Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 33 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chuyển đổi số
Chuyển đổi số
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Về thôn thông minh đầu tiên của Bắc Giang

Cập nhật: 15:43 ngày 24/01/2023
(BGĐT) - Năm 2022, thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên (Bắc Giang)  được chọn xây dựng mô hình thôn thông minh. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng thuận của người dân, đến nay, Khả Lý Thượng trở thành thôn thông minh đầu tiên của tỉnh với 2 chỉ tiêu chính: Định danh điện tử cho công dân và hoàn thiện sản phẩm được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc.

Xu hướng tất yếu

Thôn Khả Lý Thượng có hơn 1 nghìn hộ dân với hơn 4 nghìn nhân khẩu. Thu nhập chính của người dân từ trồng lúa, dịch vụ buôn bán nhỏ và làm công nhân tại các khu, cụm công nghiệp, nhưng với sự năng động, tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp nên thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt hơn 64,3 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung cả tỉnh. 

Để tạo thuận lợi cho việc giao dịch, bán sản phẩm, nhiều hộ dân, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bán hàng trực tuyến, cung cấp hóa đơn điện tử và giao dịch với khách hàng bằng hình thức chuyển khoản, thay vì tiền mặt, rất thuận lợi. Có thu nhập cao, người dân đóng góp hàng tỷ đồng để sửa sang, nâng cấp, xây mới các công trình nhà văn hóa, như: Khu di tích chùa Vĩnh Hưng (năm 2021), đền thờ Tiến sĩ Đỗ Đồng Dần (năm 2022), lắp đặt wifi miễn phí phục vụ người dân tại nhà văn hóa thôn.

Hộ ông Trần Sỹ Quảng là một trong số những gia đình tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển sản xuất và chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM) ở thôn Khả Lý Thượng. Dù đã gần 80 tuổi nhưng ông Quảng vẫn hăng hái đi đầu khi được vận động làm thẻ định danh cá nhân điện tử, xây dựng thôn thông minh. Hằng ngày ông vẫn đọc báo, tìm kiếm thông tin qua điện thoại di động. Ông nhận định: Xây dựng thôn thông minh là xu thế phát triển tất yếu của nông thôn Việt Nam. Trong đó, số định danh cá nhân có vai trò quan trọng và gắn liền với công dân từ khi sinh ra cho đến khi mất đi. Vì thế, việc tích hợp các giấy tờ liên quan đến nhân thân, sức khỏe… giúp người dân giao dịch thuận tiện hơn. Đỡ phải ôm cả đống giấy tờ lên huyện, lên xã mỗi khi có việc liên quan đến các thủ tục hành chính hay khám, chữa bệnh. Ngoài hăng hái đi đầu, ông Quảng còn động viên 10 người con trong nhà cùng làm thẻ định danh cá nhân trong năm 2022.

{keywords}

Đường về thôn Khả Lý Thượng.

Với sự năng động của mình, hơn chục năm qua, ông Quảng còn cùng gia đình xây dựng Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Gấc Việt với nhiều loại sản phẩm: Tinh dầu gấc, bột gấc sấy lạnh nguyên chất, bột gấc tươi nguyên chất đông lạnh, màng hạt gấc sấy khô và dầu xoa bóp từ hạt gấc xuất khẩu sang Mỹ, Úc… với tổng sản lượng hàng chục tấn/năm, tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục lao động địa phương. Điều đáng nói là hầu hết các khâu sản xuất, giao dịch, bán hàng, thanh toán của HTX được áp dụng công nghệ thông tin. Trong năm 2022, sản phẩm "Tinh dầu gấc" và bột gấc sấy lạnh nguyên chất của HTX được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc QR Code, được bán trực tuyến trên website riêng của HTX. Cho phép người tiêu dùng truy vết, thu thập thông tin chi tiết đến từng công đoạn sản xuất, chế biến và phân phối.

Chung tay thực hiện tiêu chí chưa có tiền lệ

Năm 2022, thôn Khả Lý Thượng được giao nhiệm vụ xây dựng mô hình “thôn thông minh”. Theo quy định của bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu và thôn thông minh, Khả Lý Thượng phải hoàn thành 2 chỉ tiêu, gồm: Thôn phải có từ 25% dân số sử dụng định danh cá nhân điện tử trở lên và xây dựng ít nhất 1 mô hình sản xuất ứng dụng quản lý nông nghiệp thông minh, hoặc mô hình triển khai các ứng dụng giao dịch trực tuyến trên sàn giao dịch điện tử.

Bà Nguyễn Thị Đăng, Bí thư Chi bộ thôn Khả Lý Thượng chia sẻ: "Khi nhận nhiệm vụ, Chi ủy Chi bộ, Ban quản lý thôn không khỏi lo lắng bởi công việc xây dựng thôn thông minh chưa có tiền lệ. Việc áp dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số hay đăng ký xây dựng định danh cá nhân điện tử cũng cần phải có điện thoại thông minh. Tuy nhiên, ở làng quê, không phải ai cũng có điện thoại thông minh và biết sử dụng các phần mềm liên quan đến công nghệ thông tin, đặc biệt là người cao tuổi. Bên cạnh đó, còn rất nhiều người chưa hiểu tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, xây dựng mô hình thôn thông minh".

Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, thôn thông minh phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về hạ tầng Internet cáp quang và thông tin di động 3G/4G đến thôn. Cán bộ thôn có áp dụng các nền tảng số để thực hiện thông tin, liên lạc, tuyên truyền trong thôn. Thôn có ít nhất một mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào một trong các lĩnh vực: An ninh trật tự, an toàn giao thông, sản xuất - kinh doanh, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch... Tỷ lệ người dân sử dụng định danh cá nhân điện tử từ 25% trở lên.

Nhận chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sau khi rà soát, Ban quản lý thôn thực hiện phương châm vừa tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, trong hội nghị của chi bộ và các đoàn thể, vừa yêu cầu đảng viên gương mẫu, đồng thời đến từng hộ có điện thoại thông minh, hộ có người uy tín vận động làm định danh cá nhân trước để bà con học tập làm theo. Ngoài ra, thôn còn thành lập tổ tư vấn cộng đồng, phối hợp với các đoàn thể, đảng viên sinh hoạt nơi cư trú và khối phụ huynh trong các trường học trên địa bàn cùng vận động bà con tham gia làm định danh cá nhân, hướng dẫn cài đặt sổ sức khỏe điện tử.

Nhờ cách làm này, đến nay, Khả Lý Thượng có hơn 27,5% dân số được tích hợp thông tin cơ bản về nhân thân thông qua mã định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia, vượt chỉ tiêu hơn 2,5%. Tỷ lệ người được quản lý sức khỏe đạt 99,8%; người tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đạt 41%; dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử đạt 78%. Khả Lý Thượng tiếp tục được đầu tư nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng, hạ tầng Internet cáp quang tốc độ cao phục vụ phát triển kinh tế số. HTX Nông nghiệp Gấc Việt được xã Quảng Minh và thôn Khả Lý Thượng lựa chọn xây dựng thành mô hình sản xuất tiêu biểu, có sản phẩm được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc, phù hợp với chỉ tiêu thôn thông minh.

Ông Trần Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Minh khẳng định: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống đang ngày càng phổ biến ở khu vực nông thôn. Nhờ có sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân, đến nay Khả Lý Thượng đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng thôn thông minh, giúp người dân ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống thường nhật, tiếp cận nhanh hơn cơ sở dữ liệu liên quan đến đất đai, môi trường, dịch vụ công trực tuyến… Đồng thời giúp xã Quảng Minh sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh trong năm 2022, góp phần xây dựng nông thôn Bắc Giang ngày càng văn minh, hiện đại”.

Bài, ảnh: Thế Đại

Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đã đăng ký trong năm 2023
(BGĐT) - Ngày 30/12, huyện Việt Yên (Bắc Giang) tổ chức hội nghị tổng kết công tác Đảng, chính quyền, thi đua khen thưởng năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Dự hội nghị có đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.
Việt Yên: Mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP
(BGĐT) - Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, UBND huyện Việt Yên (Bắc Giang) và các cơ quan chuyên môn đã quan tâm phát triển sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Công bố quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung
(BGĐT) - Ngày 10/12, tại tổ dân phố Yên Ninh, thị trấn Nếnh (Việt Yên - Bắc Giang), UBND huyện Việt Yên tổ chức lễ công bố quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh, công nhận điểm du lịch di tích đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung; khánh thành tượng đài Danh nhân văn hóa, Tiến sĩ Thân Nhân Trung.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...