Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 26 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cho đi là còn mãi

Cập nhật: 08:56 ngày 07/01/2023
(BGĐT) - Với ước nguyện giúp hồi sinh nhiều cuộc đời, mang lại niềm hạnh phúc cho những số phận không may mắn, nhiều người trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tình nguyện đăng ký hiến mô, tạng. Việc làm của họ thể hiện nghĩa cử nhân văn, cao đẹp về tình người.

Những trái tim nhân ái

"Tôi nay sức khỏe vẫn bình thường, tinh thần minh mẫn, vẫn sống, làm việc và tham gia mọi hoạt động như bao người song cuộc đời ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra. Con người rồi ai cũng phải đi về cõi vĩnh hằng và ở đâu đó trên trái đất này, có nhiều người không may mắn mắc bệnh rất cần được cấy ghép mô, tạng. Với ý nguyện mong muốn của tôi là sau khi qua đời, được đóng góp phần cơ thể của mình cứu chữa họ, đưa họ trở về với mái ấm gia đình…". Đây là nội dung trong bản di chúc hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời của bà Đặng Thị Quý (SN 1964), ở tổ dân phố số 8, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) được lập vào năm 2016. Bản di chúc có xác nhận của chính quyền địa phương, chữ ký của chồng và con gái bà.

{keywords}

Bà Đặng Thị Quý, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) chia sẻ nội dung bản di chúc hiến tặng mô, tạng của mình với đồng nghiệp.

Hiện bà Quý đang làm văn phòng tại Khách sạn Ravatel Home (TP Bắc Giang). Bà cho biết từng xem rất nhiều phóng sự, phim tài liệu trên truyền hình về hiến mô, tạng cứu giúp người bệnh. Mong muốn giúp những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, hy vọng được cứu sống thôi thúc bà làm đơn tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời và lập bản di chúc. "Lúc đầu, khi biết ý định của tôi, con gái tôi lúc đó đang là sinh viên không đồng ý, ôm tôi khóc nức nở, khuyên ngăn tôi không nên làm việc đó. Chồng tôi cũng buồn với quyết định của vợ. Nhiều ngày sau, tôi phân tích, thuyết phục để chồng, con hiểu, cuối cùng mọi người cũng đồng thuận". Không chỉ đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời, đến nay bà Quý còn tình nguyện hiến máu hơn 30 lần.

Ở huyện Tân Yên, việc hiến mô, tạng dần trở thành phong trào, có sức lan tỏa mạnh mẽ với biết bao câu chuyện cảm động, thấm đẫm tình người. Đây cũng là huyện có số người đăng ký hiến mô, tạng nhiều nhất tỉnh. Chị Giáp Thị Hiền, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Tân Yên cho biết, khi mới đảm nhận chức Chủ tịch hội năm 2019, bản thân chị đã tình nguyện đăng ký hiến tạng và vận động nhiều người làm theo. Qua kênh của hội, đến nay, toàn huyện có 85 người đăng ký hiến mô, tạng (giác mạc, tim, gan, thận, phổi..), trong đó có nhiều cặp vợ chồng. Đối tượng hiến đủ các thành phần, từ công chức, viên chức, công nhân, sinh viên đến nông dân, lao động tự do.

{keywords}

Chị Giáp Thị Hiền (ngoài cùng bên phải), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Yên rà soát thẻ đăng ký hiến mô, tạng.

Điển hình như trường hợp em Nguyễn Thu Trang (SN 2003) ở thôn Luông, xã Phúc Sơn (Tân Yên). Bố mất từ khi em 9 tuổi, mẹ làm ruộng, kinh tế gia đình khó khăn. Năm lớp 9, Trang mắc bệnh tim, việc chữa trị vô cùng phức tạp, tốn kém. Bằng ý chí nghị lực, phi thường, Trang đã thi đỗ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng phải bỏ học để chữa bệnh. Được các nhà hảo tâm ủng hộ nguồn kinh phí lớn, em đã được chữa trị, sức khỏe tiến triển tốt. Từng là bệnh nhân, lại thường xuyên tận mắt chứng kiến những em bé không có được tim hay giác mạc phù hợp để ghép, Trang cảm thấy đồng cảm. Ngày 26/3/2021, đúng vào sinh nhật lần thứ 18 của mình, Trang và mẹ đã đến Hội CTĐ huyện Tân Yên đăng ký hiến tạng. Hiện Trang đang theo học năm thứ nhất Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên.

Hay trường hợp của anh Hoàng Đình Sơn (SN 1986), là công nhân quê ở xã Việt Ngọc (Tân Yên) bị tai nạn, liệt bàn tay, sức khỏe giảm sút, vợ là chị Vũ Thị Toàn làm công tác hành chính trường học ở xã Ngọc Vân cũng rất đáng trân trọng. Trước đây, vợ chồng không nghĩ đến việc đăng ký hiến mô, tạng vì ở quê hiếm ai làm việc này. Qua xem sách, báo, ti vi, mạng xã hội và được tuyên truyền, cả anh chị đã đăng ký hiến. "Nếu như điều không may xảy đến với mình, mình không còn cơ hội sống mà trao được cơ hội sống cho người khác là điều vô cùng nhân văn, ý nghĩa", chị Toàn bộc bạch.

Nhân lên nghĩa cử cao đẹp

Hiện nay, cả nước có hàng vạn bệnh nhân trong danh sách chờ được cấy ghép mô, tạng để tiếp thêm sự sống. Đối với họ, sự sống hay cái chết phụ thuộc vào sự tử tế, lòng nhân ái của những người hiến. Thực tế, so với hiến máu, việc tuyên truyền để mọi người đăng ký hiến mô, tạng khó khăn gấp bội phần. Yếu tố văn hóa tâm linh, tư duy "chết chưa phải là hết"; phong tục, tập quán vùng, miền và mong muốn thân xác của người qua đời phải còn nguyên vẹn của các gia đình, thân nhân người đăng ký hiến là những rào cản lớn không dễ vượt qua. Thế nhưng, bằng tấm lòng nhân văn, không ít người đã vượt qua rào cản ấy để thực hiện tâm nguyện của mình.

{keywords}

Bà Đặng Thị Quý, phường Trần Nguyên Hãn  (TP Bắc Giang) với bản di chúc về hiến, tặng mô, tạng.

Chia sẻ với chúng tôi về phong trào hiến mô, tạng trên địa bàn tỉnh thời gian qua, bà Lê Thị Duyên, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh không khỏi xúc động khi hầu hết những cán bộ CTĐ từ tỉnh đến cơ sở đều là những người tiên phong đăng ký hiến. Hiện nay, 100% cán bộ Hội CTĐ tỉnh đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời. Chính sự nêu gương của những người làm công tác nhân đạo đã nhóm lên ngọn lửa nhân văn, lan tỏa những hành động, nghĩa cử cao đẹp trong cộng đồng. Các bài viết, hình ảnh trên báo chí, qua mạng xã hội, tuyên truyền lồng ghép qua các hội nghị, đợt hiến máu đã tác động sâu sắc đến nhận thức của mỗi người. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 200 trường hợp đăng ký hiến mô, tạng. Con số này có thể lớn hơn vì nhiều trường hợp đăng ký trực tiếp với các bệnh viện, trung tâm y học, trường đại học ở T.Ư.

Một mùa xuân mới đang về mang theo bao niềm tin, khát vọng. Ở nhiều địa phương trong tỉnh vẫn tiếp tục có những người tự nguyện đăng ký  hiến mô, tạng của mình sau khi qua đời. Tư tưởng "cho đi là còn mãi" đã nhen nhóm, thắp lên ngọn lửa nhân văn, chan chứa tình người, làm hồi sinh biết bao cuộc đời, mang lại niềm hạnh phúc vô bờ bến cho bao người.

Thật đáng trân trọng khi có những đảng viên, thương binh đã cống hiến, hy sinh tuổi thanh xuân, bỏ lại một phần cơ thể nơi chiến trường nhưng vẫn là tấm gương sáng, đi đầu trong phong trào hiến mô, tạng. Những ngày Tết cận kề, dù công việc của thôn rất bận song thương binh Thân Văn Sinh (SN 1960), Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội CTĐ thôn Tân Phượng, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) vẫn thu xếp thời gian chia sẻ về việc đăng ký hiến giác mạc. Nhập ngũ năm 1979, trong một lần trinh sát, ông Sinh bị thương do trúng mìn của địch, cụt 1/3 chân trái, vỡ xương và đứt gân chân phải, tỷ lệ thương tật 81%. Về quê hương, ông Sinh vẫn hăng hái tham gia công tác xã hội, từ thiện, nhân đạo. Cũng từ đây, ông thấu hiểu nỗi khát khao, mong mỏi của bệnh nhân khi được ai đó hiến mô, tạng để tiếp thêm sự sống, mang lại hạnh phúc cho họ và gia đình. Năm 2020, ông Sinh tự nguyện đăng ký hiến giác mạc nếu không may qua đời. "Trong chiến tranh, mình chẳng tiếc máu xương, nếu làm được việc thiện để cứu giúp những bệnh nhân không may mắn cũng là tích đức cho con, cháu, gia đình sau này", ông Sinh nói.

Tìm hiểu tại huyện Hiệp Hòa có nhiều trường hợp đã trực tiếp hiến mô, tạng ngay sau khi qua đời với những câu chuyện cảm động. Tháng 10/2019, do bị tai nạn dẫn tới chấn thương sọ não không thể qua khỏi, gia đình anh N.V.S, ở xã Châu Minh đã quyết định hiến tặng toàn bộ mô tạng của anh S để giúp hồi sinh sự sống cho rất nhiều người bệnh. Anh S đã hiến tim, gan, thận, giác mạc, gân, mạch máu để bốn người được hồi sinh. Bộ Y tế, Bệnh viện Việt Đức cùng Hội CTĐ tỉnh, UBND huyện Hiệp Hòa, Đảng ủy, UBND xã Châu Minh đã tổ chức truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho anh S. Cuối năm 2019, anh N.T.M (SN 2000), ở xã Lương Phong (Hiệp Hòa) bị tai nạn nguy kịch. Khi biết anh M không còn cơ hội sống, gia đình gặp bác sĩ, bày tỏ nguyện vọng hiến tặng tạng của anh M. Sau khi qua đời, Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức đã giữ được mắt, tim, phổi, gan, thận, gân và nhiều mô khác. Ngay hôm đó, phần mô, tạng của M đã được ghép thành công cho bốn bệnh nhân.

Một mùa xuân mới đang về mang theo bao niềm tin, khát vọng. Ở nhiều địa phương trong tỉnh vẫn tiếp tục có những người tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng của mình sau khi qua đời. Tư tưởng "cho đi là còn mãi" của họ đã nhen nhóm, thắp lên ngọn lửa nhân văn, chan chứa tình người, làm hồi sinh biết bao cuộc đời, mang lại niềm hạnh phúc vô bờ bến cho bao người.

Bài, ảnh: Công Doanh

Đậm đà hương vị quà quê
(BGĐT) - Những ngày này ở các làng nghề trong tỉnh Bắc Giang đã bắt đầu chộn rộn hương vị Tết cổ truyền. Hơi ấm của các lò sản xuất chè lam, kẹo lạc... như xua bớt không khí giá lạnh ngày đông. 
Cán bộ mặt trận Nguyễn Văn Mùi: Lan tỏa việc tốt, góp sức xây dựng quê hương
(BGĐT) - Vì lợi ích chung, người dân xã Mỹ Thái, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã hiến hàng nghìn mét vuông đất xây dựng nhiều công trình phúc lợi, làm đẹp cho quê hương. Người tích cực tham gia vận động nhân dân hiến đất là ông Nguyễn Văn Mùi (SN 1967), Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã. 
Trung tướng, Anh hùng, phi công Phạm Tuân: “Quê hương, đất nước chắp cánh tôi bay”
(BGĐT) - Phi công Phạm Tuân - người Việt Nam được thế giới biết đến với lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ khi lập nên những kỷ lục: Người đầu tiên bắn hạ máy bay B52 từ trên không và trở về an toàn; người châu Á đầu tiên bay lên vũ trụ; ba lần được tặng danh hiệu Anh hùng. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...