Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Xây dựng Đảng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đảng viên nông thôn làm kinh tế: Kỳ I - Gương mẫu đi đầu, làm giàu chính đáng

Cập nhật: 10:18 ngày 19/10/2017
(BGĐT) - Phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu, nhiều đảng viên đã vượt qua khó khăn, làm giàu chính đáng bằng sức lao động của mình. Đáng trân trọng là những tấm gương năng động đó đã chủ động giúp đỡ, tạo sức lan tỏa lớn để mọi người học tập, làm theo.
{keywords}

Trưởng thôn Lê Thái Vĩnh (ngoài cùng bên trái), thôn Đồng Mai, xã An Dương (Tân Yên) cùng nhân dân trao đổi kinh nghiệm sản xuất lúa chất lượng cao. Ảnh: Quốc Trường.

Muôn cách làm giàu

Đi qua những vườn cam, vườn bưởi trĩu quả, chúng tôi gặp đảng viên Trần Văn Hinh (SN 1968), Bí thư Chi bộ thôn Đoàn Kết, xã Tân Quang (Lục Ngạn). Anh Hinh sinh ra và lớn lên trên vùng quê khó khăn, đất đai không bằng phẳng, giao thông bất tiện, cuộc sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp theo cách tự cung tự cấp. Song chính trong gian khó ấy đã nhen nhóm trong anh ước mơ làm giàu bằng chính bàn tay lao động của mình. Hướng cái nhìn về khu vườn cam, anh Hinh chia sẻ: “Từ đầu những năm 2000, qua một số người bạn, tôi nhìn thấy giá trị của cây cam cũng như lợi thế để phát triển các cây có múi trong tương lai. Vì vậy, tôi đã tìm hiểu kiến thức, đưa cây cam về trồng”. Hướng đi mới của anh Hinh bắt đầu từ những chuyến về tỉnh Hưng Yên, Hà Tây (cũ) tìm hiểu đặc tính của cây cam Canh, rồi mua 200 cây về trồng. Do chưa có kinh nghiệm, sản phẩm không có đầu ra, hai năm sau anh phải bán một nửa để tránh rủi ro, phần còn lại trồng xen với hồng Nhân Hậu - thời điểm đó đang có giá trị kinh tế cao. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, anh tự liên hệ với các đại lý bán hoa quả ở trong huyện bán sản phẩm, cây cam ngày càng cho trái nhiều, mang lại thu nhập cao. Hướng đi mới đã mở, gia đình anh tiếp tục đầu tư vốn, cải tạo toàn bộ 2 mẫu đất để trồng cam. Từ hiệu quả cây trồng này, đến nay, gia đình anh Hinh có cơ ngơi khang trang với thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.

{keywords}

Nhà máy gạch Bích Động của gia đình đảng viên Đỗ Thành Đồng, thị trấn Bích Động (Việt Yên) tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 50 lao động địa phương. Ảnh: Sỹ Quyết.

Ở thị trấn Bích Động (Việt Yên), hỏi về đảng viên, cựu chiến binh Đỗ Thành Đồng (SN 1954) ai cũng biết bởi tinh thần làm việc hăng say, gây dựng nhà máy sản xuất gạch “ăn nên làm ra”. Năm 2010, sau 38 năm công tác, cựu chiến binh Đỗ Thành Đồng về nghỉ hưu tại tổ dân phố 3. Với tinh thần không ngại khó khăn, nỗ lực vươn lên, được đồng đội giúp đỡ một phần vốn, ông mạnh dạn thuê một khu đất thùng vũng, hoang hóa làm nhà máy gạch. Đúng thời điểm này, tốc độ xây dựng giảm sút, giá vật liệu thấp, sản phẩm khó tiêu thụ. Không quản khó khăn, ông đi nhiều nơi tìm đầu mối tiêu thụ, kiên trì giữ uy tín, nâng chất lượng sản phẩm. Đến nay, Nhà máy gạch Bích Động đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 50 lao động với thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Cũng năng động, nhạy bén với thương trường, đảng viên Ngô Xuân Lương, xã Ngọc Châu (Tân Yên) có suy nghĩ, nhu cầu thị trường về thịt lợn rất lớn, nếu đầu tư đúng hướng vào lĩnh vực này với cách mới sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2012, ông đấu thầu 1 ha đất, xây dựng trại nuôi lợn sạch gồm ba phân khu: Nuôi lợn nái, lợn con và thương phẩm. Quy trình sản xuất được áp dụng dựa vào tài liệu tự nghiên cứu và kinh nghiệm học tập từ các công ty chăn nuôi uy tín. Đến nay, trang trại quy mô 100 lợn sinh sản và hàng trăm lợn thương phẩm/lứa của đảng viên này đang phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cao.

Hiện nay, ở khắp các miền quê trong tỉnh xuất hiện những mô hình kinh tế do đảng viên làm chủ có thu nhập cao nhờ năng động với thời cuộc, tiên phong đi lên từ bàn tay và sự sáng tạo.

Không chỉ lo cho riêng mình

Đáng trân trọng là không chỉ làm giàu cho bản thân, những đảng viên ở làng đã tích cực hướng dẫn, vận động nhiều hộ trong thôn mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để cùng làm giàu với suy nghĩ tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nông sản sẽ dễ dàng tiêu thụ, được giá. Với trách nhiệm của một đảng viên, Bí thư Chi bộ thôn Đoàn Kết Trần Văn Hinh cùng các đoàn thể đã hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng cam cho các gia đình khó khăn trong thôn vươn lên, trong đó có hộ chị Trần Thị Bé (SN 1960). Chị Bé là mẹ đơn thân, không có kinh nghiệm sản xuất nên cái nghèo đeo đẳng. Chi hội Phụ nữ thôn đã hỗ trợ vay vốn cải tạo đất, giúp ngày công lao động và hướng dẫn kỹ thuật để trồng 7 sào cam. Nhờ đó, cuộc sống gia đình bớt khó khăn. Bí thư Chi bộ Trần Văn Hinh tâm niệm, là đảng viên phải gương mẫu, không những thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, mà còn cùng bà con làm cho thôn giàu, Chi bộ thêm mạnh. Đến nay, thôn Đoàn Kết có 220 hộ trồng gần 80 ha cây có múi, hầu hết có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm trở lên. Nhiều hộ đạt doanh thu 1,5 đến 2 tỷ đồng/năm, không còn hộ có đảng viên thuộc diện nghèo.

{keywords}

Mô hình chăn nuôi lợn sạch của gia đình đảng viên Ngô Xuân Lương, xã Ngọc Châu (Tân Yên). Ảnh: Châu Giang.

Tháng 5-2015, những thành viên Hội Chăn nuôi lợn sạch Tân Yên (Tân Yên) vô cùng vui mừng bởi nhãn hiệu “Lợn sạch Tân Yên” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận. Phía sau niềm tự hào lớn lao ấy có sự vất vả lặng thầm của đảng viên Ngô Xuân Lương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi lợn sạch Tân Yên. Gánh vác trọng trách, ông Lương tận tụy vận động, quy tụ một số hộ chăn nuôi tham gia phong trào xây dựng thương hiệu lợn sạch quê hương. Đến nay, sau hơn ba năm ra đời, Hội Chăn nuôi lợn sạch Tân Yên có 54 thành viên. Các hộ tích cực chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi sạch, bảo vệ môi trường, đoàn kết hỗ trợ cùng phát triển. Các trại lợn có hầm biogas xử lý chất thải, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi sạch. Không dừng lại ở đó, tháng 10-2016, ông Lương tiếp tục vận động thành lập Hợp tác xã chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ lợn sạch Tân Yên gồm 8 hội viên, vốn điều lệ 1,8 tỷ đồng. Hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động, sản phẩm làm ra tiêu thụ hết, người tiêu dùng biết thương hiệu lợn sạch Tân Yên ngày càng nhiều.

Ở khắp các miền quê trong tỉnh, ở đâu vai trò của đảng viên phát huy, tiên phong làm kinh tế giỏi thì ở đó đời sống người dân có chuyển biến tích cực. Tại thôn Na Lang, xã vùng cao Phong Minh (Lục Ngạn), khi mô hình trồng chè hoa vàng của đảng viên Đặng Văn Liên mang lại hiệu quả, được Huyện ủy, UBND huyện cho chủ trương, Chi bộ thôn đã họp, ra nghị quyết chuyên đề về phát triển chè hoa vàng dưới tán rừng để mọi người cùng làm theo. Theo đó, dưới sự hướng dẫn của Bí thư Chi bộ Đặng Văn Liền và đảng viên Đặng Văn Hương, hơn 30 hộ trong thôn đã tích cực chuyển đổi cây trồng, đưa chè hoa vàng vào sản xuất với quy mô hơn 60 ha. Đến nay, cây trồng này phát triển tốt, đầu ra thuận lợi. Hiện chè tươi được bán 1,4 triệu đồng/kg đã mang lại thu nhập khá cho các gia đình trong thôn. Tại nhiều xã trên địa bàn huyện Lục Ngạn, căn cứ vào tình hình thực tế, cấp ủy, chính quyền địa phương đều đưa ra những giải pháp nhằm phát huy vai trò đầu tàu của từng đảng viên, chi bộ trong lãnh đạo phát triển kinh tế. Đồng chí Nguyễn Văn Bộ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Quang (Lục Ngạn) nói: “Thực hiện chủ trương nêu gương của đảng viên trong phát triển kinh tế, chúng tôi đã phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành phụ trách các chi bộ tuyên truyền, triển khai sâu rộng đến các đảng viên. Trong đó đặc biệt nêu cao vai trò của đảng viên làm gương để bà con học hỏi và làm theo. Nhờ đó, diện mạo nông thôn mới ở Tân Quang khởi sắc, đời sống nhân dân cải thiện, không còn gia đình có đảng viên thuộc diện nghèo”.

(Còn nữa)

Nhóm PV Kinh tế

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...