Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Xây dựng Đảng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: Khơi sức dân từ sự đồng thuận

Cập nhật: 14:51 ngày 16/01/2017
(BGĐT) - Thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Giang đã thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Thông qua đó khơi gợi sức dân cùng chung tay thực hiện nhiệm vụ của cộng đồng.

{keywords}

Từ nguồn huy động trong dân, thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh (Việt Yên) mở rộng, cứng hóa kênh mương nội đồng.

Những ngày giáp Tết, trên cánh đồng rộng hơn 30 ha vừa được dồn đổi ở thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh (Việt Yên), bà con hối hả làm đất chuẩn bị cho vụ mới. Theo Bí thư Chi bộ thôn Tạ Thành Tuấn, đây là kết quả nổi bật nhất từ việc thực hiện hiệu quả QCDC ở cơ sở. Để tạo đồng thuận, Chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề về dồn điền đổi thửa. Các đảng viên tích cực tuyên truyền, giải thích để mọi người dân thấy được lợi ích của việc dồn đổi ruộng và cho ý kiến vào phương án giao ruộng trên thực địa. Cán bộ xã, thôn nhiều lần đến tận nhà gặp gỡ, thuyết phục những chủ hộ còn băn khoăn.

Sau khi quy hoạch lại đồng ruộng, thôn dành quỹ đất, huy động người dân đóng góp tiền của, công sức cứng hóa hệ thống mương máng, đường nội đồng. Toàn bộ kinh phí xây dựng đều được cấp ủy, Ban lãnh đạo thôn công khai trên bản tin dân chủ tại nhà văn hóa. Do vậy, thôn không để xảy ra đơn thư, khiếu nại về dồn điền đổi thửa.

Từ 12 tiêu chí ban đầu, sau 4 năm xây dựng nông thôn mới, tháng 5-2016, Tuấn Đạo là xã đầu tiên của huyện Sơn Động đạt đủ 19 tiêu chí. Thành quả này một phần do cấp ủy, chính quyền xã thực hiện tốt QCDC ở cơ sở. Ngoài nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ, xã huy động nội lực trong dân đóng góp hơn chục tỷ đồng; hiến gần 76 nghìn m2 đất làm đường, nhà văn hóa, trường mầm non... Đơn cử tại thôn Sầy có hơn chục hộ cùng hiến đất mở rộng đường liên thôn. Được biết, tất cả các nội dung liên quan đến xây dựng nông thôn mới, UBND xã đều chỉ đạo các thôn phổ biến, tổ chức lấy ý kiến đến từng gia đình.

Theo Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC tỉnh, hiện nay 100% xã, phường, thị trấn xây dựng được văn bản cụ thể hóa ở địa phương mình. Quá trình triển khai, căn cứ thực tiễn, các địa phương thường xuyên mở rộng các hình thức dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Theo đó, những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân như: Phương án bồi thường giải phóng mặt bằng; quy hoạch sử dụng quỹ đất; quản lý, sử dụng các loại quỹ... đều được công khai để dân biết; tạo điều kiện để người dân được bàn bạc và quyết định trực tiếp nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc đóng góp, xây dựng công trình phúc lợi tại địa phương. Nhờ vậy, đã tạo đồng thuận và huy động được nguồn lực lớn trong dân.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trung (Tân Yên) cho biết: Dự án tuyến đường giao thông Tân Lập - làng Thị triển khai tại địa bàn có chiều dài 1,8 km. Qua khảo sát có nhiều hộ sẽ bị thu hồi từ 50 m2 đất ruộng hoặc đất vườn trở lên. Bên cạnh công khai, minh bạch các nội dung liên quan đến dự án, các đồng chí lãnh đạo UBND xã xuống thôn để tuyên truyền, vận động. Chỉ trong một buổi sáng, 100 hộ dân đã tự nguyện ký vào biên bản hiến đất mà không đòi hỏi tiền đền bù.

Thực hiện tốt QCDC còn là yếu tố cốt lõi giúp các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm nhiều vấn đề phức tạp ở cơ sở thông qua đối thoại trực tiếp. Ở huyện Hiệp Hòa, năm qua, các xã, thị trấn tổ chức 36 cuộc đối thoại với nhân dân xung quanh vấn đề quản lý đất đai, môi trường, khoáng sản... Ngoài ra Huyện ủy, HĐND huyện còn tiến hành 5 cuộc kiểm tra, giám sát về việc triển khai các cơ chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản…

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác dân vận, QCDC ở cơ sở năm 2017, đồng chí Thân Văn Khoa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo QCDC tỉnh nhấn mạnh: "Để nâng cao hiệu quả thực hiện QCDC, từ kết quả và bài học kinh nghiệm rút ra trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu ở cơ sở cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền; mở rộng nội dung cần xin ý kiến nhân dân, nhất là các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách xã hội.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể giữ vai trò nòng cốt trong công tác giám sát, phản biện gắn với hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải. Trên cơ sở đó khơi thông nội lực, tạo đồng thuận để đẩy mạnh phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng- an ninh của tỉnh".

Tuệ An

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...