Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Xây dựng Đảng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cấp ủy đối thoại với nhân dân - Tạo sự gắn kết và đồng thuận: Kỳ II - Để đối thoại thực sự trở thành cầu nối

Cập nhật: 08:36 ngày 23/12/2016
(BGĐT) - Sau hơn một năm thực hiện Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân cho thấy kết quả đạt được rất rõ nét. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ để việc đối thoại mang lại hiệu quả hơn, thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng với dân.

{keywords}

Cán bộ, đảng viên thôn Đồng Mai, xã An Dương (Tân Yên) động viên nhân dân sản xuất.

Vướng mắc từ thực tiễn

Một trong những điểm tồn tại dễ nhận thấy là phần lớn hội nghị đối thoại mang tính định kỳ, ít có các buổi gặp gỡ giải quyết những vấn đề phát sinh đột xuất; chất lượng đối thoại, nhất là ở cấp cơ sở chưa cao. 

Ông Vi Văn Hành, cán bộ hưu ở thôn Na Lang, xã Phong Minh, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) bày tỏ: Mục đích của hoạt động đối thoại là để nắm bắt thông tin, hiểu rõ bản chất và giải quyết tận gốc vấn đề đó. Nhưng trong một số cuộc đối thoại tôi được tham dự cho thấy vẫn còn trả lời nặng về giải thích văn bản mà chưa thực sự làm rõ trách nhiệm của ngành chức năng và người đứng đầu. Một số việc do thiếu biện pháp xử lý dứt điểm nên người dân vẫn nhắc đi, nhắc lại tại nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc. Đơn cử như công trình nước sạch ở thôn Na Lang bị hỏng, người dân không có nước sạch sử dụng và kiến nghị vài năm nay nhưng chưa được giải quyết.

Vướng mắc khác là thành phần dự đối thoại có nơi còn bó hẹp, giới hạn số lượng và đối tượng. Ý kiến phản ánh vì vậy chưa thật khách quan, đúng vấn đề bức xúc ở cơ sở cần quan tâm, tháo gỡ. Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, nội dung đối thoại thiếu chiều sâu. Nhiều người dân khi được hỏi chưa biết hình thức, thành phần đối thoại ra sao, tổ chức như thế nào. Trong khi đó, hội nghị đối thoại chỉ diễn ra trong 1/2 ngày với nhiều nội dung nhưng ở không ít địa phương, nhất là cấp xã, việc báo cáo đánh giá kết quả tình hình phát triển KT-XH địa phương; báo cáo tổng hợp ý kiến chiếm thời lượng quá lớn...dẫn đến kiến nghị trực tiếp của nhân dân tại hội nghị không nhiều, thiếu tập trung. Nhiều nơi phải đề nghị nhân dân gửi ý kiến bằng văn bản, sau đó tiếp thu, tổng hợp giao cho bộ phận, cơ quan chức năng trả lời.

Một số cấp ủy còn lúng túng trong việc lựa chọn, xác định hình thức, nội dung đối thoại nên ý kiến trao đổi tại hội nghị dàn trải. Ví như ở xã Đồng Phúc (Yên Dũng), do không định hướng trọng tâm, thiếu sự gợi mở của người chủ trì, điều hành nên hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Đảng ủy xã với người dân (tháng 10-2016) chỉ có 9 ý kiến, dàn đều ở nhiều lĩnh vực: Đường giao thông, môi trường, tranh chấp đất đai, phát triển kinh tế, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Phần lớn ý kiến đã được người dân phản ánh, kiến nghị tại các buổi tiếp xúc cử tri trước đó. 

{keywords}

Người dân thôn Minh Phượng, xã Nham Sơn (Yên Dũng) phát biểu ý kiến tại hội nghị đối thoại với lãnh đạo UBND xã.

Gỡ khó từ đâu?

Thực hiện tốt hoạt động tiếp xúc, đối thoại sẽ góp phần tạo mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với Đảng; tạo thuận lợi để nhân dân góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Thực tiễn tổ chức đối thoại ở nhiều địa phương cho thấy, để hoạt động này phát huy hiệu quả, trước hết các cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu coi đây là một trong những giải pháp để đổi mới phương thức lãnh đạo. Xác định đó là nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. 

Thay vì trước đây, khi nảy sinh những vấn đề bất cập, người dân đến các cơ quan công quyền phản ánh thì nay cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động “tìm” đến người dân để lắng nghe, nắm bắt và giải đáp. Có thể vẫn còn có kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm, nhưng khi người đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt gặp gỡ, tiếp xúc, người dân được trực tiếp lắng nghe chủ trương, chính sách từ các đồng chí lãnh đạo, được trả lời, giải thích những khó khăn, thắc mắc sẽ phần nào hài lòng, phấn khởi và tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết: “Đối với hầu hết các vụ khiếu nại kéo dài, phần lớn người dân muốn người đứng đầu trực tiếp trả lời, giải quyết. Đối thoại vì vậy là biện pháp hiệu quả để thực hiện mong muốn chính đáng ấy. Thực tế ở Hiệp Hòa, nhiều vấn đề nổi cộm được giải quyết, tạo sự thông cảm và đồng thuận của nhân dân bắt nguồn chính từ các cuộc đối thoại”.

Hoạt động đối thoại định kỳ cơ bản tổ chức thành nền nếp, tạo nhiều kết quả thiết thực. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm ở các huyện Lục Nam, Tân Yên, Hiệp Hòa… có thể thấy, nhờ cấp ủy, chính quyền đối thoại theo chuyên đề và đối thoại đột xuất nên việc triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đạt hiệu quả, giải quyết kịp thời những vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của cấp mình. Đây là một gợi ý quan trọng để các địa phương mở rộng hình thức đối thoại, qua đó góp phần tổ chức triển khai, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra. 

Bên cạnh đó, trong quá trình đối thoại, tránh việc độc thoại, dành quá ít thời gian cho người dân phát biểu ý kiến; xác định chủ đề phù hợp, bám sát thực tiễn, tạo không khí sôi nổi, thẳng thắn và dân chủ. Đặc biệt, để có cuộc đối thoại hiệu quả đòi hỏi thực hiện tốt khâu chuẩn bị. Trong đó, phân công trách nhiệm cụ thể và đề cao tinh thần trách nhiệm đối với công tác tham mưu, phối hợp tổ chức của cơ quan chuyên môn với các ban, ngành, đoàn thể. Sau đối thoại, cấp ủy, chính quyền tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm; chỉ đạo, đôn đốc giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh do nhân dân phản ánh. Định kỳ báo cáo tiến độ, kết quả giải quyết theo yêu cầu của cấp ủy cấp trên.

Với trách nhiệm là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp BTV Tỉnh uỷ theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định trên, đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy nhìn nhận: “Từ sự chủ động, tích cực của cấp ủy các cấp, hoạt động đối thoại từng bước đi vào nền nếp. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tiếp xúc cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Việc đối thoại tiến hành công khai, dân chủ, khách quan trên tinh thần xây dựng vì lợi ích chung. Người đứng đầu trực tiếp chỉ đạo, giải quyết những kiến nghị, bức xúc ngay tại thời điểm tổ chức đối thoại, qua đó nâng cao vai trò, trách nhiệm trước nhân dân, góp phần thiết thực đổi mới công tác vận động quần chúng của Đảng theo phương châm sát dân, gần dân, hiểu dân và làm cho dân tin”. 

Sau quá trình xây dựng và bước đầu triển khai nghị quyết, đề án, kế hoạch, năm 2017 là năm các cấp ủy tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra. Thực hiện điều này, bên cạnh những chủ trương, định hướng đúng cũng cần có sự đồng thuận cao từ nhân dân. Chính vì vậy, thực hiện tốt hoạt động tiếp xúc, đối thoại sẽ góp phần tạo mối quan hệ gắn bó, mật thiết giữa nhân dân với Đảng; tạo thuận lợi để nhân dân góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, tham gia phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Quốc Trường - Vân Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...