Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Tuổi thơ

Cập nhật: 12:15 ngày 08/01/2022
  

Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng

cỏ và lúa và hoa hoang quả dại

vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải

bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua

Tuổi thơ tôi trắng muốt cánh cò

con sáo mỏ vàng, con chào mào đỏ đít

con chim trả bắn mũi tên xanh biếc

con chích chòe đánh thức buổi ban mai

Tuổi thơ tôi cứ ngỡ mất đi rồi

năm tháng trôi qua không bao giờ chảy lại

cái năm tháng mong manh mà vững chãi

con dấu đất đai tươi rói mãi đây này

Người ở rừng mang vết suối vết cây

người mạn bể có chút sóng chút gió

người thành thị mang nét đường nét phố

như tôi mang dấu ruộng dấu vườn

Con dấu chìm chạm trổ ở trong xương

thời thơ ấu không thể nào đánh đổi

trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội

có một miền quê trong đi đứng nói cười

Tuổi thơ nào cũng sẽ hiện ra thôi

dầu chúng ta cứ việc già nua tất

xin thương mến đến tận cùng chân thật

những miền quê gương mặt bạn bè.

Nguyễn Duy

Lời bình:

Ai cũng đã từng có một tuổi thơ đẹp đẽ, để nhớ, để mong. Dấu ấn tuổi thơ theo ta suốt cuộc đời đến khi về cõi. Bài thơ "Tuổi thơ" của nhà thơ Nguyễn Duy chia hai phần tách bạch nhưng vẫn gắn vào kết cấu trong một tổng thể. Phần một là tuổi thơ của tác giả, với những ký ức sống động của quê hương xứ Thanh với những nét nguyên sơ thiên nhiên một thuở đầy "dấu yêu". 

{keywords}

Minh họa: Duy Lập

Phần hai tác giả tìm sự hòa nhập cộng hưởng với mọi kiếp người trong cộng đồng những nét phổ quát của sự thương mến bao dung muôn thuở. Dấu ấn tuổi thơ anh in đậm trong ta "bát ngát cánh đồng", "cỏ và lúa", "hoa hoang quả dại", "vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải"... "bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua", với "con chim trả bắn mũi tên xanh biếc", "con chích chòe đánh thức buổi ban mai". 

Ký ức hiện ra với thiên nhiên nhiều sắc điệu, như từ giấc mơ ẩn chìm trong tiềm thức phát lộ để lại vệt nhớ khó nhòa lẫn: Cái năm tháng mong manh và vững chãi/ con dấu đất đai tươi rói mãi đây này. Trong sự phát hiện cái thực thể vùng miền để lại dấu ấn trong mỗi người mới khác biệt làm sao, hình thành đa dạng phổ biến trong cộng đồng dân cư như lời tâm sự của tác giả: Người ở rừng mang vết suối vết cây/ người mạn bể có chút sóng chút gió/ người thành thị mang nét đường nét phố/ như tôi mang dấu ruộng dấu vườn.

 Và Con dấu chìm chạm trổ ở trong xương lặn sâu trong thời thơ ấu chẳng thể nào biến đổi được theo ta suốt cuộc đời, theo ta mọi nơi, mọi chốn, khuất lấp đấy mà cũng hiển lộ đấy như "hình với bóng" và "chập chờn nguồn cội", ai cũng có "một miền quê trong đi đứng nói cười". Tuổi thơ lại hiện ra rồi như một trò đùa của số phận như linh cảm đời sống chảy trôi "dẫu chúng ta cứ việc già nua tất". Và nhà thơ lại muốn cất lên tiếng lòng mình trong hòa đồng với mọi kiếp người tất thảy đều hữu hạn rằng: Xin thương mến đến tận cùng chân thật/ những miền quê gương mặt bạn bè.

Nhà thơ Nguyễn Duy đã đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ (trong quân ngũ anh là lính của Binh chủng Thông tin), từng gặp và chứng kiến nhiều cảnh ngộ, nhiều phận người của mọi miền quê hội tụ trên mọi nẻo đường đất nước nên có sự cảm thông như vậy và dấu ấn tuổi thơ được rung động trong anh để kết đọng trong bài "Tuổi thơ" này.

Nguyễn Thanh Kim (chọn và giới thiệu)

Nhật ký viết bằng thơ lục bát
(BGĐT) - Có thể nói như vậy khi cầm trên tay tập thơ Lục bát mỗi ngày của nhà thơ Đặng Vương Hưng. Cuốn sách dày gần 1.300 trang, in 942 bài thơ lục bát trong suốt chặng đường dài làm thơ của tác giả. 
Đọc lại bài thơ "Hội nghị non sông" của nhà thơ Xuân Diệu
(BGĐT) - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Một trong những nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng của Nhà nước là tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 14 ngày 8/9/1945 và Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945 về tổ chức Tổng tuyển cử. Trên cơ sở đó, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được tiến hành ngày 6/1/1946.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...