Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Xây dựng Đảng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bác Hồ với những mùa xuân bình dị

Cập nhật: 19:20 ngày 21/01/2017
(BGĐT) - Tết Đinh Dậu này là 48 mùa xuân chúng ta vắng Bác. Năm nào cũng vậy, mỗi khi Tết đến, Xuân về, trong lòng người dân đất Việt lại bồi hồi nhớ về những mùa xuân bình dị của Bác Hồ - Người con vĩ đại của dân tộc. Tính từ năm 1911, khi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời cảng Sài Gòn xuống tàu đi tìm đường cứu nước đến mùa xuân năm Tân Tỵ 1941 là tròn 30 năm.

{keywords}

Ngày 16-2-1969 (mồng Một Tết), Bác Hồ trồng cây ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) nhân Tết Kỷ Dậu (Ảnh tư liệu).

Ba thập niên, một chuyến đi dài nhất trong cuộc đời của một con người đã đi khắp năm châu bốn biển để “tìm phương thuốc chữa bệnh cho nước”. Ba thập niên ấy, Người đã đón xuân ở những xứ sở xa xôi và lạ lẫm, thiếu nắng ấm mặt trời, lộc nõn và tiếng chim reo trước hiên nhà, chỉ có sương mù và băng tuyết. Ở đó, Người luôn nhớ về Tổ quốc, nhân dân và đau đáu ngày về.

Ngày về, ngày hạnh phúc của một Người con, của một dân tộc. Ngày ấy đúng vào mùa xuân hoa mơ nở trắng, “Bác đã về kia Tổ quốc ơi” (thơ Tố Hữu). Sau đêm đầu tiên nghỉ lại tại nhà một người Nùng, sớm hôm sau, chủ nhà Máy Lỳ dẫn Ông già và mấy đồng chí vừa về nước đi đến một địa điểm. Con đường nhỏ ngoằn ngoèo vắt qua rừng, trườn lên một ngọn núi đá. Từ bờ suối trèo lên phải qua một đoạn dốc khá dài, cây cối rậm rạp mới lên tới cửa hang. Hang không rộng lắm, có hai ba ngách nhỏ. Cách đó không xa là con suối uốn quanh các tảng đá, rồi đổ xuống phía dưới, tung bọt trắng xoá. Máy Lỳ bảo: “Hang này là Cốc Bó, có nghĩa là đầu nguồn”. Trở về đất Mẹ, Ông già vô cùng xúc động. Người thốt lên: “Chúng ta sẽ đặt tên cho ngọn núi này là Núi Các - Mác, còn dòng suối đẹp kia, nước trong vắt bắt nguồn từ ngọn núi ra, chúng ta sẽ gọi là Suối Lê-nin”.

Đó là mùa xuân đầu tiên Bác trở về cố quốc.

Từ mùa xuân ấy cho đến mùa xuân cuối cùng trong cuộc đời “vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”, Người đã đón những cái Tết bình dị. Ngày Tết, mỗi chúng ta quây quần bên gia đình, người thân trong giờ phút giao thừa thiêng liêng, thắp nén nhang thơm lên bàn thờ tiên tổ, lắng nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ. Còn vị Chủ tịch nước kính yêu vừa đi chúc Tết đồng bào và chiến sĩ trở về. Bác đến với những xóm thợ nghèo, thăm những người lao động. 

Đã thành một nét đẹp truyền thống, cứ vào dịp Tết, đồng bào chiến sĩ cả nước lại hồi hộp đón thơ Bác chúc Tết mừng Xuân. Thơ Bác không chỉ là tấm lòng, tình cảm mà còn là những dự báo về thời cơ cách mạng, cổ vũ toàn dân, toàn quân thi đua sản xuất và chiến đấu.

Tết cuối cùng trong cuộc đời, Tết Kỷ Dậu 1969, Bác vẫn dành cho cháu con bài thơ chúc Tết đầy hào sảng, như mệnh lệnh tiến công, như hồi kèn xung trận. Bác viết bài thơ này đúng vào ngày 1-1- 1969. Bấy giờ Người đã rất yếu. Nhà văn Sơn Tùng kể lại: Vào một ngày Chủ nhật giáp Tết, 26-1-1969, Bác lên cơn đau. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ bên kia vườn Phủ Chủ tịch đi sang với Bác lúc đau đớn này. 4 giờ chiều, Hội đồng bác sĩ chẩn bệnh cho Bác… Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở lại với Bác đến tận tối, dùng bữa với Bác. Sáng hôm sau, Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ chuẩn bị ghi tiếng Bác đọc thơ chúc mừng năm mới đến đồng bào, chiến sĩ. Bác gọi bác sĩ Mẫn cùng ngồi với đồng chí Vũ Kỳ để nghe giọng nói đã bình thường, rõ tiếng chưa, nếu chưa thì để Bác luyện giọng tiếp. Bác sĩ Mẫn rót nước trà cam thảo để Bác thấm giọng, Bác đọc: “Năm qua thắng lợi vẻ vang…”. Mọi người vui hẳn lên khi thấy giọng Bác gần như bình thường. Bác sĩ Mẫn nói nhỏ với đồng chí Vũ Kỳ: Năm con Gà này, Bác đã tiên tri Mỹ cút, Ngụy nhào, Bắc - Nam sum họp. Vậy là ngày quét sạch giặc ngoại xâm của dân tộc ta chắc không còn xa nữa.

Cũng trong cái Tết cuối cùng ấy, Bác Hồ đã thực hiện nghĩa vụ Tết trồng cây của một công dân. Sáng mồng Một Tết, Người về xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội), cùng người dân vùng bán sơn địa trồng cây.  Bác trồng cây đa ở ngay sườn đồi cùng các cụ phụ lão. Cụ Cát Văn Trường có ba con đi chiến trường miền Nam được đứng bên Bác vun đất vào gốc cây. Bác tưới nước, quay sang căn dặn các cán bộ: “Phải chú ý trồng cây nào sống cây ấy. Cây chết là lãng phí tiền của của nhân dân”.

Buổi trưa, Bác cùng đoàn cán bộ mang cơm nắm muối vừng ra mấy Bác cháu cùng ăn. Rồi Bác tranh thủ chợp mắt trên đồi cây. Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ngả mình trên thảm cỏ, giống như bất cứ một lão nông đất Việt nào, lại giống như một ông Tiên trong cổ tích.

Nhớ về cái Tết của “ông Tiên” ấy, chúng ta không quên những cái Tết đáng nhớ khác. Đó là mùa xuân năm 1923 trên đất Pháp, Người viết truyền đơn cổ động mua báo Le Paria. Đó là mùa xuân năm 1924, Người đến Matxcơva và lần đầu được đọc Luận cương của V.Lênin, cẩm nang cho con đường giải phóng dân tộc khỏi đọa đầy, đau khổ. Đó là mùa xuân 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì hợp nhất ba Đảng, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là mùa xuân năm 1959, trên đất nước Liên Xô vĩ đại, Bác dặn các cháu thiếu nhi: “Tết bây giờ khác trước rồi. Mùa xuân của chúng ta không phải là ba tháng mà là dài hơn, gia đình họ hàng của ta là cả gia đình quốc tế vô sản...” 

Và xuân nay, xuân thời đổi mới. Đất nước đã tiến những bước dài trên đường thiên lý, sánh vai cùng bè bạn năm châu. Thời cơ lớn đang chờ chúng ta nhưng thách thức còn nhiều. Thời khắc này mọi người hãy cùng nhắc một câu thơ trong bài thơ chúc Tết của Bác Hồ Xuân Mậu Thân 1968: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”.

Xuân sau phải hơn xuân trước. Điều mong muốn ấy phù hợp với quy luật thiên nhiên, quy luật tiến hóa của loài người. Không gắng gỏi vượt lên chính mình, vượt lên phía trước, nghĩa là dừng lại, là tụt hậu. Hãy bình tâm và hãy dũng cảm, “Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh” hãy nhìn lên ánh mắt nhân từ của Bác.

Hải Đường

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...