Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chuyển đổi số
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ưu tiên nguồn lực, thực hiện chuyển đổi số

Cập nhật: 09:15 ngày 09/07/2022
(BGĐT)- Thực hiện Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 111), Bắc Giang đang tập trung các giải pháp để thực hiện chuyển đổi số, trong đó quan tâm đầu tư, nâng cấp trang thiết bị như máy vi tính, máy in, máy scan và đường truyền mạng. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ.

Còn nhiều khó khăn

Theo ông Tô Văn Bình, Trưởng Phòng Công nghệ thông tin (CNTT) (Sở Thông tin và Truyền thông), thực hiện công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, từ nhiều năm nay, Bắc Giang đã dành kinh phí đầu tư máy vi tính, máy scan cho cán bộ, công chức, viên chức. 

{keywords}

Cán bộ một cửa hướng dẫn người dân giải quyết TTHC tại xã Thanh Hải (Lục Ngạn).

Hiện tỷ lệ trung bình là 1,3 máy tính/người. Các thiết bị cơ bản hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu công việc hằng ngày và sử dụng hệ thống chuyên dùng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức, công dân. Song trên thực tế ở nhiều nơi, máy vi tính đã được đầu tư từ nhiều năm trước, cấu hình thấp nên tốc độ truy cập, xử lý công việc chậm, nhất là trước yêu cầu về chuyển đổi số ngày càng cao. Đặc biệt là các địa phương vùng sâu, xa kinh phí bố trí cho việc mua sắm trang thiết bị máy tính, máy scan, máy in... còn hạn chế.

Bộ phận một cửa xã Đèo Gia (Lục Ngạn) có 3 cán bộ gồm: Lao động - Thương binh và Xã hội; Tư pháp - Hộ tịch; Địa chính - Xây dựng trực tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho công dân. Anh Hoàng Văn Lợi, công chức Văn phòng, phụ trách bộ phận một cửa cho biết: “Hiện mỗi cán bộ có một máy vi tính song do máy đã mua lâu nên việc xử lý công việc, gửi, nhận văn bản, giải quyết TTHC trên môi trường mạng có lúc bị chậm; lượng hồ sơ xử lý trực tuyến không cao. 

Thậm chí việc ký số của lãnh đạo xã và văn phòng cũng gặp khó khăn do cấu hình máy thấp, không đáp ứng yêu cầu. Việc này diễn ra trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc của địa phương”. Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã cho rằng để làm tốt công tác chuyển đổi số, ngoài nâng cao năng lực cán bộ, xã đề nghị tỉnh, huyện có cơ chế hỗ trợ các xã, thị trấn, đặc biệt là xã vùng cao các máy vi tính, máy in, máy scan hiện đại, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Tình trạng trên cũng diễn ra ở các huyện: Lục Ngạn, Sơn, Động, Yên Thế, Lục Nam, Tân Yên... Thêm nữa, các sở, ngành, đơn vị, địa phương thiếu chuyên gia giỏi, kỹ sư đầu ngành về CNTT, chuyên nghiệp về phần mềm, bảo mật, công nghệ số. Ba huyện: Yên Thế, Lục Ngạn, Lục Nam chưa bố trí được cán bộ chuyên trách về CNTT. Đối với cấp xã, cán bộ phụ trách CNTT chủ yếu kiêm nhiệm; vì thế khi gặp sự cố bất ngờ thường lúng túng trong khâu xử lý, ảnh hưởng đến thời gian chỉ đạo, điều hành và thực thi nhiệm vụ.

Nguồn kinh phí đầu tư cho ứng dụng CNTT ở các cấp, các ngành còn khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết số 111 là mỗi năm ưu tiên bố trí tối thiểu 2% tổng chi ngân sách thường xuyên các cấp để triển khai thực hiện các hoạt động, chương trình, đề án, dự án phục vụ xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến cơ sở vật chất, nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay là do nguồn lực kinh tế của tỉnh và các địa phương còn khó khăn; thiếu cơ chế đặc thù trong tuyển dụng và chính sách đãi ngộ với công chức chuyên trách CNTT nên chưa thu hút được nguồn nhân lực giỏi vào phục vụ trong các cơ quan nhà nước và các cơ sở đào tạo. Theo ông Thân Minh Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, quy trình đề nghị mua máy vi tính cho cán bộ, công chức sử dụng mất nhiều thời gian, phân bổ theo định mức tiêu chuẩn và cấu hình chung nên chưa phù hợp với từng vị trí việc làm.

Đồng bộ các giải pháp

Kết quả xếp loại chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư năm 2020, Bắc Giang đứng thứ 10/63 tỉnh, TP. Trong đó chỉ số xếp hạng chính quyền số đứng thứ 7, kinh tế số đứng thứ 14, xã hội số đứng thứ 25. Để tiếp tục duy trì thứ hạng và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số trong giai đoạn tiếp theo, Bắc Giang xác định cần tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nâng chất lượng nguồn nhân lực.

Ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Với yêu cầu nhiệm vụ về chuyển đổi số ngày càng cao thì việc phải tăng cường năng lực, bổ sung kinh phí đầu tư trang thiết bị, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT càng cấp thiết. Nhiệm vụ này cũng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ rõ trong Nghị quyết số 111 và kế hoạch triển khai của UBND tỉnh. 

Theo Nghị quyết số 111, mỗi năm ưu tiên bố trí tối thiểu 2% tổng chi ngân sách thường xuyên các cấp để triển khai thực hiện các hoạt động, chương trình, đề án, dự án phục vụ xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số.

Năm 2022, có một số phần việc mới như: Số hóa hồ sơ TTHC tại bộ phận một cửa; thực hiện Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt Đề án 06). 

Để thực hiện tốt các nội dung này đòi hỏi các địa phương phải bổ sung máy scan có độ phân giải cao đáp ứng quy định cho bộ phận một cửa; trang bị máy vi tính, máy in, máy scan đối với bộ phận một cửa của Công an cấp xã để giải quyết 25 dịch vụ công thiết yếu”. 

Trước mắt, những nơi máy vi tính chạy chậm thì bố trí kinh phí nâng cấp cấu hình bằng cách lắp thêm RAM, ổ cứng. Nâng cấp mạng LAN nội bộ, cài đặt sử dụng đường truyền chuyên dùng với các thiết bị ở bộ phận một cửa, hệ thống truyền hình trực tuyến để hoạt động thông suốt. Hiện tỉnh đã cấp đường truyền mạng chuyên dùng đến 209 xã, phường, thị trấn với băng thông lớn.

Theo ông Nguyễn Đình Hiếu, Giám đốc Sở Tài chính, kinh phí bảo đảm đầu tư trang thiết bị như máy vi tính, máy scan, máy in cho bộ phận một cửa cấp xã thuộc nhiệm vụ chi của cấp huyện. Do vậy trong phân bổ dự toán ngân sách hằng năm, các huyện cần chủ động bố trí kinh phí mua sắm thiết bị CNTT cho các xã. 

Về vấn đề mua sắm tập trung, qua thời gian triển khai nhận thấy một số khó khăn, từ tháng 5/2021, Sở Tài chính đã trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định quy định danh mục mua sắm tập trung theo hướng rút gọn còn máy vi tính, máy in; giao các huyện, TP chủ động mua sắm theo danh mục. 

Để tháo gỡ khó khăn, Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, khi xây dựng dự toán ngân sách hằng năm, trên cơ sở rà soát nhu cầu kinh phí, khả năng đáp ứng, các đơn vị đề xuất cụ thể để Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh có hướng bổ sung mục tiêu đối với dự án CNTT cho các địa bàn khó khăn.

Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, vừa qua, HĐND huyện Việt Yên đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022, trong đó bổ sung 40 tỷ đồng để chuyển đổi số; 50 tỷ đồng đầu tư hoặc hỗ trợ xây dựng thiết bị trụ sở bộ phận một cửa các xã, thị trấn. 

Huyện Yên Thế đầu tư gần 300 triệu đồng mua trang thiết bị cho bộ phận một cửa của công an các xã, thị trấn. TP Bắc Giang trích kinh phí hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng cho các đơn vị nâng cấp, chỉnh trang xây dựng mô hình chính quyền thân thiện tại bộ phận một cửa. 

Bà Nguyễn Thị Hồng Vinh, Chủ tịch UBND phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) nói: “Vừa rồi phường dành hơn 700 triệu đồng cải tạo trụ sở làm việc của bộ phận một cửa, mua thêm máy photo, máy scan, máy vi tính... đáp ứng yêu cầu giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân”. 

Hiện Bắc Giang đã thành lập được tổ chuyên gia về chuyển đổi số; xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực chất lượng cao, tập huấn đội ngũ cán bộ CNTT cơ sở. Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích, thu hút đội ngũ làm CNTT phù hợp với nguồn lực của tỉnh.

Mới đây Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động bộ phận một cửa, đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã quan tâm bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, máy móc thiết bị cho bộ phận một cửa và các đơn vị thực hiện Đề án 06. 

Trong đó, ưu tiên bố trí máy tính riêng để hỗ trợ người dân nhập dữ liệu tại bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã; chuẩn bị các điều kiện (về con người, thiết bị) để thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 từ ngày 1/7/2022 và toàn bộ hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC thuộc phạm vi tiếp nhận của bộ phận một cửa cấp huyện từ ngày 1/12/2022, cấp xã từ năm 2023.

Nhiều ý kiến cho rằng tỉnh cần có cơ chế đặc thù trong tuyển dụng, thu hút nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số; thành lập các tổ tư vấn, hướng dẫn mua sắm thiết bị. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là bộ phận một cửa các cấp. Tiếp tục đào tạo, tập huấn chuyên sâu về CNTT, chuyển đổi số cho đội ngũ làm CNTT các cấp và cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

Bài, ảnh: Mỹ Bình - Khôi Nguyên

Tuổi trẻ xung kích chuyển đổi số
(BGĐT)- Với sức trẻ nhiệt huyết, sự năng động, sáng tạo cùng kiến thức nghiệp vụ và nắm bắt công nghệ nhanh, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) Bắc Giang đang xung kích chuyển đổi số (CĐS), góp phần xây dựng quê hương hiện đại, văn minh.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, chương trình về chuyển đổi số
(BGĐT) - Sáng 28/6, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang (gọi tắt là BCĐ) tổ chức phiên họp thứ 2. Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban BCĐ chủ trì buổi làm việc. Cùng dự lãnh đạo các cơ quan thành viên BCĐ. 
Hỗ trợ hợp tác xã chuyển đổi số
(BGĐT) - Nhằm hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) thực hiện số hóa trong sản xuất, kinh doanh, Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang đang triển khai Đề án hỗ trợ phát triển mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu đẩy mạnh chuyển đổi số trong HTX.
Chuyển đổi số trong ngành Y tế: Liên thông các cấp, nâng chất lượng khám, chữa bệnh
(BGĐT) - Ngành Y tế Bắc Giang đang đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong các lĩnh vực quản lý, điều hành và hoạt động khám, chữa bệnh (KCB). Giải pháp này đã mở ra cơ chế liên thông giữa các cấp, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nâng cao Chỉ số chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang
(BGĐT) - Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 2663/KH-UBND ngày 11/6/2022 về nâng cao Chỉ số chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Bắc Giang năm 2022 và các năm tiếp theo.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...