Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sau khi sử dụng sản phẩm Kangjuntai: Lợn vẫn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi

Cập nhật: 12:53 ngày 10/07/2019
(BGĐT) - Ngày 21-6 và 01-7-2019, báo Bắc Giang điện tử đăng bài “Sử dụng thuốc bổ trợ chăn nuôi chưa kiểm định ở Bắc Giang: Cẩn trọng, tránh chuốc thêm thiệt hại”; “Sản phẩm Kangjuntai của Công ty Amavet không phải là thuốc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi”.
Các bài báo nêu hiện tượng nhân viên của Công ty cổ phần Kinh doanh thuốc thú y Amavet (Công ty Amavet) quảng cáo, bán thuốc thú y tại Bắc Giang không đúng với công dụng thật của loại sản phẩm này và phản ánh thông tin trong buổi làm việc giữa Công ty Amavet với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang về nội dung báo nêu. Tại buổi làm việc, phía Công ty Amavet đã cung cấp các chứng nhận liên quan đến: Nguồn gốc, công dụng, các tài liệu về sản phẩm Kangjuntai khi được sử dụng tại thị trường Trung Quốc trong phòng, chống bệnh DTLCP... 

Đại diện phía Công ty Amavet thừa nhận sản phẩm Kangjuntai không phải là thuốc phòng, chống bệnh DTLCP mà chỉ là thức ăn chăn nuôi, có công dụng bổ sung Enzyme (Lysozyme) trong thức ăn gia súc, gia cầm, hỗ trợ tăng sức đề kháng cho lợn, do hãng Hangzhou King Techina Feed Co.,Ltd, China sản xuất. Lô hàng nhập về từ ngày 14-5-2019, được Cục Chăn nuôi cho phép lưu hành tại Việt Nam trong vòng 5 năm kể từ ngày ký. 

{keywords}

Ông Tuấn (thứ 2 bên phải sang) trao đổi với đoàn công tác về cách thức sử dụng sản phẩm Kangjuntai.

Tại Bắc Giang đã có 12 hộ trên địa bàn các huyện: Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Thế, Việt Yên đang sử dụng sản phẩm này trên đàn lợn. 

Ngày 9-7, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã thành lập đoàn công tác, do ông Lê Văn Dương, Chi cục Phó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y làm trưởng đoàn, có đại diện Công ty Amavet là ông Nguyễn Văn Hoằng, tiến hành kiểm tra một số đàn lợn ở địa bàn Tân Yên để đánh giá tác động của sản phẩm này. 

Ông Hoằng cho biết, sau gần 2 tháng sử dụng Kangjuntai, các đàn lợn đều khỏe mạnh. Ông đưa đoàn công tác đến 2 cơ sở chăn nuôi là hộ ông Phạm Ngọc Thanh, thôn Ngọc Linh, xã Ngọc Châu và hộ ông Nguyễn Quốc Tuấn, thôn Ngòi Lan, xã Lan Giới để kiểm tra.

Quan sát thực tế, 2 đàn lợn phát triển bình thường. Gia đình ông Thanh (có 200 lợn thịt, 45 lợn nái, 5 lợn đực) và ông Tuấn (có 70 lợn thịt, 22 lợn nái) đã cho các đàn lợn của mình sử dụng hợp chất này được 40 ngày.

Ông Thanh và ông Tuấn đều có chung nhận xét: Sau khi sử dụng Kangjuntai lợn  da sáng hơn, tăng cân nhỉnh hơn các lứa trước.

{keywords}

Đàn lợn nhà ông Thanh và ông Tuấn đến thời điểm này vẫn khỏe mạnh.

Tuy nhiên, không phải đàn lợn nào sau khi sử dụng sản phẩm Kangjuntai cũng cho kết quả như 2 hộ trên. Bà Phạm Thị Lan, thôn Bằng Cục, xã Ngọc Châu (Tân Yên) chia sẻ, bà cũng mua 4kg Kangjuntai về dùng nhưng lợn nhà bà nhiều con vẫn bị ốm, một số đã chết. Hiện bà không tiếp tục sử dụng sản phẩm này.

Còn ông Trịnh Xuân Toản, thôn Đồng Tâm, xã Đồng Kỳ (Yên Thế) cho hay: “Tôi mua một bao Kangjuntai 20kg (16 triệu đồng) về dùng thử nhưng vì giá sản phẩm này quá cao lại không có tác dụng kháng vi rút DTLCP như quảng cáo nên tôi không dùng nữa”. 

“Nếu dùng Kangjuntai, các hộ cũng chỉ nên sử dụng sản phẩm này cho đàn lợn nái. Để phòng, chống bệnh DTLCP hiệu quả, chủ nuôi vẫn phải tuyệt đối áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học”, ông Lê Văn Dương, Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y nói.

Được biết, ngày 25-6 đàn lợn 99 con (trong đó có 28 con nái) của hộ ông Nguyễn Văn Lộc, thôn Ngàn Am, xã An Dương (Tân Yên) đã bị tiêu hủy do mắc bệnh DTLCP, mặc dù trước đó ông Lộc cũng cho đàn lợn của mình dùng Kangjuntai hơn 1 tháng. “Tôi còn thừa 8kg Kangjuntai, đã trả cho ông Hoằng nhưng chưa được thanh toán tiền”, ông Lộc giãi bày. 

Đáng tiếc là ông Hoằng đã không chia sẻ thông tin của hộ ông Lộc, bà Lan, ông Toản cho đoàn kiểm tra. 

Sau khi kiểm tra thực tế, ông Lê Văn Dương cho rằng, sản phẩm Kangjuntai bước đầu có tác dụng nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, hạn chế một số bệnh thông thường trên đàn lợn. Khi dùng Kangjuntai kết hợp với kháng sinh để phòng và chữa các bệnh khác thấy hiệu quả kháng sinh nâng lên. Tuy nhiên, nếu dùng đơn sản phẩm này để đánh giá hiệu quả thì vẫn chưa có ứng dụng, cần kiểm chứng thêm. 

{keywords}

Ông Hoằng (bên phải) và ông Tuấn với bao sản phẩm Kangjuntai.

Ông Dương khuyến cáo: “Sản phẩm Kangjuntai có giá hơn 800 nghìn đồng/kg, theo công thức trộn từ 1 đến 2kg Kangjuntai/tấn thức ăn (tùy theo đối tượng lợn) như vậy giá thành chăn nuôi sẽ bị đội lên rất cao, bởi giá thức ăn tăng từ 800 đồng đến 1,6 nghìn đồng/kg. Người chăn nuôi sẽ không có lãi khi sử dụng sản phẩm này lâu dài trên đàn lợn thịt. Do đó nếu dùng, các hộ cũng chỉ nên sử dụng sản phẩm này cho đàn lợn nái. Để phòng, chống bệnh DTLCP hiệu quả, chủ nuôi vẫn phải tuyệt đối áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học”. 

Sản phẩm Kangjuntai của Công ty Amavet không phải là thuốc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi
(BGĐT) - Ngày 21-6-2019, Báo Bắc Giang điện tử đăng bài “Sử dụng thuốc bổ trợ chăn nuôi chưa kiểm định ở Bắc Giang: Cẩn trọng, tránh chuốc thêm thiệt hại”. Nội dung nêu về hiện tượng nhân viên của Công ty cổ phần Kinh doanh thuốc thú y Amavet (Công ty Amavet) quảng cáo, bán thuốc thú y tại địa bàn huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang không đúng với công dụng thật của loại sản  phẩm này. 
Sử dụng thuốc bổ trợ chăn nuôi chưa kiểm định ở Bắc Giang: Cẩn trọng, tránh chuốc thêm thiệt hại
(BGĐT)- Gần một tháng qua, nhiều chủ trang trại trên địa bàn huyện Tân Yên (Bắc Giang) sử dụng một loại thuốc bổ trợ, trộn vào cám cho lợn ăn với lời quảng cáo có tác dụng làm ức chế sự phát triển của vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Loại thuốc này do một nhóm người xưng danh là nhân viên của Công ty cổ phần kinh doanh thuốc thú y Amavet cung cấp và hướng dẫn sử dụng. 
 
Nhóm PVKT 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...