Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phòng, chống dịch Covid-19
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trên tuyến đầu chống dịch Covid-19

Cập nhật: 06:19 ngày 21/03/2020
(BGĐT) - Dịch Covid-19 đang lây lan nhanh từng ngày trên thế giới và trong nước. Tại Bắc Giang, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch các cấp huy động vật tư, trang thiết bị cùng hàng nghìn cán bộ, nhân viên ngành y tế sẵn sàng tham gia chống dịch.

Không ngại hiểm nguy

Thời điểm này, phòng cách ly đặc biệt của Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) có 18 ca nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 đang theo dõi sức khỏe. Tại đây, 21 bác sĩ, điều dưỡng chia 3 kíp luân phiên làm nhiệm vụ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Loan, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm chia sẻ: “Từ khi tiếp nhận bệnh nhân đến lúc lấy mẫu bệnh phẩm, chờ kết quả xét nghiệm là khoảng thời gian dài thường trực nỗi lo lắng không chỉ với người bệnh mà cả kíp trực. Với trách nhiệm của người thầy thuốc, chúng tôi động viên nhau làm tốt công việc, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cách ly, giữ cho mình khỏe mạnh, không bị lây nhiễm để phục vụ nhân dân”.

{keywords}

“Trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, có ai không lo lắng khi công việc này có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh. Tôi nghĩ mình làm trong ngành y tế còn e ngại, thoái thác thì còn ai đi chống dịch nữa”.

Điều dưỡng Hoàng Thị Phương (Bệnh viện Ung bướu tỉnh).

Để đối phó với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã di chuyển bệnh nhân đang điều trị nội trú ở các khoa: Truyền nhiễm, Lão học, Nội tổng hợp để bố trí khu vực này điều trị bệnh nhân nghi mắc Covid-19. Riêng Khoa Truyền nhiễm dành riêng 50 giường sẵn sàng điều trị bệnh nhân dương tính với virus SARS- CoV-2.

Trong cuộc chiến chống đại dịch, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế ở tuyến đầu phải chịu áp lực, nguy hiểm nhất, thậm chí phải đánh đổi bằng sức khỏe, tính mạng của bản thân. Không chỉ trong ca trực, hầu hết cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng ở các bệnh viện, trung tâm y tế trong tâm thế sẵn sàng nhận lệnh làm nhiệm vụ. Công tác trong ngành gần 30 năm nhưng chưa bao giờ chị Ngô Thị Liên (SN1973), điều dưỡng ở Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa chứng kiến dịch bệnh bùng phát nguy hiểm như hiện nay. Tranh thủ trò chuyện với chúng tôi khi thúc công việc buổi sáng, chị cho hay: “Những ngày qua, tôi và các bác sĩ, điều dưỡng liên tục làm việc nhiều hơn 8 tiếng một ngày. Ngày 17/3 vừa qua, tôi được điều động đến làm việc tại Bệnh viện Dã chiến số 1 (Bệnh viện Nội tiết tỉnh). Tôi biết rằng công việc tới đây sẽ vô cùng vất vả, nguy hiểm, phải xa chồng con có thể là một, hai tuần hoặc lâu hơn. Nhưng tôi không do dự, nhanh chóng sắp xếp công việc riêng để lên đường nhận nhiệm vụ mới”. Cũng trong lúc khó khăn này, chị Liên được lãnh đạo, bạn bè, người thân động viên nên yên tâm hơn.

{keywords}

Mọi người dân khi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều được các bác sĩ đón tiếp, đo thân nhiệt, sàng lọc sức khỏe ngay từ cổng.

Cũng được điều động đến làm việc Bệnh viện Dã chiến số 1, điều dưỡng trẻ Hoàng Thị Phương (Bệnh viện Ung bướu tỉnh) bộc bạch: “Trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, có ai không lo lắng khi công việc này có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh. Tôi nghĩ mình làm trong ngành y tế còn e ngại, thoái thác thì lấy ai đi chống dịch nữa. Chúng tôi không chỉ có chuyên môn nghiệp vụ mà còn được trang bị đủ phương tiện để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân”.

Theo thông tin từ Sở Y tế, trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19, toàn ngành y tế huy động khoảng 6 nghìn cán bộ, y bác sĩ, nhân viên tham gia. Tại các đơn vị y tế huyện, TP đều đã bố trí cán bộ, nhân viên nhận nhiệm vụ tại các khu điều trị, bệnh viện dã chiến, khu vực cách ly. 

Với tinh thần chống dịch như chống giặc, nhiều cán bộ hưu trí từng công tác trong ngành y tế cho biết sẽ trở lại với công việc trong những trường hợp cần thiết. Bà Phạm Thị Đồi (SN 1955), y tá đã nghỉ hưu tại thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) nói: "Trong tình huống nguy cấp, chúng tôi không ngại trở lại với công việc chăm sóc sức khỏe nhân dân". 

Hay như ở Trường Trung cấp Y tế Bắc Giang, các em học sinh cũng đăng ký thực tập tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh để chia sẻ khó khăn khi dịch bệnh xảy ra.

{keywords}

Bệnh viện Ung bướu tỉnh chuẩn bị phương tiện tại khu vực cách ly. 

Mỗi người, mỗi nhà cùng nâng cao ý thức

Là người chịu trách nhiệm cao nhất của đơn vị chăm sóc sức khỏe nhân dân lớn của tỉnh, những ngày này, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh càng áp lực, bận rộn hơn ai hết. Cả ngày ông thường trực tại Bệnh viện vừa quán xuyến công việc chuyên môn vừa tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị phòng, chống dịch. 

Ông thông tin: Hiện kho thuốc của Khoa Dược đã dự phòng đủ trang thiết bị, vật tư y tế đáp ứng tình huống khi xuất hiện một số ca bệnh vào điều trị (tình huống 2). Đơn vị đang tiếp tục mua sắm để phục vụ bệnh nhân trong tình huống dịch bùng phát. “Chúng tôi ưu tiên mua sắm vật tư y tế nhằm bảo đảm an toàn, giúp cán bộ, nhân viên yên tâm làm việc”. - Ông Đồng cho biết.

Trước diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã thành lập Bệnh viện Dã chiến số 1 tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh, với quy mô 200 giường bệnh sẵn sàng đi vào hoạt động. Trong điều kiện cần thiết sẽ trưng dụng Nhà Thi đấu thể thao tỉnh làm Bệnh viện Dã chiến số 2 cũng có quy mô 200 giường bệnh. Trong tình huống dịch kéo dài, số lượng người nhiễm tăng nhanh, BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh sẽ bố trí trung tâm y tế các huyện, TP làm cơ sở chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 tại địa phương.

Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế, thời điểm này, 10 cơ sở khám, chữa bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh và trung tâm y tế ở 9 huyện) trên địa bàn tỉnh đã bố trí 230 giường bệnh, sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Các đơn vị đều bố trí khu vực riêng biệt dành cho người nghi mắc và nhiễm bệnh. Quan sát tại một số nơi được biết, khu vực khám thực hiện theo quy tắc sàng lọc, phân loại để phòng tránh lây nhiễm chéo.

Trên tinh thần chủ động, thời điểm này các huyện, TP đã trích ngân sách chi cho công tác phòng dịch. Trong đó huyện Hiệp Hòa mua 5 nghìn kg hóa chất phun tiêu độc, khử trùng toàn địa bàn; hàng trăm chai nước rửa tay kháng khuẩn, trang phục phòng hộ và nhiệt kế, khẩu trang y tế. Ngoài Trung tâm Y tế huyện, các cơ sở y tế tư nhân như: Bệnh viện Đa khoa Sơn Uyên, Bệnh viện Đa khoa Hùng Cường cũng chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Huyện Lục Nam cấp 3,2 tỷ đồng mua hóa chất, trang thiết bị y tế; thành lập 23 đội cơ động phản ứng nhanh tại Trung tâm Y tế huyện và tuyến xã. Các huyện, TP đồng loạt tổ chức tập huấn kỹ năng tiếp nhận, hướng dẫn phác đồ chăm sóc, điều trị khi có bệnh nhân nhiễm Covid-19.

{keywords}

Trung tâm Y tế huyện Lục Nam bố trí khu vực điều trị cách ly.

Hiện trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận bệnh nhân mắc Covid-19. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới; trong nước liên tục phát hiện các ca mắc mới, Ủy ban MTTQ tỉnh đã vận động toàn dân tham gia phòng, chống dịch thông qua các hình thức quyên góp, ủng hộ tiền mặt, nhu yếu phẩm, vật tư y tế.

Cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội để đẩy lùi dịch bệnh. Trong lúc này, mỗi người dân Bắc Giang cần chấp hành nghiêm các quy định về phòng dịch, nỗ lực bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Tích cực tham gia tuyên truyền, ủng hộ vật chất, tinh thần, cổ vũ đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế yên tâm làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu.

Bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 18 ở Việt Nam đã khỏi bệnh và ra viện
Thời điểm xuất viện, bệnh nhân có thể trạng bình thường, được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình hỗ trợ xe chở về nhà.
Các ổ dịch ở Hà Nội sẽ nâng mức cách ly lên 28 ngày
Hà Nội nâng mức khoanh vùng, cách ly đối với ổ dịch từ 21 ngày lên 28 ngày.
Không cần phong tỏa, vì sao Hàn Quốc vẫn kiểm soát hiệu quả Covid-19?
Không cần phong tỏa toàn bộ đất nước, vì sao Hàn Quốc, vốn từng là ổ dịch lớn nhất ngoài Trung Quốc, lại kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19?
MTTQ tỉnh Bắc Giang kêu gọi toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19
(BGĐT) - Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang kêu gọi toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 bằng những việc làm thiết thực.
Bắc Giang: 4 đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ nhu yếu phẩm, vật tư y tế phòng chống dịch
(BGĐT) - Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sáng 19/3, Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp tổ chức tiếp nhận quà của các đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Nhóm PVVX

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...