Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 25 °C / 23 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Xây dựng Đảng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Những nội dung chủ yếu của phong cách Hồ Chí Minh

Cập nhật: 10:00 ngày 01/12/2016
(BGĐT) - Phong cách Hồ Chí Minh thể hiện ở mọi lĩnh vực trong đời sống và hoạt động của Người, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ, phát triển theo logic đi từ suy nghĩ (phong cách tư duy) đến nói, viết (phong cách diễn đạt) và biểu hiện qua làm việc, lãnh đạo, ứng xử, sinh hoạt hằng ngày.

{keywords}

Phong cách tư duy: Thể hiện rõ nhất của phong cách này ở Hồ Chí Minh là luôn biết xuất phát từ cái chung, nhân loại, từ những chân lý phổ biến, những “lẽ phải không ai chối cãi được” để nhận thức và lý giải những vấn đề thực tiễn. 

Phong cách làm việc: Hồ Chí Minh yêu cầu làm việc gì cũng phải điều tra, nghiên cứu, thu thập thông tin, số liệu để nắm chắc thực chất tình hình. Người đòi hỏi làm việc gì cũng phải có chương trình, kế hoạch, từ lớn đến nhỏ, từ dài hạn, trung hạn đến ngắn hạn, từ tháng, tuần đến ngày, giờ. Người có phong cách làm việc đúng giờ. Hồ Chí Minh quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. 

Phong cách lãnh đạo: Tuân thủ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; đi đúng đường lối quần chúng, lắng nghe ý kiến của đảng viên, nhân dân; phải tổ chức việc kiểm tra, kiểm soát cho tốt; nêu gương mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo. 

Phong cách diễn đạt: Cách nói, viết giản dị, cụ thể, thiết thực; diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng và sinh động, có lượng thông tin cao; gần gũi với cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh, ví von, so sánh cụ thể. Khi nói và viết, Bác Hồ thường kết hợp với kể chuyện, đan xen những câu thơ, ca dao có vần điệu, làm cho bài nói, bài viết trở nên sinh động, gần gũi với lối cảm, lối nghĩ của quần chúng. Phong cách diễn đạt luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng. Trên cơ sở thống nhất về mục đích nói và viết, phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện rất phong phú, phù hợp với nội dung được trình bày. 

Phong cách ứng xử: Bác luôn khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp; chân tình, nồng hậu, tự nhiên; linh hoạt, chủ động, biến hóa. Ứng xử văn hóa Hồ Chí Minh đạt tới sự kết hợp hài hòa giữa tình cảm nồng hậu với lý trí sáng suốt, linh hoạt, uyển chuyển, sẵn sàng vì cái lớn mà châm chước cái nhỏ; vui vẻ, hòa nhã, xóa nhòa mọi khoảng cách. Trong văn hóa giao tiếp, ứng xử với mọi người, Hồ Chí Minh luôn xuất hiện với thái độ vui vẻ cùng với sự hóm hỉnh tạo không khí chan hòa, gần gũi giữa lãnh tụ với quần chúng.

Phong cách sinh hoạt: Sống cần kiệm, liêm chính. Cả trong lời nói và việc làm Hồ Chí Minh luôn tự mình thực hiện cần kiệm, liêm chính; sống hài hòa, nhuần nhuyễn giữa văn hóa Đông – Tây. Đó là phong cách sống vừa thấm nhuần văn hóa Nho-Phật-Lão, vừa chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Âu-Mỹ nhưng luôn giữ vững, yêu quý và tự hào về văn hóa Việt Nam; tôn trọng quy luật tự nhiên, gắn bó với thiên nhiên. 

Trong sinh hoạt đời thường, Hồ Chí Minh theo triết lý “tôn tự nhiên” của Lão Tử. Những người được sống bên Bác đều cho biết: Chưa bao giờ thấy Bác phàn nàn về thời tiết, mưa không bực, nắng không than, dung mạo lúc nào cũng vui vẻ, trán không nhăn, mày không nhíu, mát mẻ như mùa thu, ấm áp như mùa xuân, cứ thuận theo tự nhiên mà sống.

Ngô Toàn (tổng hợp)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...