Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mùa vàng

Cập nhật: 08:09 ngày 03/08/2017
(BGĐT) - Hôm qua (2-8), UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức tổng kết tiêu thụ vải thiều. Nói như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải phát biểu tại hội nghị: “Bao năm chúng ta tổ chức tiêu thụ vải thiều nhưng năm nay là thành công nhất”. Không quá lời khi nói, mùa vải năm nay là mùa vàng!

Có lẽ chưa bao giờ người trồng vải dám mơ, vải của mình bán tới giá 80.000 đồng/kg. Ấy thế mà có thật! Tuần lễ tiêu thụ vải thiều ở Hà Nội, giá bán lẻ đã lên tới 72.000 đồng/kg. Lúc cao điểm, vải chạm mốc 80.000 đồng- một giá chưa bao giờ có của quả vải.

Vải năm nay mất mùa, sản lượng thấp, chỉ bằng quá nửa năm trước nhưng giá trị quả vải lại tăng cao. Tính bình quân, giá vải cả vụ khoảng 35.000 đồng/kg, tăng gấp hơn hai lần so với năm 2016. Tổng thu từ quả vải và dịch vụ phụ trợ đạt hơn 5.000 tỷ đồng.

Có nhiều yếu tố để quả vải “thắng” ở vụ này, trong đó không thể không kể đến yếu tố thị trường và chất lượng quả vải. Với sản lượng hơn 100.000 tấn, một nửa vải bán “ở nhà” (thị trường nội địa), một nửa xuất khẩu. Ngoài thị trường truyền thống Trung Quốc, năm nay vải đi xa hơn, sang Mỹ, Úc, Dubai, Canada, Thái Lan... Cùng đó, kênh phân phối nội địa được coi trọng; vừa vào được nhiều hệ thống siêu thị, vừa bán được giá ra thị trường chợ truyền thống, không lo tư thương ép giá.

Chất lượng vải cũng là điều làm nên giá trị khác biệt và thành công của vụ này. Vải có tem, nhãn, đóng gói bao bì; người dân ở đâu ăn đều có thể biết nguồn gốc, xem có đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hay không... Chưa kể, vườn vải sạch tăng theo từng năm, hiện một nửa diện tích là trồng theo tiêu chuẩn, không lo còn thuốc trừ sâu...

Bên cạnh những thành công, những niềm vui hân hoan của một mùa vàng, vẫn còn nhiều điều cả chính quyền và người dân cùng suy nghĩ, sao cho vụ mùa năm sau và những năm tiếp theo, vải được mùa, được giá hơn. Nói gì thì nói, chất lượng quả vải vẫn phải được đặt lên hàng đầu, cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Không thể có túi vải dán tem nhãn “sạch” mà vẫn còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; trồng ở vùng VietGAP, GlobalGAP mà sâu cuống, mã không tươi. Ngoài ra, thời vụ vải thiều ngắn, liệu có thể rải vụ, kéo dài thời gian ra quả lâu hơn nữa hoặc nếu không, cách bảo quản, chế biến vải khô như thế nào? Đặc biệt, việc áp dụng khoa học vào trồng vải ra sao để làm chủ thời tiết, “bắt” vải ra hoa, đậu quả theo ý người chứ không phải ý trời...

Khép lại một vụ vải thiều với nhiều thành công để chúng ta thêm nhiều kinh nghiệm cho một vụ mùa mới, thêm nhiều mùa vàng hơn.

Hương Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...