Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Xây dựng Đảng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng - Kỳ 2: Có “bệnh” phải chữa

Cập nhật: 17:27 ngày 23/10/2018
(BGĐT) - Tự phê bình và phê bình (TPB-PB) trong Đảng bộ tỉnh Bắc Giang có nhiều chuyển biến song vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, chưa trở thành nhiệm vụ thường xuyên ở một số cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ). Do đó, tìm ra căn nguyên, giải pháp nâng cao chất lượng TPB- PB là vấn đề cần quan tâm, qua đó góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh. 

Vẫn còn nể nang, né tránh

Qua đánh giá của cấp ủy cũng như tìm hiểu, nắm bắt thực tế, việc kiểm điểm TPB- PB ở một số nơi còn biểu hiện hình thức. Tình trạng phê bình qua loa, nể nang, chiếu lệ vẫn còn. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức về việc tự kiểm điểm còn chưa đầy đủ, TPB-PB chưa tự giác, gương mẫu, tính chiến đấu yếu, còn tư tưởng nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”… ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ. 

{keywords}

Chi ủy Chi bộ thôn Tiến Điều, xã Nhã Nam (Tân Yên) trao sổ ghi chép sinh hoạt chi bộ cho đảng viên. Ảnh: Quốc Trường

Nguyên nhân chính là do cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên một số địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) chưa nhận thức đúng đắn việc kiểm điểm TPB-PB theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) của Đảng, thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, thực hiện...

Đáng chú ý, thực trạng đảng viên ở cơ quan, DN ngại phê bình đồng chí, đồng nghiệp vẫn còn, nhất là tại DN tư nhân. Đảng bộ Khối DN tỉnh có 68 chi, đảng bộ trực thuộc với gần 3.200 đảng viên, trong đó 70% DN là DN dân doanh, đa phần lãnh đạo tham gia cấp ủy, đảm nhận trọng trách bí thư chi bộ. Các đơn vị này chủ yếu tập trung sản xuất kinh doanh, lao động hợp đồng phấn đấu tốt được bồi dưỡng, tạo nguồn, kết nạp Đảng. 

Ở một số chi bộ, tính chiến đấu còn hạn chế do đảng viên e ngại, không dám góp ý, phê bình cấp ủy, người đứng đầu. “Phần lớn chủ DN có quyền lực trong tay, công nhân, người lao động dù biết khuyết điểm của cấp trên nhưng không dám phê bình, e ngại sẽ bất lợi cho mình về vị trí việc làm và lợi ích kinh tế”, đồng chí Nguyễn Xuân Vượng, Bí thư Đảng ủy Khối DN tỉnh nói.

Về mặt tâm lý, phần lớn mọi người thích được khen chứ không thích bị phê bình. Góc độ TPB, mọi người dễ cho rằng tự nói ra và nhận khuyết điểm nghĩa là tự thừa nhận sự non kém của mình. Ở một số TCCSĐ có người mắc khuyết điểm nhưng vẫn được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được khen thưởng, bổ nhiệm hay giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn. Như vậy là chưa gắn TPB-PB với các khâu của công tác tổ chức cán bộ. Không ít trường hợp bị kỷ luật về đảng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự là do đơn thư tố cáo của công dân gửi đến cơ quan chức năng chứ không phải bởi đấu tranh phê bình từ trong chi bộ.

Năm 2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Tiến Duẩn, nguyên Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Yên Dũng vì hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian giữ chức vụ Trưởng phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện. Qua vụ việc này, dư luận đặt câu hỏi liệu những khuyết điểm, sai phạm của ông Duẩn có bị “che lấp” bởi sự nể nang, không dám đấu tranh phê bình đồng chí, đồng nghiệp của cấp ủy, chi bộ nơi sinh hoạt (?!).

Hơn 2 năm qua, UBKT các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với 315 tổ chức đảng, 767 đảng viên. Qua kiểm tra phát hiện và kết luận 240 TCCSĐ và 590 đảng viên vi phạm.

Ở huyện Lục Nam, ba năm gần đây, một số cán bộ cấp xã diện Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy quản lý bị xử lý kỷ luật do vi phạm nguyên tắc sinh hoạt đảng, những điều đảng viên không được làm, thậm chí có trường hợp phạm pháp phải ra tòa. Ví như ông Phạm Bá Hà, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lý; ông Phạm Văn Sú, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bắc Lũng… 

Tuy nhiên, khi xếp loại đảng viên hằng năm, cấp ủy, chi bộ đều đánh giá hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ. Hay như ở huyện Lục Ngạn, cuối năm 2017, UBKT Tỉnh ủy xem xét, quyết định thi hành kỷ luật và kết luận vi phạm đối với hai đồng chí cán bộ chủ chốt diện BTV Tỉnh ủy quản lý do trước đây có vi phạm khuyết điểm liên quan đến quản lý nhà nước về đất đai, gây dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín tổ chức Đảng. Đáng chú ý, khi lấy phiếu biểu quyết hình thức kỷ luật ở chi bộ các đảng viên này đang sinh hoạt, không có ý kiến nào đề nghị hình thức kỷ luật mà bỏ phiếu trống cho dù UBKT Tỉnh ủy đã có kết luận về nội dung, mức độ vi phạm.

Qua đó cho thấy, ngay trong nội bộ cơ quan, chi bộ dù biết khuyết điểm, sai phạm của đồng chí, đồng nghiệp nhưng tinh thần phê bình còn yếu. Nhìn rộng ra các vụ án liên quan đến người đứng đầu là lãnh đạo quản lý, giữ chức vụ cao trong TCCSĐ ở một số bộ, ngành T.Ư, tỉnh, TP thời gian qua, hàng loạt cán bộ bị cơ quan chức năng thi hành kỷ luật, cách chức, khởi tố với những sai phạm khác nhau nhưng đáng lên án là suốt thời gian dài, những cán bộ đó được cấp ủy, TCCSĐ bao che, bưng bít. Đây là bài học đắt giá trong khâu kiểm điểm, đánh giá cán bộ, đảng viên.

Đảng viên nêu gương, cấp ủy sâu sát

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, TPB-PB là việc phải làm thường xuyên như “rửa mặt” hàng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên. Đó là thứ vũ khí vô cùng sắc bén làm trong sạch nội bộ, làm cho TCCSĐ ngày càng vững mạnh. Theo Người, “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh, phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh không dám uống thuốc để đến nỗi bệnh ngày càng nặng”.

{keywords}

Lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện ủy Lạng Giang và chi ủy một số thôn trao đổi nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng.

Thực tiễn cho thấy, để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của TPB-PB, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần tự giác học tập và rèn luyện đạo đức, lối sống. Cấp ủy cần làm tốt việc thu thập thông tin về ưu, khuyết điểm trong lãnh đạo của chi bộ, cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt để định hướng và tổ chức thực hiện TPB-PB trong mỗi kỳ sinh hoạt. Cần tạo không khí cởi mở, chân tình, khích lệ mọi người phát huy tính chủ động, dân chủ, mạnh dạn góp ý, phê bình sự lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ cũng như TPB-PB lẫn nhau một cách thẳng thắn, mang tính xây dựng cao, cùng tiến bộ. 

Đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Bắc Giang cho rằng, muốn nâng cao chất lượng TPB, mỗi TCCSĐ cần cụ thể hóa các tiêu chí như: Tư tưởng, chính trị; lãnh đạo, kết quả thực hiện nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật… Có như vậy, TPB-PB mới trọng tâm, sát thực. Trong TPB-PB, cán bộ lãnh đạo, quản lý gương mẫu đi đầu. Mỗi cấp ủy có thái độ nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá đúng ưu điểm, hạn chế của từng đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt để kịp thời uốn nắn, sửa chữa.

Theo đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo các TCCSĐ nêu cao ý thức TPB-PB, nhận diện các biểu hiện suy thoái theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Đẩy mạnh thực hiện công văn số 624, ngày 1-3-2017 của BTV Tỉnh ủy về chế độ TPB-PB trong sinh hoạt cấp ủy và chi bộ, trong đó đảng viên phải tự đối chiếu 27 biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đề cao vai trò, trách nhiệm của chi bộ, cấp ủy đảng trực tiếp quản lý đảng viên. Ban Tổ chức đang xây dựng kế hoạch trình BTV Tỉnh ủy cụ thể hóa nội dung kiểm điểm, tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng TCCSĐ, đảng viên, trong đó sẽ sửa đổi, bổ sung quy trình kiểm điểm, đánh giá cán bộ, đảng viên một cách đồng bộ, rõ trách nhiệm từng tập thể, cá nhân, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng TPB-PB, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh.

Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng- Kỳ 1: Chuyển biến từ thực tiễn
(BGĐT) - Tự phê bình và phê bình (TPB- PB) là công việc không thể thiếu trong sinh hoạt và hoạt động của Đảng, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), đảng viên. Nhận thức rõ vai trò ấy, thời gian qua, nhất là khi thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, nhiều cấp ủy trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã vận dụng vào thực tiễn bằng những cách làm hay. 
 

Nhóm PV Báo Điện tử

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...