp Đức (Tân Yên) thu hoạch ngô ngọt vụ đông.

Ảnh: Trịnh Lan

Ở tuổi 40, anh Nguyễn Văn Ninh có gần 6 năm làm Trưởng ban hành giáo họ đạo thôn Hồng Lĩnh, xã An Thượng. Với phương châm “đến từng nhà, rà từng ngõ”, anh cùng bà con thực hiện có hiệu quả mô hình vận động giáo dân xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua triển khai mô hình, trong giáo họ 5 năm qua không có hiện tượng trộm cắp, không có người mắc tệ nạn xã hội, tình hình an ninh trật tự luôn được bảo đảm. Bản thân anh Ninh và gia đình gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống bưởi da xanh và bưởi Diễn vào trồng trên vùng đất đồi. Cùng đó tích cực vận động bà con chăn nuôi gà đúng quy trình, góp phần giữ vững thương hiệu gà đồi Yên Thế.

Sau 8 năm triển khai phong trào thi đua dân vận khéo, toàn tỉnh đã có hơn 550 mô hình dân vận trong đồng bào Công giáo trên các lĩnh vực phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa. Đặc biệt, qua đánh giá, hầu hết các mô hình đều gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, từng bước làm thay đổi diện mạo làng quê. 

Đơn cử trong phong trào dân vận về bảo vệ môi trường, nhiều địa bàn khu dân cư đã thành lập Tổ tự quản giữ gìn vệ sinh môi trường. Tiêu biểu như mô hình của giáo dân thôn Mai Trung, xã Mai Đình (Hiệp Hòa) có 12 thành viên tham gia, hằng tuần thu gom, phân loại, xử lý hàng tấn rác thải trong thôn đưa về bãi tập kết; mô hình vận động nhân dân xây hầm biogas của bà con Công giáo thôn Châu, xã An Dương (Tân Yên).

Đồng chí Thân Văn Trường, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Thời gian tới, Ban Dân vận các cấp tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương. Khi đăng ký xây dựng các mô hình dân vận lưu ý tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và sự bền vững của các mô hình.

Tuệ An

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...