Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 25 °C / 23 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phòng, chống dịch Covid-19
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

“Dịch bệnh là chiến trận, thầy thuốc là chiến sĩ”

Cập nhật: 07:00 ngày 26/02/2020
(BGĐT) - Năm nay, đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế đón lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi cấp đang hoành hành ở quốc gia láng giềng Trung Quốc; còn ở trong nước, “cuộc chiến” chống dịch cũng diễn ra đầy cam go, căng thẳng. “Chống dịch như chống giặc”, chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân là sứ mệnh thiêng liêng của những người thầy thuốc. 

Trước thềm lễ kỷ niệm, bác sĩ chuyên khoa II Đặng Thanh Minh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang chia sẻ đôi điều về những “chiến sĩ áo trắng”.

{keywords}

Bác sĩ chuyên khoa II Đặng Thanh Minh

Hẳn ông đã nhiều lần trải qua những đợt chống dịch, nhìn nhận của ông về dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra lần này như thế nào?

Tôi gắn bó với chuyên ngành y tế dự phòng đã nhiều năm và cũng đã tham gia phòng, chống một số dịch bệnh khá lớn và nguy hiểm, điển hình như dịch SARS năm 2003; dịch cúm H1N1 năm 2009 hay dịch MERS-CoV 2012 nhưng chưa lần nào dịch có tốc độ lây lan nhanh và có số người mắc, người chết lớn như dịch bệnh Covid-19 lần này, đó là điều đáng lo ngại.

Trước những thông tin, hình ảnh về công việc và mối nguy hiểm mà các y, bác sĩ ở vùng dịch Vũ Hán (Trung Quốc) phải đối mặt, thậm chí có bác sĩ ở Vũ Hán đã chết vì bị lây nhiễm bệnh và làm việc quá sức được chia sẻ trên các báo và mạng xã hội những ngày qua, cảm nhận của ông như thế nào?

Tôi rất quan tâm và xúc động khi biết được những thông tin như vậy và cảm phục những người đồng nghiệp. Nhưng tôi hiểu, tất cả các bác sĩ, cán bộ y tế khác đều nhận thức rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của mình như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói “Chống dịch như chống giặc”; khi đó thì các bác sĩ, cán bộ y tế chúng tôi sẽ là những người chiến sĩ trên tuyến đầu của nhiệm vụ này, nếu có một chút lo lắng thì cũng là lẽ thường, nhưng là chiến sĩ, tất cả anh chị em đều hiểu và xác định rằng, thiệt thòi, hy sinh, mất mát là khó tránh khỏi nhưng chúng tôi đã sẵn sàng cho điều đó để chiến thắng bệnh dịch.

{keywords}

“Chống dịch như chống giặc”; các bác sĩ, cán bộ y tế chúng tôi sẽ là những người chiến sĩ trên tuyến đầu của nhiệm vụ này; đều hiểu và xác định rằng, thiệt thòi, hy sinh, mất mát là khó tránh khỏi nhưng chúng tôi đã sẵn sàng cho điều đó để chiến thắng bệnh dịch”.   

Bác sĩ chuyên khoa II Đặng Thanh Minh.

Nhiều người bày tỏ nỗi trăn trở nếu điều không mong muốn xảy ra là chúng ta phải đối mặt với dịch bệnh, “y, bác sĩ cứu chữa người bệnh, bảo vệ người dân khỏi dịch bệnh, ai bảo vệ y, bác sĩ”. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi không nghĩ vậy, có thể lúc bình thường, khi xảy ra một số vấn đề thì đó là điều băn khoăn, trăn trở thật, nhưng khi đối mặt với dịch bệnh chúng tôi cũng như người chiến sĩ khi đối mặt với cuộc chiến, người chiến sĩ phải hiểu rõ, trong cuộc chiến người bảo vệ mình là chính mình và đồng đội của mình. Các y, bác sĩ chúng tôi cũng vậy, trước áp lực căng thẳng, nguy hiểm của công việc thì trước hết phải tự bảo vệ mình chính bằng việc tuân thủ quy tắc chuyên môn nghiêm ngặt nhất và khi cần giúp đỡ nhau thì theo đúng tinh thần lời thề Hippocrates mà mọi bác sĩ đều được học và đã thấm nhuần từ khi còn học ở trường Y.

Nhiều ý kiến cho rằng khi dịch bệnh xảy ra mới thấy điều kiện để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch còn thiếu thốn, khó khăn rất nhiều, vậy cụ thể ở đây là gì, vì sao lại có tình trạng này thưa ông?

Những ý kiến như vậy phản ánh đúng thực tế hiện nay và đó là áp lực rất lớn, cụ thể là thiếu rất nhiều thứ, từ máy móc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thậm chí cả đội ngũ y, bác sĩ, nhưng điều đó là không thể tránh khỏi vì hai lý do chính:

Một là, khi dịch xảy ra cần một lượng khổng lồ các nguồn lực để chống dịch mà không một địa phương hay quốc gia nào có thể chuẩn bị đầy đủ trước được. Như chúng ta thấy dịch hoành hành ở Vũ Hán thì cả đất nước Trung Quốc phải tập trung nguồn lực cho Vũ Hán và Trung Quốc cũng cần có sự hỗ trợ của quốc tế.

Hai là, nhu cầu về các máy móc, vật tư đặc biệt là thuốc, hóa chất và rất nhiều vật tư khác cho phòng, chống dịch khi dịch bệnh xảy ra sẽ tăng cao đột ngột và bất thường gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm, hàng nghìn lần so với lúc bình thường tùy diễn biến của dịch, vì vậy rất khó để chuẩn bị đầy đủ từ trước khi dịch xảy ra.

Do đó việc chủ động chuẩn bị trước là rất cần thiết, nhưng chủ yếu mới chỉ chuẩn bị được để xử lý những tình huống dịch ở cấp độ thấp. Khi cấp độ dịch tăng, lây lan rộng nhất định phải bổ sung và phải huy động toàn lực để chống dịch.

{keywords}

Cán bộ Khoa Xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang 

thực hiện nghiệp vụ.

Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm, coi trọng đến lĩnh vực y tế dự phòng, điều minh chứng là đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị của các cấp ủy đảng, chính quyền xác định ưu tiên cho lĩnh vực y tế dự phòng và công tác y tế dự phòng những năm qua đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu rất lớn, đạt được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ được quốc tế công nhận. Chỉ tiếc là do hạn chế về nguồn lực, một vài hoạt động y tế dự phòng còn gặp khó khăn.

Theo ông cần làm gì để công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn không chỉ cho riêng lần dịch này?

Đúng là còn rất nhiều việc phải làm, như một số ý kiến cho rằng cần phải cải tiến hệ thống y tế dự phòng, điều đó hoàn toàn cần thiết. Trước hết là về tổ chức, nhân lực, làm sao để có bộ máy tổ chức thống nhất đồng bộ, hiệu quả từ cấp trung ương đến tận xã, phường, thôn, bản. Trong tình hình cán bộ y tế đều muốn làm công tác điều trị thì làm thế nào, cần có chính sách gì để thu hút người giỏi làm công tác y tế dự phòng là điều rất quan trọng. Riêng về phòng, chống dịch, cần có những đề xuất tham mưu tốt với chính quyền các cấp, chủ động và thực chất hơn chứ không chỉ trên giấy, công tác chuẩn bị phải chu đáo, cẩn thận hơn và thường xuyên phải được bổ sung đầy đủ sẵn sàng cho các tình huống. Điều quan trọng nhất là làm sao cho người dân nâng cao hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm và ủng hộ, tự giác tham gia các hoạt động y tế dự phòng ngay tại cộng đồng.

Lời khuyên “mỗi người hãy tự làm bác sĩ của chính mình”, theo ông người dân nên hiểu như thế nào cho đúng để tự biết cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe hằng ngày?

Đây là lời khuyên đúng. Chỉ có chính mình mới biết rõ tình trạng sức khỏe của mình và tự lựa chọn các hoạt động, cách thức chăm sóc cho mình phù hợp nhất để bảo vệ và nâng cao sức khỏe bản thân. Bác sĩ chỉ can thiệp khi đã bị mắc bệnh cần phải can thiệp bằng các biện pháp y tế và có lời khuyên dựa trên kết quả thăm khám. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, việc thực hiện đúng, đầy đủ, thường xuyên những lời khuyên, các khuyến cáo của ngành y tế ngay tại nơi ở, nơi làm việc, học tập, công tác là vô cùng quan trọng để phòng ngừa, đẩy lùi dịch bệnh, tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho mình để không bị mắc bệnh, đó chính là “tự làm bác sĩ của chính mình”.

Xin cảm ơn ông!

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn chúc Tết đội ngũ thầy thuốc tại các bệnh viện
(BGĐT) - Chiều ngày 24-1 (tức 30 Tết), đồng chí Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đến thăm, chúc Tết tại Bệnh viện Ung Bướu tỉnh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cùng đi có đại diện lãnh đạo Sở Y tế.
Phát động “Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”
Chiều 19-5, tại Vườn hoa Lý Tự Trọng (Hà Nội), Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức Lễ phát động “Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” năm 2019 và cuộc thi “Đi bộ vì sức khỏe – Walk for your health”.
Có hơn 4.000 lao động Việt Nam trong vùng dịch Covid-19 ở Hàn Quốc
Theo thông tin từ Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, hiện Việt Nam có 48.000 lao động đang làm việc tại quốc gia này. Tại hai vùng có dịch bệnh Covid-19 ở Hàn Quốc là Daegu và Gyeongbuk, có hơn 4.000 lao động nước ta đang sinh sống và làm việc.
Thủ tướng: Vừa chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm các mục tiêu Quốc hội giao
Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa bảo đảm các mục tiêu Quốc hội giao. Do đó, cần phát động phong trào thi đua.
Việt Nam cần ít nhất 12 tháng để có vắc xin phòng Covid-19
TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Vắc - xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế cho biết, trong điều kiện thuận lợi nhất, Việt Nam cần ít nhất một năm nữa sẽ có vắc - xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, đây là quá trình tốn kém và nhiều rủi ro.

Kim Hiếu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...