Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Xây dựng Đảng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cán bộ, đảng viên ở Lục Ngạn tiên phong phát triển kinh tế: Kỳ II - Lan tỏa khát vọng làm giàu

Cập nhật: 09:37 ngày 28/08/2019
Lục Ngạn (Bắc Giang) là huyện trung du miền núi, ngành nghề chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Để chỉ đạo bà con phát triển kinh tế, bản thân người cán bộ lãnh đạo cũng phải biết làm kinh tế, nêu gương làm trước. Có lo được cho mình, cho người thân của mình thì mới lo được cho dân, nói người dân mới nghe, mới tin.  

Gương mẫu làm kinh tế giỏi để thuyết phục quần chúng

Trong câu chuyện với một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt huyện, xã, tôi được nghe các anh giãi bày, đại ý là: “Muốn làm tốt trọng trách của người lãnh đạo thì phải có hậu phương vững chắc, "có thực mới vực được đạo". Xuất phát từ nhu cầu phát triển của gia đình, mình có lo được cho mình, cho người thân thì mới lo được cho dân, cho xã hội, nói người dân mới nghe, mới tin”.

{keywords}

Lục Ngạn nổi tiếng với nhiều sản phẩm cây ăn quả chất lượng.

Sau nhiều năm kiên trì đưa cây cam Đường Canh trồng trên đất đồi dốc, ông Bùi Xuân Sinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn đã biến vùng đất khô cằn một thời ở quê mình (thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc) thành vườn đồi nhiều trái ngọt. Thực ra, cuộc sống gia đình ông cũng vào diện có của ăn của để trong vùng nhờ cây vải thiều. 

Song ông nghĩ vùng cây ăn quả thì không độc canh một loại cây được mà phải đa dạng hóa, có như vậy mới phân bổ thời gian lao động và tránh được tính thời vụ của các loại cây trồng, đồng thời tạo điều kiện tốt cho ngành công nghiệp chế biến trên địa bàn.Với một người đầy khát vọng làm giàu, lại là Chủ tịch xã thời điểm ấy, ông có suy nghĩ: “Phải nắm bắt thời cơ để tiếp tục mở rộng và phát triển trang trại bằng nhiều giống cây ăn quả khác, không chỉ làm giàu cho mình mà còn cho cả bà con trong xã’.

Nhắc lại giai đoạn làm Chủ tịch UBND xã Tân Mộc (2005-2011), chỉ vì cây cam mà phải đến 3 năm liền ông luôn trong tình trạng bất an, trăn trở. Ngày ấy, đoàn công tác của xã đến huyện Văn Giang (Hưng Yên) tham quan mô hình kinh tế. Nhìn những vườn cam trải dài bát ngát, đỏ rực quả, ngon ngọt, ông nghĩ “phải đưa cây cam này về Tân Mộc”. 

Thế nhưng, mặc dù áp dụng đúng kỹ thuật được hướng dẫn, nhưng cây cam trổ đầy hoa, đậu trĩu quả mà sao quả cứ thau tháu bằng hạt đỗ là lại rụng đầy gốc. “Mình làm không được, bà con làm cũng chẳng thành, vài vạn cây giống và bao công sức bỏ ra chứ có ít gì đâu. 

Đã có lúc nhụt chí, chán nản, định phá bỏ hết cam để trồng lại vải thiều”- ông Sinh kể. “Nhưng vì lúc đó đang là Chủ tịch xã, lại là kỹ sư nông nghiệp; tiếc của, tiếc công thì ít mà xấu hổ, ngại ngần với bà con thì nhiều. Cứ hình dung đến việc bà con bảo mình là ông Chủ tịch nói một đằng lại làm một nẻo, chả ra cơm ra canh gì là tôi cảm thấy buồn nên đành phải cố”. 

Trăn trở sau những thất bại, ông Sinh lại miệt mài tìm tòi và áp dụng một kỹ thuật chưa từng có với người trồng cam ở vùng xuôi, trái hẳn với sách vở thầy dạy là phải đảo rễ để kích thích ra hoa thì ông bỏ qua luôn công đoạn này để dưỡng cây. 

Ai ngờ, năm đó cam sai trĩu cành, quả đỏ au, ngọt lịm, thương lái đánh ô tô tận vườn, gia đình thu ngót nghét 1,1 tỷ đồng. Thừa thắng xông lên, ông quyết định di luôn cây cam từ ruộng lên đồi thay thế cho 2 ha vải thiều của gia đình. Năm sau, ông lại thắng một vụ nữa. Cứ như thế, các năm tiếp theo, tiền cứ nhiều dần lên, thu từ 1 đến 2 tỷ đồng mỗi năm nhờ 2ha cam.

Từ việc đưa thành công cây cam Vinh, cam Đường Canh lên đồi của gia đình ông Sinh mà vốn trước đây chỉ trồng được ở đất ruộng và bãi bằng, giờ đây cả thôn Đồng Quýt có gần 200 hộ trồng cam với hơn 200ha và phong trào lan tỏa ra toàn huyện với tổng diện tích năm 2018 là hơn 6.000ha, nhiều hộ có mức thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. 

Anh Vũ Duy Kiệm, một người dân trong xã cho biết: Từ cách làm của gia đình ông Sinh, chúng tôi được ông hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trồng cam trên đồi, đem lại hiệu quả cao.

“Bắt” cây vải thiều “đẻ quả” trên thân là sáng tạo của đảng viên Trần Văn Hành, công chức văn phòng UBND xã Giáp Sơn. Ý tưởng này được ông Hành thực hiện từ năm 2012 khi tình cờ thấy cây vải giao tán tạo nhiều khoảng râm, ông đã bấm bớt cành nhỏ đầu tán để vườn có thêm ánh sáng. 

Không ngờ sau đó, rất nhiều nhánh lộc mọc ra từ thân cây, hoa chi chít. Sau một vài vụ ông rút ra được kinh nghiệm, đó là khi lộc ra từ thân ngay sau vụ thu hoạch sẽ được cắt bỏ, đợi lộc ra đợt kế tiếp cách đó chừng hai tháng thì để lại cho ra hoa. 

Kỹ thuật này đã mang lại hiệu quả như: Năng suất tăng thêm từ 15 - 20kg/cây, dễ thu hái, đặc biệt là quả to đều, mẫu mã đẹp, chất lượng ngon, giá bán cao hơn giá thị trường khoảng 1,5 lần. Với giải pháp này, năm nào vườn vải nhà ông Hành cũng được mùa với sản lượng đạt cao, thu về khoảng gần 1 tỷ đồng. 

Sự đổi thay nhanh chóng trên vùng đất Lục Ngạn hôm nay có được là nhờ chủ trương đúng, kịp thời, sự cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự năng động, sáng tạo của người dân, trong đó có vai trò đầu tàu rất quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Không chỉ giữ cho riêng mình, khi còn trên cương vị Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Hành đã đẩy mạnh việc chuyển giao kỹ thuật này cho hơn 300 hội viên áp dụng thành công trên hàng trăm ha vải thiều, giúp bà con thay đổi nhận thức canh tác truyền thống, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới, sản xuất ra sản phẩm sạch, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. 

Được biết, gia đình ông Trần Văn Hành cũng là một trong những hộ tiên phong sản xuất quả vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP.

Miệng nói tay làm, những cán bộ, công chức không chỉ "giỏi việc nước" mà còn "giỏi việc nhà", phát huy tốt vai trò của người cán bộ, đảng viên làm gương đi đầu trong nhiệm vụ phát triển KT-XH ở địa phương, họ thực sự là những hạt nhân nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở.

{keywords}

Đảng viên Trần Văn Hành, công chức Văn phòng UBND xã Giáp Sơn có sáng kiến "bắt" cây vải thiều ra quả trên thân. 

Liên kết để phát triển bền vững
Huyện Lục Ngạn hiện có hơn 26 nghìn ha cây ăn quả các loại. Từ cái chết của cây cam sành Bố Hạ, xóa sổ cả một vùng trồng cam nổi tiếng một thời. Hay ồ ạt mở rộng diện tích vải thiều dẫn đến sản lượng, chất lượng kém, ảnh hưởng đến hiệu quả cũng như giá trị thương hiệu "vải thiều Lục Ngạn", cấp ủy, chính quyền huyện coi đây là bài học lớn đòi hỏi phát triển vùng cây ăn quả phải bền vững, theo quy hoạch, có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, chú trọng đến sản phẩm xuất khẩu. Được biết, vải thiều Lục Ngạn đã được xuất khẩu đi 30 quốc gia như: Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản…

Trên tinh thần đó, Lục Ngạn đã có Đề án “Xây dựng huyện Lục Ngạn trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm Quốc gia giai đoạn 2016-2021”. Hàng loạt cơ chế, chính sách được đưa ra trong đó nhấn mạnh đến việc hình thành tổ chức hiệp hội, HTX, tổ liên kết... 

Đến nay, toàn huyện đã thành lập được gần 500 tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản ở 30/30 xã, thị trấn và các thôn, bản với hơn 3.000 thành viên, thành lập được 10 HTX sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu mỗi xã có ít nhất 1 HTX vào năm 2021.

Để thực hiện, vai trò của cán bộ, đảng viên ở cơ sở là rất quan trọng. Họ là những người đứng ra tuyên truyền, vận động để người nông dân hiểu, ý thức được trong việc nâng cao chất lượng nông sản; đồng thời chỉ đạo, tổ chức sản xuất, tập hợp quy tụ người làm vườn liên kết với nhau, bảo đảm cho sản phẩm được thống nhất về thời điểm thu hoạch, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả... 

Từ đó bảo đảm cho sản xuất ổn định và phát triển bền vững hơn. Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn cho biết: Một doanh nghiệp không thể đến được với 1.000 hộ dân, do đó phải có các đầu mối ở cơ sở để giám sát quá trình sản xuất, thu mua sản phẩm, đó chính là thành lập các tổ liên kết, hợp tác xã.

Đảng viên Phạm Văn Dũng (SN 1978), Giám đốc HTX nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (thôn Kép 1, xã Hồng Giang) cho rằng: Làm ăn thời buổi bây giờ không thể ngồi đợi “Hữu xạ tự nhiên hương” mà phải có sự liên kết, năng động chạy đôn chạy đáo để tiếp thị cho người ta biết mình và sản phẩm của mình. 

Với suy nghĩ đó, anh đã đứng ra thành lập HTX gồm 18 thành viên. Ngoài trồng vải thiều, cam, bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, có nhật ký chăm sóc, mỗi năm mùa nào thức ấy, HTX còn tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản cho bà con trong vùng. Cũng nhận thức được lợi ích khi tham gia tổ liên kết, ông Lê Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hồ chia sẻ: “Tổ liên kết là khâu đầu trong quá trình tiêu thụ nông sản. Mỗi tổ có từ 15-20 thành viên. 

Tổ trưởng là những người có kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh giỏi. Nếu trước đây người sản xuất hoạt động riêng lẻ thường khó có thể hỗ trợ nhau, mạnh ai nấy làm thì hiện nay, với hoạt động của tổ liên kết các thành viên đều được tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật mới, có sự hỗ trợ từ phía hội nông dân mà việc sản xuất và tiêu thụ thuận lợi hơn trước rất nhiều”. 

Nhờ cơ chế giám sát của HTX, chi hội, tổ liên kết, việc chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả được tiến hành theo quy chuẩn, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, hình thành chuỗi “4 nhà” một cách chặt chẽ hơn.

Đặc biệt, vụ vải thiều vừa rồi, lần đầu tiên huyện Lục Ngạn liên kết với doanh nghiệp trồng thí điểm vải thiều hữu cơ ở hai xã Quý Sơn và Giáp Sơn với diện tích 20ha, sản lượng khoảng 200 tấn; giá bán 80.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với vải thiều thông thường. Diện tích này được lắp đặt camera giám sát toàn bộ quy trình chăm sóc cũng như thu hái, mở ra cơ hội mới cho sản xuất vải thiều hữu cơ xuất khẩu của người dân.

Sự đổi thay nhanh chóng trên vùng đất Lục Ngạn hôm nay có được là nhờ chủ trương đúng, kịp thời, sự cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự năng động sáng tạo của người dân, trong đó có vai trò đầu tàu rất quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở huyện, xã. Qua đó góp phần tăng hộ giàu (khoảng 6.000 hộ có thu nhập từ 100 triệu đến vài tỷ đồng mỗi năm). Từ một huyện nghèo nàn, lạc hậu, số hộ nghèo chiếm mấy chục phần trăm đến nay còn 10,33%, giảm 3,81% so với năm 2017.

Phát huy hiệu quả phong trào cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi
(BGĐT) - Trở về từ chiến trường, mang trên mình những vết thương, bệnh tật khiến sức khỏe giảm sút nhưng nhiều cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn tiếp tục thi đua sản xuất, phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và tích cực hỗ trợ đồng đội.
Tuổi cao làm kinh tế giỏi
(BGĐT) - Phong trào hội viên Hội Người cao tuổi (NCT) tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên xóa đói giảm nghèo ngày càng được nhân rộng trên địa bàn huyện Tân Yên. Ông Nguyễn Đình Phượng (SN 1954), thôn Cao Kiên, xã Tân Trung là tấm gương tiêu biểu trong phong trào này.
Anh Vũ Văn Hiếu giỏi làm kinh tế và tập hợp thanh niên
(BGĐT) - Anh Vũ Văn Hiếu được người dân thôn Hồng Lĩnh, xã An Thượng, Yên Thế (Bắc Giang) biết đến là tấm gương điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi với thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm từ xưởng sản xuất cơ khí. Anh còn là một Bí thư Chi đoàn năng nổ, nhiệt tình, có uy tín trong công tác vận động tập hợp thanh niên vùng công giáo.
Những nông dân năng động làm kinh tế giỏi ở Song Mai
(BGĐT)- Trong số hàng trăm hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã Song Mai (TP Bắc Giang), mỗi người một cách làm giàu khác nhau nhưng họ có điểm chung là luôn nhạy bén, ham học hỏi, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. 
Cán bộ, đảng viên ở Lục Ngạn tiên phong phát triển kinh tế: Kỳ I - Những đảng viên - "ông vua quả" thời 4.0
LTS: Từ vùng cây ăn quả, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã xuất hiện nhiều tỷ phú nông nghiệp. Điều đáng nói là trong số đó có không ít cán bộ, công chức; ngoài làm việc ở cơ quan, họ còn làm chủ trang trại, chủ mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhóm PV xây dựng Đảng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...