Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phòng, chống dịch Covid-19
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kịp thời phân loại, điều trị bệnh nhân Covid-19

Cập nhật: 09:40 ngày 15/11/2021
(BGĐT) - Thời gian qua, do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang diễn biến mới phức tạp khiến số ca nhiễm tăng cao. Để kịp thời điều trị, từ tối 31/10, Bệnh viện dã chiến số 2 (Nhà thi đấu thể thao tỉnh) hoạt động trở lại để chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Vừa điều trị, vừa ổn định tâm lý người bệnh

Đây là lần kích hoạt thứ hai nên bộ máy của Bệnh viện dã chiến nhanh chóng hoạt động nhịp nhàng. Ngay đêm đầu tiên sau khi kích hoạt, Bệnh viện tiếp nhận 47 bệnh nhân và được phân loại điều trị theo cấp độ như: Bệnh nhân không có triệu chứng, bệnh nhân có triệu chứng nhẹ... Hiện Bệnh viện đang trưng tập 85 cán bộ, nhân viên y tế ở 4 bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Sản - Nhi, Tâm thần, Ung bướu và Trung tâm Y tế huyện Yên Thế làm nhiệm vụ. Đây đều là những cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế có kinh nghiệm điều trị qua nhiều đợt dịch.

{keywords}

Trao giấy ra viện cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2.

Dù đang thu dung điều trị cho những trường hợp không có triệu chứng và người bệnh nhẹ nhưng để các ca bệnh không chuyển nặng là nỗ lực không ngừng của đội ngũ thầy thuốc. Bởi vậy, bác sĩ, điều dưỡng luôn phải theo dõi chặt chẽ những dấu hiệu thay đổi triệu chứng, kết hợp với đánh giá thể trạng từng ca bệnh nhằm xác định hướng điều trị phù hợp. Ngay các thành viên ban giám đốc như bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Như Phố, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 2 cũng trực tiếp khám, chỉ định dùng thuốc cho bệnh nhân. Ở đây, tất cả đều bận rộn, gấp gáp để cứu chữa cho bệnh nhân Covid-19.

Theo bác sĩ Nguyễn Như Phố, đối với các ca bệnh nhẹ, ngoài dùng thuốc kháng virus, điều quan trọng là bệnh nhân phải lạc quan, hợp tác điều trị. Trong khi đa số bệnh nhân dù nhập viện nhưng vẫn phải hỗ trợ lực lượng chức năng truy vết các yếu tố dịch tễ, lịch trình tiếp xúc nên họ luôn lo lắng bản thân đã làm lây bệnh cho người thân, bạn bè. Do đó, ngoài điều trị, chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, các bác sĩ, điều dưỡng còn động viên người bệnh ổn định tâm lý, chịu khó ăn uống để nhanh chóng khỏi bệnh.

Qua điện thoại, anh N.V.H ở thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) đang điều trị tại đây cho biết: “Tôi nhập viện với triệu chứng ho, sốt, khó thở, tức ngực. Điều trị được 7 ngày, tôi thấy mình khỏe dần lên. 2 lần xét nghiệm gần đây, bác sĩ cho biết tải lượng virus trong phổi giảm nhiều và dự kiến sẽ được ra viện trong vài ngày tới. Điều tôi cảm động nhất trong những ngày ở đây là các y, bác sĩ luôn quan tâm điều trị, sẻ chia, động viên, tạo mọi điều kiện sinh hoạt tốt nhất để bệnh nhân yên tâm điều trị”.

Có những thời điểm, Bệnh viện tiếp nhận từ 50-60 ca nhiễm/ngày, các bác sĩ, điều dưỡng đều tập trung cao thu dung, sàng lọc, phân luồng, chỉ định điều trị, phục vụ ăn uống, sinh hoạt cho bệnh nhân. Từ kinh nghiệm điều trị khỏi bệnh cho hàng nghìn bệnh nhân trước đó, Bệnh viện tiếp tục triển khai phác đồ điều trị theo yêu cầu của Bộ Y tế. Đồng thời cử nhóm kỹ thuật viên pha chế nước muối loãng cấp cho nhân viên y tế, bệnh nhân làm nước súc miệng hằng ngày để sát khuẩn vòm họng, ngăn ngừa virus tấn công sâu vào đường hô hấp dưới. 

Đến ngày 14/11, Bệnh viện dã chiến số 2 đang điều trị cho 422 bệnh nhân. Theo đánh giá của Ban Giám đốc Bệnh viện, tình trạng nhiễm bệnh trong đợt điều trị này khác nhiều so với đợt tháng 5 và 6/2021. Số bệnh nhân nhiễm từ ngày 26/10 đến nay chủ yếu là bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng do phần lớn người nhiễm đã được tiêm vắc-xin, đặc biệt chưa có bệnh nhân nguy kịch, tử vong.

Bên cạnh đó, Bệnh viện đưa vào sử dụng robot khử khuẩn môi trường buồng bệnh, hành lang, đo thân nhiệt cho người bệnh, vận chuyển thức ăn, vật dụng y tế, thay thế sức người, giảm tải công việc và giúp nhân viên y tế hạn chế tiếp xúc với người bệnh, phòng tránh lây nhiễm chéo.

Để thuận lợi cho việc chăm sóc bệnh nhân và bảo đảm sức khỏe bác sĩ, nhân viên y tế làm việc lâu dài, Bệnh viện bố trí 3 ca làm việc liên tục. Hết ca trực, nhân viên y tế nghỉ ngơi ở tòa nhà phụ trợ phía ngoài nhưng vẫn trong khu vực cách ly của Bệnh viện dã chiến. Mặc dù chia ca nhưng những ngày này lượng bệnh nhân đông nên hết ca trực, nhiều nhân viên y tế vẫn ở lại hỗ trợ đồng nghiệp.

Sẵn sàng bảo vệ sức khỏe nhân dân

Trong cuộc chiến chống dịch bệnh, đội ngũ y, bác sĩ luôn xác định không được phép buông tay, vượt lên mọi gian khổ, sẵn sàng đón nhận rủi ro về mình để bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần chiến thắng dịch bệnh. Vì vậy, dù công việc vất vả, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng các bác sĩ, điều dưỡng vẫn tập trung cao cho công tác điều trị. 

{keywords}

Các bác sĩ, nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 2.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hảo đang làm việc tại đây chia sẻ: “Suốt 7 tháng làm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, tôi đã chứng kiến nhiều gia đình phải ly tán để cách ly, điều trị, trong đó có một số em nhỏ cũng nhiễm bệnh. Dù luôn làm việc trong bộ đồ bảo hộ ướt sũng mồ hôi, khuôn mặt hằn đỏ vết khẩu trang nhưng chúng tôi vẫn tự nhủ, mỗi người cố gắng thêm một chút để cuộc chiến chống Covid-19 sớm được đẩy lùi”.

Đến ngày 14/11, Bệnh viện đang điều trị cho 422 bệnh nhân. Theo đánh giá của Ban Giám đốc Bệnh viện, tình trạng nhiễm bệnh trong đợt điều trị này khác nhiều so với đợt tháng 5 và 6/2021. Số bệnh nhân nhiễm từ ngày 26/10 đến nay chủ yếu là bệnh nhân nhẹ và không có triệu chứng do phần lớn người nhiễm đã được tiêm vắc-xin, đặc biệt chưa có bệnh nhân nguy kịch, tử vong. 

Tuy nhiên, có một số ca bệnh vẫn có hình ảnh tổn thương phổi cần được chăm sóc, điều trị tích cực. Trong khi máy móc, thiết bị tại hai trung tâm hồi sức tích cực (ICU) của tỉnh tạm thời được chuyển vào hỗ trợ các tỉnh, TP phía Nam nên các ca bệnh nặng được đưa vào điều trị tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Những ngày gần đây, số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh, ra viện đông là động lực giúp cán bộ, nhân viên y tế tiếp tục làm việc. Bệnh nhân khi nhập viện mang theo biết bao lo lắng, bất an nhưng được các bác sĩ tận tâm chữa trị, động viên đã nhanh chóng khỏi bệnh và xuất viện. Các bệnh nhân phấn khởi khi trở lại cuộc sống thường ngày và luôn trân trọng tình cảm, trách nhiệm của những thầy thuốc đã đồng hành cùng người bệnh trong thời điểm khó khăn nhất.

Bài, ảnh: Minh Thu
Ai cần tiêm liều vaccine Covid-19 thứ ba?
Mũi vaccine thứ ba được xem là liều tăng cường, ưu tiên tiêm cho đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền và lực lượng tuyến đầu, theo chuyên gia.
Chính phủ thảo luận về Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19
Chiều 13/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11/2021. Cuộc họp thảo luận Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2023; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Thống nhất dùng chung một ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19
Thống nhất sử dụng chung ứng dụng PC-Covid phòng, chống dịch Covid-19 để thuận tiện nhất cho người dân, do vậy các địa phương không phát triển thêm phần mềm ứng dụng phòng, chống dịch khác. Thông tin trên được Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết hôm nay, 13/11.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...